CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 2
Thuận theo giáo huấn của Thánh Hiền,
không tùy thuận cách nghĩ và tập khí của bản thân
Giảng ngày 20 tháng 7 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người! Chúng ta bắt đầu cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mà sư phụ đã giảng giải, dạy dỗ.
Chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, một công án mọi người đều rất quen thuộc là công án về ông thợ vá nồi. Pháp sư Đế Nhàn và ông thợ vá nồi là bạn chơi với nhau hồi còn nhỏ, về sau đến tuổi trung niên, ông thợ vá nồi biết lão Pháp sư Đế Nhàn đã xuất gia rồi, ông cảm thấy đời người rất khổ, liền tìm Đế lão xin xuất gia. Đế lão cảm thấy ông tuổi đã cao mà xuất gia, ở trong chùa thật ra vẫn có rất nhiều việc phải làm, hơn nữa giới luật ở trong chùa khá là nghiêm khắc, đều phải tuân theo những chấp tác đó, ngài sợ ông không chịu được. Nhưng ông vẫn rất kiên quyết muốn xuất gia, sau cùng, Đế lão nhận lời ông, đã nói với ông: “Ông đã muốn xuất gia thì phải nghe lời tôi”. Ông thợ vá nồi nói: “Tôi xuất gia bái thầy làm sư phụ rồi, tôi nhất định nghe lời thầy”. Kết quả, Đế lão đã sắp xếp cho ông một cái am, sau đó chỉ dạy ông một câu Phật hiệu, cứ niệm là được rồi. Kết quả ông đã niệm ba năm, đứng vậy mà ra đi, hơn nữa trên tay còn cầm mấy đồng bạc, ngay cả tiền lo hậu sự ông cũng không muốn làm phiền người khác. Tất nhiên tâm trạng này rất đáng để chúng ta học tập. Trong cả quá trình ông tu học, có rất nhiều hoàn cảnh hết sức đáng cho chúng ta học tập theo. Ví dụ, ông hết sức chân thật nghe lời. Đế lão bảo ông niệm Phật, ông ngay cả niệm Phật rồi sẽ thế nào cũng không hỏi, ông tin tưởng Đế lão chắc chắn sẽ cho ông phương pháp tốt nhất. Lúc đó ông không có tâm gấp gáp cầu lợi muốn có kết quả gì ngay, mà ông chỉ chân thật lão thật, “sư phụ bảo tôi niệm như vậy, tôi liền niệm như vậy, không chút nghi ngờ”.
Chúng ta thử nghĩ xem, bây giờ muốn tìm một học sinh như vậy có dễ dàng không? Sư phụ ngài cũng thường nhắc rằng, khi lần đầu tiên đi bái kiến thầy giáo Lý Bỉnh Nam, thầy giáo Lý có nhắc tới ba điều kiện. Có thể bây giờ tôi mời đồng nhân nào đó lên đây nói, tôi thấy mọi người đều nói được, phải không? Thật ra trên con đường tu đạo, ví dụ nói chúng ta nghe kinh được nửa năm, một năm rồi, tôi tin là mỗi người đều hiểu không ít đạo lý. Nhưng câu đạo lý nào đã in vào tâm chúng ta rồi chúng ta đã thực hành vậy? Đây mới là lợi ích chúng ta có được. Chúng ta đã hiểu, tu học Phật pháp là sư đạo, vậy chúng ta phải giữ nguyên tắc của sư đạo. Cho nên thầy giáo Lý Bỉnh Nam nói, chỉ có thể nghe một mình thầy giảng dạy; những sách muốn đọc, phải được thầy đồng ý; những điều đã học trước đây thầy đều không thừa nhận. Ba điểm này khiến chúng ta buông bỏ sự ngạo mạn của mình, có ngạo mạn thì không cách nào tu đạo được.
Sư phụ trước đây đã học tập với đại sư Chương Gia, học tập với giáo sư Phương Đông Mỹ, đại sư Chương Gia là vị cao tăng đương đại. Ngay cả sự học tập với đại sư Chương Gia cũng phải buông bỏ, nếu không thì trong tâm sẽ giữ lại một ấn tượng là tôi là học sinh của đại sư Chương Gia đấy, có phải không? Ngày nay chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, nếu như có một tâm trạng là: “Quý vị có biết tôi là học sinh của lão pháp sư Tịnh Không hay không?” Nếu chúng ta có tâm trạng này là đã tùy thuận tập khí rồi, khi chung sống với người sẽ tỏ vẻ mình có tư cách khá là cao. Cho nên tu đạo, thật sự phải thường xuyên quán chiếu cái tâm này mới được. Ngay cả việc học tập với cao tăng đại đức còn phải biết buông bỏ, còn chúng ta mấy chục năm nay, đều do những tập khí này khiến chúng ta bị rối ren nhiễu loạn, vậy mà chúng ta vẫn không chịu buông bỏ nó, còn không chịu tùy thuận lời dạy của thánh hiền, tùy thuận giáo huấn của sư phụ, vậy thì sự tu học trong đời này chỉ có thể kết được thiện duyên, để lại ấn tượng mà thôi, đời này muốn thành tựu thì không dễ dàng đâu. Cho nên chúng ta giữ ba nguyên tắc này, noi gương ông thợ vá nồi, điều quan trọng nhất chính là chân thật, nghe lời. Tại sao vậy? Bởi vì sư phụ là người tu hành từng trải, người từng trải vừa nhìn vào liền biết được chúng ta trên con đường tu hành bây giờ thiếu nhất điều gì. Nghe lời thì sẽ được lợi ích. Sư trưởng biết chúng ta bây giờ căn cơ không vững.