/ 49
61

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 28

Khi đã có đức hạnh thì duyên phận tự sẽ an bài

Giảng ngày 16 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay chúng ta tiếp tục nói tới mười cương lĩnh hành thiện quan trọng do tiên sinh Liễu Phàm tổng hợp, chúng ta nói tới điều thứ chín “kính trọng tôn trưởng”, tức là tôn trọng trưởng bối. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn, đem ý nghĩa “tôn trưởng” mở rộng ra, những người lớn tuổi hơn chúng ta, địa vị, chức vị của họ cao hơn chúng ta, tuổi cao, địa vị cao, đức hạnh cao hơn chúng ta, và cả kiến thức, kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta, chúng ta đều phải nên tôn trọng.

Sự tôn trọng này trên thực tế là điều rất tự nhiên. Đối mặt với người lớn tuổi hơn, chúng ta tự nhiên khởi tâm tôn trọng, vì họ đã cống hiến cho gia đình, cho xã hội rất nhiều; đối với người có trí huệ, người có đức hạnh, tâm cung kính của chúng ta tự nhiên khởi lên. Thánh hiền Phật Bồ-tát giáo huấn chúng ta phải tôn trọng tôn trưởng, trên thực tế, đều là muốn chúng ta khôi phục tánh đức. Chúng ta học Phật tức là học làm Phật, tức là khôi phục tánh đức. Cái tâm tôn trọng này tương ứng với tánh đức. Khúc Lễ của Nho gia mở đầu đã nói “vô bất kính”. Nguyện thứ nhất trong Phổ Hiền hạnh nguyện là “lễ kính chư Phật”. Nếu chúng ta bất kính với người, trên thực tế là trái nghịch với tánh đức của mình, chà đạp chính mình. Tại sao là chà đạp chính mình? Tùy thuận tập tính tham sân si mạn nghi là chúng ta chà đạp chính mình. Cho nên nếu biết thương mình, hiểu được sự khổ tâm của Phật Bồ-tát giáo huấn chúng ta thì chúng ta sẽ hoan hoan hỉ hỉ mà y giáo phụng hành.

Sự tôn trọng này không chỉ là ở trong tâm mà nó còn biểu hiện rất tự nhiên trên hành vi. Như Đệ Tử Quy có nói: “Lúc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”, chúng ta đối với tôn trưởng có một thái độ cung kính, những hành vi này sẽ tự nhiên hiển lộ; nếu như chúng ta luôn lơ là những chi tiết này thì thái độ cung kính trong tâm chúng ta vẫn chưa thật sự phát ra. Rất nhiều người cảm thấy những lễ tiết này đều là người ta chế định ra để yêu cầu, khống chế người khác, vậy là họ hiểu lầm rồi. Lễ là hành vi thuận theo lòng người mà hiển lộ ra một cách tự nhiên, thánh hiền nhân ghi nó lại, biến thành lễ tiết. Chúng ta y theo những lễ tiết này mà làm, dần dần chúng ta sẽ khôi phục được bổn thiện, khôi phục lại tánh đức.

Tiếp theo, nếu như tôn trọng, chúng ta tuyệt đối sẽ không khởi tâm trạng với trưởng bối, sẽ không ngỗ nghịch với trưởng bối. Quý vị có tâm sân hận, điều này đã cách xa sự tôn trọng. Trong Đệ Tử Quy, khi chúng ta khuyên can cha mẹ và trưởng bối thì “mặt ta vui, lời ta dịu”, đây cũng là thực hành cụ thể sự tôn trọng. “Khuyên không nghe, vui can tiếp”, cho dù cha mẹ nổi nóng đánh chúng ta, “dùng khóc khuyên, đánh không giận”, không có oán hận. Dùng tất cả phương pháp để khuyên cha mẹ tức là muốn tốt cho cha mẹ, đây đều là hiển lộ sự cung kính. Chúng ta ở trong đơn vị, sự tôn trọng đối với cấp trên cũng biểu hiện ở chỗ “đi phải thưa, về phải trình”, việc đã làm tới đâu rồi, phải nói rõ cho cấp trên biết vào đúng thời điểm, để lãnh đạo biết rõ việc này đã tiến hành tới đâu rồi. Chúng ta thấu hiểu tâm của lãnh đạo để họ không cần lo lắng quá. Hơn nữa chúng ta cũng không thể chuyên quyền, bảo thủ cố chấp, không những không xin ý kiến lãnh đạo mà còn dựa theo suy nghĩ của mình mà làm, thái độ này là trái nghịch với cung kính. Biết xin ý kiến, biết báo cáo, việc này là thực hành cung kính. Tất nhiên, quý vị là một lãnh đạo, quý vị không thể nói việc gì cũng phải nghe theo tôi, đây cũng là ngạo mạn. Người lãnh đạo đối với việc họ phụ trách phải hết sức thận trọng, cung kính. Cẩn thận thật ra cũng là biểu hiện của sự cung kính. Họ càng cung kính việc do họ phụ trách thì họ phải làm nó cho tốt, tất nhiên họ sẽ lắng nghe ý kiến, họ không thể thuận theo sự thương ghét của chính mình mà làm việc, phải khách quan tìm hiểu tình hình, sau đó tiếp thu trí huệ, kinh nghiệm của mọi người để làm việc này một cách tốt nhất. Kính người kính việc đều thể hiện trong xử sự công việc. Không thể cách xa Đạo dù trong giây lát, thái độ cung kính phải được thể hiện trong khi chúng ta đối mặt với tất cả người, sự việc, sự vật.

/ 49