CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 27
Tuổi trẻ đã hiểu rõ lẽ đúng sai thiện ác thì cục diện của cuộc đời sau này sẽ khác hẳn
Giảng ngày 15 tháng 10 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Trong một hai tiết học vừa qua chúng ta nói tới tiên sinh Liễu Phàm đã tổng hợp ra mười cương mục hành thiện tích đức. Chúng ta hãy ôn tập một chút, bắt đầu là “dữ nhân vi thiện, ái kính tồn tâm, thành nhân chi mỹ, khuyến nhân vi thiện, cứu nhân nguy cấp, hưng kiến đại lợi”, hôm qua chúng ta nói tới điểm thứ sáu là “hưng kiến đại lợi”.
“Hưng kiến”, nhìn từ câu chữ, nghĩa là kiến thiết, tất cả những công trình xây dựng đều là để con người có được lợi ích. Tất nhiên sự xây dựng này là hữu hình, ví dụ xây cầu đắp đường, ví dụ xây dựng một số công trình cho người sử dụng, làm lợi ích, thuận tiện cho họ, đây là hữu hình; còn vô hình thì ví dụ như hoằng dương giáo dục luân lý đạo đức nhân quả, đây cũng là hưng kiến đại lợi. “Hưng” có thể là phục hưng, kiến thiết, trùng kiến. “Đại” là mặt ảnh hưởng của nó càng lớn người nhận được lợi ích sẽ càng nhiều.
Chúng ta nhớ tới lời sư phụ nói, hiện nay có thể cứu thế giới này là hai loại người. Thứ nhất là lãnh đạo của quốc gia, của địa phương. Họ phụ trách một vùng, chính sách, giáo hóa của vùng này là do họ quản lý, cho nên họ có ảnh hưởng lớn. Chúng ta xem hiện nay người phụ trách hành chính thứ nhất trong rất nhiều khu vực, một khi họ xem trọng giáo dục luân lý đạo đức thì việc học trong cả khu vực của họ sẽ hết sức tích cực. Gọi là “công chức dễ tu hành”, “làm quan một kì, tạo phước một phương”, những quan niệm này, nếu như người thân hoặc là thế hệ sau của chúng ta từ nhỏ có chí nguyện là muốn làm quan thì những tâm trạng này phải được giáo dục từ nhỏ. Loại thứ hai là người làm công tác truyền thông. Nếu như họ là người phụ trách một đài truyền hình nào đó thì tiết mục họ chiếu ra có sức ảnh hưởng lớn đến mấy trăm ngàn, mấy triệu người đang xem, thậm chí có thể là cả trăm triệu người. Cho nên việc này sẽ khơi dậy sự giáo hóa cả nhân tâm, đều là “đại lợi”.
Chúng ta nhìn thấy tình hình cả xã hội, thế giới hiện nay, ví dụ hiệu ứng nhà kính, đây là vấn đề cả nhân loại cùng nhau đối mặt. Trong khoảng mười năm gần đây, thời tiết trong các vùng hết sức thất thường: Những vùng nên lạnh thì không lạnh, những vùng không nên lạnh thì rất lạnh; những vùng nên mưa thì không mưa, những vùng không nên mưa nhiều như vậy thì mưa mãi không ngưng. Hiện tượng dị thường hết sức rõ ràng, thật ra căn nguyên là do con người không quý trọng tự nhiên, nhân tâm hỏng rồi. Hiệu ứng nhà kính này nếu như không được giải quyết thì rất nhiều tiền của mà con người tích lũy được có thể tan thành mây khói trong một sớm một chiều. Rất nhiều người đang tính toán, nếu như hiệu ứng nhà kính tiếp tục phát triển, băng ở Nam Bắc cực đều tan chảy hết, các vùng ven biển sẽ bị nhấn chìm. Mọi người nghĩ thử xem, bây giờ khu vực nào có kinh tế phát triển nhất? Đều là khu vực ven biển. Đến lúc đại hồng thủy nhấn chìm hết tất cả, ai khống chế việc nước nên nhấn chìm chỗ nào, không nên nhấn chìm chỗ nào? Sau lưng nó vẫn có sức mạnh đang khống chế, sức mạnh gì vậy? Nghiệp lực! Kiếp nạn đều là từ nghiệp lực mà tới, nhưng nghiệp từ đâu tới vậy? Từ tâm sanh ra. Cho nên vấn đề bảo vệ môi trường, trên thực tế vẫn là vấn đề nhân tâm, con người tạo ra những ác nghiệp tham sân si mới chiêu cảm những kiếp nạn này. Tâm tham chiêu cảm nạn nước, cho nên những vùng càng tham thì nạn nước càng nghiêm trọng. Ở những vùng kinh tế phát đạt, con người đều thấy lợi quên nghĩa, không nhấn chìm chỗ đó thì nhấn chìm chỗ nào? Sân hận chiêu cảm nạn lửa, ngu si chiêu cảm nạn gió, ngạo mạn chiêu cảm động đất. Những đạo lý này đều hiểu rõ rồi, “dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”, lợi ích lớn nhất này chính là làm giáo dục mới có thể giải quyết căn bản những vấn đề mà con người cùng đối mặt.
“Đại lợi” này là giáo dục. Thật ra, mỗi một người trong các ngành các nghề đều có thể phục hưng giáo dục luân lý đạo đức nhân quả. Nếu không, có người vừa nghe thấy giáo dục là quan trọng nhất, mình không phải làm ngành giáo dục vậy không liên quan tới mình. Không phải lý luận như vậy. Cái thứ nhất, từ gia đình mà nói, chúng ta có trách nhiệm giáo dục người thân, giáo dục thế hệ sau, đây là việc lớn, gia đình là một tế bào quan trọng của xã hội, chúng ta không thể thoái thác trách nhiệm. Tiếp đó, mỗi ngành nghề đều phải tuân theo đạo đức, thương nghiệp có thương đạo, giới y học có y đạo, giáo viên có sư đạo, còn có đạo gì nữa? Mỗi vai trò đều có đạo. Con dâu có đạo làm dâu, người cha có đạo làm cha, có đạo làm con, tất cả phải ở trong đạo đức mới có thể hóa giải tai họa. Cho nên chúng ta ở trong lĩnh vực nào, trong ngành nghề nào đều có thể tuân theo luân lý đạo đức nhân quả mà làm tốt thân giáo, khơi dậy phục hưng đạo đức, đây đều là “hưng kiến đại lợi”.