/ 49
94

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 26

Tùy duyên giúp đỡ chúng sanh, đem lại lợi ích cho đối phương

Giảng ngày 14 tháng 10 năm 2010

Xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới tiên sinh Liễu Phàm đối với việc hành thiện, ông nói: “Tùy duyên tế chúng”. Sau đó đem việc hành thiện tổng hợp thành mười loại lớn. Trong câu “tùy duyên tế chúng”, “tùy duyên” là duyên phận chín muồi thì hãy tận tâm tận lực mà giúp đỡ, cho dù bản thân rất vất vả cũng không từ. Duyên phận tới rồi thì hy sinh phụng hiến với thái độ xả thân vì người; khi duyên phận chưa tới thì không được phan duyên, mong cầu, đây là “tùy duyên”. “Tế chúng” nghĩa là chỉ cần có lợi ích cho chúng sanh thì tận lực mà làm. Tận lực mà làm, nếu không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chính là hành đạo Bồ-tát xuất thế. Mười loại lớn này, loại lớn thứ nhất là “dữ nhân vi thiện”. Chỉ cần có ích lợi cho người khác thì họ liền dùng phương tiện thiện xảo mà làm, “dữ nhân” tức là cùng họ làm chung.

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nhắc tới câu chuyện “Thuấn ở Lôi Trạch”. Năm xưa Đại Thuấn ở khu vực Lôi Trạch, nếp sống xã hội thời đó thì nhân dân đều tranh đoạt lẫn nhau, không biết lễ nhường, rất có thể còn xuất hiện một số xung đột. Đại Thuấn không hề chỉ trích họ, bản thân ngài lấy thân làm mẫu, làm ra tấm gương, làm ra thái độ lễ nhường, cung kính. Lão bá tánh trong vùng nhìn thấy lâu rồi thì sự lương thiện của họ được thức tỉnh, đều noi gương Đại Thuấn, biết lễ nhường. Thuấn là người rất có đức hạnh lại rất có uy vọng, thật ra ngài có thể dùng ngôn ngữ để khuyên đại chúng, với sự minh triết của Thuấn, có thể dùng một lời mà dạy mọi người, nhưng ngài đã không dùng ngôn giáo mà dùng thân giáo để chuyển hóa nếp sống, đây là “lương công khổ tâm dã”, là vất vả dụng tâm vậy.

Trong thời đại này, ví dụ này là tấm gương tốt cho chúng ta. Người bây giờ không có nền tảng, quý vị nói với họ, một là, trong chốc lát họ nghe không hiểu; hai là, người bây giờ tâm nghi ngờ rất nặng, quý vị nói nhiều, họ sẽ nhìn quý vị rồi nói: “Anh nói nghe rất hay, anh làm rốt cuộc ra sao rồi?” Chúng ta nói nhiều, đức hạnh của mình vẫn không theo kịp, ngược lại sẽ khiến người ta nghi ngờ, thậm chí khiến người ta phủ định. Hiểu rõ đạo lý rồi thì đừng nóng vội đi thuyết phục người, muốn đi dạy người, trước hết bản thân chúng ta làm được đã. Điều này chính là Thuấn đã nhắc nhở chúng ta, thị hiện cho chúng ta.

Trên đường tu học, hãy cẩn thận thái độ “thích làm thầy người”, bản thân vẫn còn chưa làm được đã nóng vội muốn dạy người, trên thực tế là đem tinh lực đặt vào việc nhìn lỗi của người, sau đó còn bám vào duyên này, nhất định muốn người ta nghe lời chúng ta. Thật ra duyên của mỗi người đều khác nhau, chúng ta có hiểu được nhân duyên không? Ngày nay chúng ta nói với họ về tu hành, cái thứ nhất, tri kiến của chúng ta có đúng không? Bản thân chúng ta phải xác nhận trước điểm này, chưa xác nhận trước tri kiến đã nóng vội muốn nói với người ta, cái đó đều là tập tánh thích làm thầy người đang phát tác. Tiếp đó, cho dù cái lý của chúng ta có thể đúng rồi, nhưng mà nói có khế cơ không? Có quán cơ được chưa? Hiện nay đương sự được người nào phụ trách dẫn dắt, chỉ dạy họ vậy? Một người trẻ tuổi ở trong đoàn thể, mười người nói với họ, hai mươi người nói với họ, quý vị thấy họ nghe có loạn lên không? Mười hai mươi người này nói với họ đã quán chiếu được tình hình của họ chưa? Quý vị muốn giúp người thì phải nhìn cho rõ tình hình, nếu không sẽ càng giúp càng thêm loạn. Cũng giống như ông bà nội đều hy vọng cháu của mình tốt, nhưng điều họ dạy có thể chưa chắc là quan niệm đúng, chưa chắc đã phối hợp tốt với cha mẹ của các em, vậy giúp sẽ càng thêm loạn.

Năm xưa khi sư phụ học tập với thầy giáo Lý Bỉnh Nam, thầy Lý có nói: “Trò chỉ được nghe một mình ta giảng”, điều này có ý nghĩa rất sâu. Một người khi còn chưa xây dựng được sự phán đoán đúng sai, tri kiến đúng đắn, họ nghe càng nhiều người nói thì họ càng thêm loạn. Cho nên chúng ta khuyên người, chủ quản của họ là ai, người dạy họ là ai, phải càng củng cố tín tâm của họ đối với người phụ trách việc tu học của họ, như vậy mới đúng. Nếu chúng ta nói với họ không giống với lời của lãnh đạo họ nói, chúng ta còn nói lãnh đạo của anh sai rồi, tôi đúng, thì tri kiến của họ sẽ không xây dựng lên được. Cho nên rất nhiều sự việc cần phải suy nghĩ cho chu đáo, sâu xa.

/ 49