/ 49
63

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 25

Hành thiện cần phải biết thế nào là thiện. Phân biệt chân thiện từ tám góc độ khác nhau

Giảng ngày 13 tháng 10 năm 2010

Xin chào mọi người!

Tiết học trước chúng ta đã nói tới “tích đức lũy công”. Thật ra ý nghĩa của cuộc đời nằm ở chỗ, một là, nâng cao cảnh giới của mình, đời này có thể làm Phật, làm Bồ-tát, cuộc đời rất có ý nghĩa; hai là, tận tâm tận lực làm lợi ích cho chúng sanh có duyên. “Tích công lũy đức” tức là tận lực làm lợi ích cho đại chúng. Chúng ta muốn làm lợi ích cho đại chúng, trước hết phải hiểu rõ đạo lý, nếu không sẽ hành thiện không có trí huệ, có thể sẽ dẫn đến rất nhiều tệ nạn. “Làm thiện mà không rõ lý”, tự mình cảm thấy mình đã làm rất tốt nhưng không chừng có thể là đang tạo nghiệt, uổng phí sự khổ tâm. Cho nên cần phải thâm nhập lý giải đạo lý, lý giải kinh giáo thì chúng ta mới có thể y giáo phụng hành, mới có thể tự lợi lợi tha.

Hôm qua chúng ta đã nói tới làm sao để phán đoán thiện ác, thiện có thật giả, có cong và thẳng. Tiếp theo, thiện “có âm có dương”. “Âm thiện” tức là người ta không biết, “dương thiện” tức là người ta biết chúng ta đang làm thiện. “Dương thiện thì hưởng thế danh”, còn “âm đức thì được ông trời báo đáp”. Một người khi hành thiện, nếu như nóng lòng muốn được người ta biết thì sự hành thiện này là dùng tâm danh lợi để hành thiện, cho nên dù đang hành thiện, thật ra họ đã trồng xuống tâm tham danh tham lợi rồi, “chỗ thiện này chính là gốc ác”. “Làm ác mà sợ người biết”, một người tạo ác rồi rất sợ người ta biết, tức là họ còn có tâm hổ thẹn, đây là “trong ác vẫn có con đường thiện”, cho nên họ làm ác, họ biết đi sám hối, Phật môn gọi là sám hối nghiệp chướng thì cái ác của họ có thể được tiêu trừ. Nếu còn che giấu ác, không để người ta biết, cũng không biết phải đi sám hối sửa lỗi thì cái này là “âm ác”, có thể càng ngày tích càng dày.

Cho nên phải làm nhiều việc, nhưng không được khoe khoang. Bởi vì người hành thiện trong tâm họ sẽ cảm thấy đây là việc mình nên làm, tự nhiên họ sẽ làm một cách tâm an lý đắc, không khoe khoang. Người khoe khoang có thể còn mang tâm danh lợi. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói rằng: “Người thế gian hưởng thịnh danh mà không hợp với thực, thường gặp kì họa”, họ hưởng thịnh danh, danh cũng là phước báo, trên thực tế họ không tốt như vậy, lại hưởng thịnh danh rất cao thì phước sẽ bị tổn thất, phước dùng hết rồi thì họa sẽ tới. Cho nên danh hợp với thực mới không bị tiêu phước. Như cá nhân tôi, chính là “danh quá kì thực” rất nghiêm trọng, cho nên tôi đi trên đường đều phải nhìn xem có xe nào chạy tới không, thường có kì họa, tự mình rất rõ ràng, phải nỗ lực mau mau nâng cao bản thân cho tốt.

Người không tội lỗi gì”, họ không làm sai việc gì, “mà vẫn chịu mang tiếng xấu, thì con cháu sẽ phát đạt”. Mọi người có hy vọng con cháu mình phát đạt không? Quý vị những người làm cha mẹ, làm trưởng bối đều không có phản ứng gì sao? Ngay cả con cái của mình cũng không nghĩ tới thì còn tu hành gì nữa, thế hệ sau thân nhất của mình mà không tận tâm tận lực mà hộ niệm các em, còn nói hộ niệm chúng sanh, điều này là không có cơ sở, không bình thường. Cho nên biết nghĩ cho con cháu, chịu oan uổng lớn tới đâu cũng không sao, cái đó đều là tiêu nghiệp chướng, còn tích phước phần, con cháu sẽ luôn phát đạt. Mọi người thật sự hiểu rõ đạo lý này rồi, sau này bị người ta mắng, bị người ta hiểu lầm, quý vị sẽ rất vui mừng. Người nếu không cười nổi, cảm thấy buồn phiền, tức là không hiểu lý. Hễ hiểu rõ sự lý thì thế gian này không có việc xấu nữa. Có việc nào là việc xấu? Hoặc là đang tu phước, hoặc là đang tiêu nghiệp chướng thì có việc nào là xấu đâu? Cho nên lý đắc tâm an, thấu hiểu đạo lý này rồi thì mỗi ngày đều cười toe giống Phật Di-lặc vậy.

Tất cả mọi người đều đang thành tựu chúng ta, bất luận là thiện duyên hay là ác duyên. Ác duyên giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng, quý vị phải cảm ơn họ thì có thể sống trong thế giới biết ơn. Cho nên người học Phật còn giận ai nữa, nếu còn thấy có ai chướng mắt thì càng tu càng thụt lùi, điều này tự mình phải quán chiếu cho được. Con người đáng thương ở chỗ nào? Đáng thương không phải vì bị người khác gạt, cái đó không đáng thương, đáng thương nhất là bị chính mình gạt, bị chính mình bán đứng mà vẫn không biết. Vừa bán không được giá tiền tốt, lại bán vô chỗ nào? Vô ba đường ác rồi. Không gạt mình thì đời này có thể thành Phật thành Tổ, đáng lắm. Cắn chặt răng lại, đối trị tập khí, chứng vô lượng thọ, đây là người có chí khí.

/ 49