/ 49
87

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 24

Đọc sách Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần sẽ hiểu rõ được rất nhiều vấn đề

Giảng ngày 12 tháng 10 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!

Chúng ta giảng tiếp câu kinh văn “Tích đức lũy công”, đoạn này dạy chúng ta làm sao đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Cả đoạn thứ ba đều nói cụ thể nên làm như thế nào, hành thiện ra sao. Phía sau đoạn này có nói rằng: “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện; dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện” (Muốn cầu thành thiên tiên, hãy nên lập một ngàn ba trăm điều thiện. Muốn cầu thành địa tiên, hãy nên lập ba trăm điều thiện). Vậy nếu như chúng ta mỗi ngày đều làm một việc thiện, một năm là làm xong ba trăm việc thiện, một ngàn ba trăm việc thiện thì khoảng bốn năm là làm xong. Về mặt lý, mỗi ngày làm một việc thiện, thì có thể đạt được mục tiêu này, vấn đề là có thể kiên trì mỗi ngày đều làm được không? Cho nên phát tâm thì dễ, giữ tâm khó, muốn làm việc thiện trong một ngày không khó, duy trì một tháng làm việc thiện, thậm chí là ba năm, năm năm thì phải rất có kiên nhẫn.

Chúng ta xem tiên sinh Liễu Phàm, ba ngàn việc thiện của ông trong mười năm mới làm xong được. Trong quá trình này còn có sự đoạn ác, sửa lỗi rất quan trọng. Không sửa tập khí, mỗi ngày tham sân si mạn vẫn khởi lên, công tội sẽ bù trừ lẫn nhau. Muốn hành thiện, muốn chuyển đổi vận mệnh thì nhất định phải bắt đầu từ việc sửa tập khí. Chúng ta phải tự biết tập khí nghiêm trọng nhất của chúng ta ở đâu? Phải bắt tay từ chỗ này, đó mới là làm thật.

Câu kinh văn này thật ra đã nói với chúng ta, một người muốn thành tựu đạo đức thì phải dựa vào sự nâng cao và thực hành góp nhặt từng ngày, phải tích phải lũy. Chúng ta nói “sùng đức”, một người đức hạnh hết sức cao thượng, họ cũng là từ “tích” mà có; công rất lớn, cũng là từ “lũy” mà có. Chúng ta xem, “tích” là từ ít ra nhiều, “lũy” cũng là từ thấp thành cao, đều là nước chảy đá mòn, gọi là công phu tích nhiều dùng ít.

Nhà Phật có một câu nói là thiện căn duy nhất trong sự tu hành của Bồ-tát là tinh tấn. Họ đã phát tâm rồi, nhưng có thể nâng cao nhanh, tiến bộ nhanh được không thì phải xem mức độ tinh tấn của bản thân họ. Chúng ta ngày nay phát nguyện muốn tích đức lũy công, nhất định phải có tâm dũng mãnh tinh tấn, hơn nữa còn phải có tâm “kiên cửu”. “Kiên” tức là bất kì cảnh giới nào cũng không thoái thác, “dù cho thân này trong khổ nạn, nguyện tâm này mãi không thoái lui”, kiên định nhất quyết không thoái thác, trốn tránh, dũng cảm đối mặt với sự khiêu chiến của cảnh giới, đây là “kiên”. Còn “cửu” tức là lâu dài, duy trì không gián đoạn.

Có một người tên là Cát Phồn, ông là một Thái thú ở Trấn Giang đời Tống, đức hạnh của ông rất được tôn sùng. Người ta thỉnh giáo ông tại sao ông có được đức hạnh cao như vậy? Ông nói ông liên tục hành thiện trong bốn mươi năm, trước giờ chưa từng gián đoạn. Đây chính là kiên cửu. Người ta hỏi ông hành thiện gì, ông nói rằng, ví dụ tấm thảm bị lệch, nó có thể sẽ vướng đường đi của người khác, người ta đi có thể sẽ đá trúng, tôi liền mau đặt nó lại vị trí ban đầu, đặt ngay lại; người ta khát nước, tôi vừa nhìn thấy liền hiểu ra, mau mau rót một ly nước cho họ uống. Cho nên điều quan trọng của việc hành thiện là luôn luôn nghĩ cho người khác thì mỗi ngày chúng ta đều có rất nhiều việc thiện để làm.

Ví dụ nhìn thấy đồng tu này hôm nay khóe miệng vểnh lên rất cao, tâm trạng rất không tốt, chúng ta có thể nói mấy câu khích lệ, nói mấy câu nhắc nhở, khiến họ chuyển đổi ý niệm thì gánh nặng tâm trạng này sẽ được bỏ xuống. Cho nên người hành thiện miệng thường nở đóa hoa sen thì rất dễ hành thiện, cho người tín tâm, cho người sự động viên khích lệ, cho người hy vọng, nhắc nhở người khác đều là hành thiện. Nhưng cái miệng này cũng là “họa phước chi môn” (cánh cửa của họa phước), nó tạo ác cũng nhiều, vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, hễ nhẫn không được thì liền tạo ác.

/ 49