/ 49
89

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 23

Điều quan trọng của tích đức là tăng trưởng thiện tâm của chính mình

Giảng ngày 11 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã bước vào đoạn thứ ba, nên tích đức hành thiện như thế nào.

Câu mở đầu là “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái”. “Đạo” cụ thể đó là chúng ta hiện nay làm tròn bổn phận của mình. Bổn phận trong ngũ luân là phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín. Chúng ta làm tốt những bổn phận này trước, nếu như còn chưa làm tròn bổn phận mà muốn đi hành thiện tích đức, làm việc tốt, làm nghĩa công thì đại chúng trong xã hội không dễ gì chấp nhận. Họ nói cô làm con dâu chưa tốt mà ra ngoài làm việc thiện thì người ta sẽ sanh tâm nghi ngờ đối với những kinh điển của thánh nhân Nho Đạo Thích. “Kinh điển đã dạy như vậy sao?”. Trong sách Đại Học đã nói rằng thứ tự rất quan trọng, “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Trong đó nhắc tới một câu là: “Nhà mình không dạy được mà dạy được người khác, không có việc như thế”. Đây là chuyện không thể được, nhà của mình còn chưa thể hòa thuận, con cái chưa thể dạy tốt, mà có thể đi làm lợi ích cho người khác, dạy dỗ người khác, đây là việc không thể nào có được. Cho nên “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” (chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh), là nhắc nhở chúng ta phải làm tròn bổn phận. Bổn phận này mở rộng ra nữa thì sẽ hết sức sâu xa. Ví dụ câu “phụ tử hữu thân”, nhà Phật đã nói cho chúng ta một chân tướng, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Sự hành hiếu này đó là đối với tất cả mọi người chúng ta đều có tâm hiếu kính như vậy.

Chúng ta đều rất quen thuộc với tịnh nghiệp tam phước, phước thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta từ hiếu kính mà cắm rễ đức hạnh của mình, không chỉ dùng tâm hiếu kính này đối với cha mẹ, đối với sư trưởng, ý nghĩa sâu xa của nó là dùng thái độ này mở rộng ra đến tất cả mọi người, tất cả chúng sanh, đây chính là khéo học. Nếu như có thể dùng tâm trạng như vậy để thực hành “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” thì người này chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Phổ Hiền Bồ-tát mở đầu đại nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, “chư Phật” tức là đều lễ kính, đều cung kính chúng sanh hữu tình và vô tình. Cho nên sự làm tròn bổn phận, tận bổn phận này, dùng chân tướng vũ trụ nhân sinh của nhà Phật thì thấy nó hết sức sâu xa. Việc “phụng sự sư trưởng”, chúng ta cảm kích, cung kính người thầy đời này của chúng ta, còn những vị thầy trong đời đời kiếp kiếp thì sao? Một Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ. Tất nhiên chúng ta phải báo những ân đức này của Phật Bồ-tát, không phải là cho họ thức ăn ngon, quần áo đẹp, họ không cần đến những thứ này, điều họ hoan hỉ nhất là chúng sanh được thoát khổ. Cho nên điều quan trọng nhất của “phụng sự sư trưởng” là y giáo phụng hành, làm lợi ích cho chúng sanh, điều này chính là sự thực chất của việc phụng sự sư trưởng. Bắt đầu làm từ việc giữ tròn bổn phận, biết được bổn phận, rồi đến nâng cao công phu tâm địa của chính mình. Căn bản quan trọng của việc hành thiện là thiện tâm. Biết thế nào làm tròn bổn phận rồi, tiếp theo cần phải bắt tay làm từ trong tâm. Chúng ta thấy phía trước câu “tu thân, tề gia” là câu “thành ý, chánh tâm”.

Cho nên tiếp theo đó kinh văn nói rằng “bất lý tà kính, bất khi ám thất” (chẳng đi theo nẻo tà, chẳng lừa dối khi ở trong buồng tối), hai câu này nhắc nhở chúng ta, tâm địa phải chân thành, không gạt mình, cũng không gạt người. Cho nên sự “bất khi ám thất” này, “ám thất” thông thường nói là chỗ không có người nhìn thấy; nói sâu hơn nữa là khởi tâm động niệm của bản thân chúng ta. Cho dù có người ở đó thì họ cũng không biết khởi tâm động niệm của chúng ta. Trên thực tế, tâm chúng ta có vọng niệm, có tà niệm thì chân tâm của chính mình sẽ bị chướng ngại, đây là không thương mình. Cho nên người hiểu lý thì sẽ biết, điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là nâng cao linh tánh của mình, khôi phục tánh đức của mình, đây là người có chí khí. Chúng ta nếu như vẫn tùy thuận vọng tưởng phân biệt chấp trước, tùy thuận tập khí, đó là cam chịu đọa lạc, người có tâm hổ thẹn sẽ không muốn làm như vậy. Cho dù không có người, cho dù ở một mình, thậm chí là khởi tâm động niệm của mình đều không muốn trái nghịch với tánh đức, đây chính là người tự trọng, biết thương mình. Có tâm trạng như vậy thì sẽ có tâm dũng mãnh đối trị tập khí, gọi là “biết liêm sỉ tức gần với dũng”. Cho nên câu “bất lý tà kính, bất khi ám thất” nhắc nhở chúng ta bắt đầu dụng công từ việc khởi tâm động niệm tương ứng với chân thành, với từ bi.

/ 49