CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 22
Trong không lừa mình, ngoài không gạt người, trên không dối Trời
Giảng ngày 9 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Tiết học trước chúng ta nói về đoạn kinh văn dạy về nên tu thiện tích đức như thế nào trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, đó là đoạn thứ ba. Mở đầu đã nói “Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” (chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh). Câu này là tổng cương lĩnh của tất cả việc hành thiện tích đức. Như trong Luận Ngữ có câu kinh văn: “Kiến thiện như bất cập” (thấy việc thiện thì vội vàng như không theo kịp), nhìn thấy tấm gương tốt, “dù kém xa, cố theo kịp”, mau chóng noi gương họ, đây là “tắc tiến”. “Phi đạo tắc thoái”, “kiến bất thiện như thám thang”, nhìn thấy hành vi bất thiện hoặc là ý niệm, lời nói, việc làm của mình không đúng, giống như dùng tay sờ nước canh nóng sôi vậy, lập tức mau mau rút tay lại, không để ý niệm, lời nói, hành vi sai lầm này tiếp tục sai tiếp, “phi đạo tắc thoái”, mau mau kìm cương ngựa bên bờ vực, nếu không thì một lần sảy chân để hận thiên cổ, phải mau mau lui trở về. Điều này chính là đối với mình thì phải mau đuổi cùng diệt tận, không thể có tơ hào cẩu thả, phóng túng. Tâm trạng này phải cẩn thận như vậy.
Câu kinh văn phía sau nói rõ về một số đức hạnh cụ thể trong cuộc sống, trong việc xử sự mà chúng ta phải nên chú ý. Chúng ta lần trước đã nhắc tới từ “thị đạo” (con đường đúng đắn) này, đạo của Nho gia, đạo của Đạo gia, đạo của Phật gia, trên thực tế đều là tương thông với nhau. Ngũ thường của Nho gia “nhân nghĩa lễ trí tín”, cùng ngũ giới của nhà Phật “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu” là tương ứng với nhau, còn tất cả các giáo huấn trog Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo gia tuyệt đối không tách rời ngũ thường này. Lão Tử nói: “Ta có ba bảo bối: Một là từ, hai là kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ”. Nhà Nho cũng có ba bảo bối, đó là “quân thân sư”. “Quân thân sư” là đạo. “Quân” là lấy thân làm mẫu, không yêu cầu người khác, chúng ta trước tiên yêu cầu chính mình, “thân” là tình thương; “sư” là có thể tuần tự dẫn dắt, hữu giáo vô loại, trưởng thiện cứu thất (dạy học không phân hạng người, trưởng dưỡng điều thiện, sửa chữa điều quấy). Một người xử thế thường có tâm trạng quân thân sư, khi họ diễn một vai trò nào đó thì đều có thể diễn tốt bổn phận đó. Ba bảo bối của nhà Phật là giác, chánh, tịnh. Ba bảo bối của Đạo gia là từ, kiệm và không dám đứng trước thiên hạ. Chúng ta xem chữ “từ”, nhân từ có phải tương ứng với ngũ thường không? Cần kiệm, “kiệm” thì tương ứng với lễ, lễ là quy tắc chừng mực xử sự làm người. Một người khi đã xa xỉ thì họ sẽ đánh mất chừng mực, cho nên xa xỉ cũng là không giữ lễ, không giữ nguyên tắc xử sự làm người. Trong Luận Ngữ cũng có nói đến: “Lễ đó là thay vì xa xỉ, hãy nên tiết kiệm”, thế nên xa xỉ là phi lễ, cần kiệm mới là giữ lễ. Nhưng nếu như cần kiệm rồi trở nên rất keo kiệt thì cái này là sai rồi. Cần kiệm là không lãng phí đồ vật, nhưng đối với người vẫn phải có tình thương, phải rộng rãi. “Không dám đứng trước thiên hạ”, điều này tức là nhún nhường, là biết lễ nhường, biết khiêm nhường.
Những giáo huấn này thật ra đều không tách rời ngũ giới, ngũ thường. Chúng ta nếu như có thể nắm vững những cương lĩnh giáo huấn quan trọng nhất này trong việc tu học Nho Đạo Thích thì sẽ có thể thường xuyên quán chiếu chúng ta có đang ở trong đạo không. Không thể tu hành tu tới sau cùng, tự mình có ở trong đạo hay không, có đang tiến bộ hay không mình cũng mơ hồ không hay biết, đó là bán rẻ chính mình rồi. Phải tu hành một cách rõ ràng minh bạch. Sư phụ thường nói, tu hành là phải làm một người sáng suốt. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, tức là dùng giáo huấn cương lĩnh quan trọng nhất của Nho Đạo Thích để quán chiếu chúng ta có còn ở trong đạo không. Sư phụ có một trích đoạn quan trọng trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo gồm hơn 600 chữ, rất dễ thọ trì. Mỗi ngày đọc ba cái gốc này một lần thì sẽ có thể biết quán chiếu lời nói và hành vi của bản thân trong một ngày. Quán chiếu vững vàng rồi, gặp phải cảnh giới, khi đột nhiên khởi lên ý niệm không tốt chúng ta liền có thể chuyển niệm, đó là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Khởi lên chánh niệm tức là “tiến”; khởi lên tà niệm tức là “thoái”. Cho nên sự “tiến thoái” này, trên căn bản vẫn là dựa vào ý niệm.