CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 20
Khai thị làm thế nào thay đổi vận mạng trong Du Tịnh Ý gặp Táo Thần
Giảng ngày 2 tháng 10 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!
Hôm qua chúng ta nói tới đoạn kinh văn: “Nguyệt hối chi nhật, Táo thần diệc nhiên”, “Táo thần” giám sát những việc thiện ác trong một gia đình, vào ngày sau cùng trong mỗi tháng sẽ lên thiên đình báo cáo.
Vào thời Minh, có một người học trò tên là Du Đô đã từng có một cơ duyên, Táo quân thị hiện cho ông, khai mở cuộc đời ông, đây là một ví dụ về sửa đổi vận mệnh. Hôm qua chúng ta vừa nói tới, cuộc đời của Du Tịnh Ý Công rất không thuận lợi, mặc dù cùng bạn học kết Văn Xương Xã rất nhiều năm rồi, xem ra đã làm không ít việc thiện. Hàng xóm láng giềng cũng cảm thấy họ là người lương thiện, nhưng hơn 40 tuổi rồi mà chưa thi đậu. Hơn nữa, con cái của ông, năm người con trai chết mất bốn người, một người mất tích; bốn người con gái, sau cùng chỉ còn lại một người. Đã mấy năm liền ông viết sớ văn cho Táo quân, hy vọng ngài có thể lên trời bẩm báo, ông đã làm rất nhiều việc thiện, tại sao cuộc đời lại thê thảm như vậy?
Vào đêm giao thừa, ông cùng với vợ và con gái ở trong nhà, thật sự là rất thê lương, chúng ta thường nói nhà chỉ có bốn bức tường để tả cảnh túng quẫn như vậy. Bỗng có người tới gọi cửa, vừa mở cửa, là một ông lão râu tóc đã bạc gần hết, mặc bộ đồ màu đen, trên đầu còn quấn khăn, người ấy bước vào. Sau đó người ấy nói với ông rằng vừa nghe thấy trong nhà ông bà có rất nhiều tiếng than thở, đau buồn, nên đến an ủi. Tiên sinh Du Dô đã đem những tai họa gặp phải nói hết với vị tiên sinh này.
Sau khi nói xong thì vị tiên sinh này tự giới thiệu. Ông nói ông họ Trương, rồi nói rằng: “Ông ý ác quá nặng, chỉ cầu hư danh, viết sớ đầy oán hận, xem thường Thượng đế”. Mười sáu chữ này là vấn đề lớn nhất của ông. Mười sáu chữ này thật ra không chỉ là vấn đề của Du Đô, trên con đường tu học, nếu như chúng ta không có tâm cố gắng soi xét chính mình, cũng rất có thể sẽ xuất hiện vấn đề như vậy. “Ý ác quá nặng”, tức là những ý niệm tham sân si mạn quá nhiều. Hơn nữa, “chỉ cầu hư danh”, tức là chỉ làm cho người khác xem, thật ra trong tâm không thống nhất với lời nói, hành động của chính mình. Sau đó còn cầu quả báo tốt, cầu không được thì oán trời trách người, cả trang giấy viết ra đều là lời oán trách. “Xem thường Thượng đế”, trong quá trình oán trách này, thật ra đã không cung kính trời đất quỷ thần, trách móc họ, tại sao cuộc đời tôi lại bi thảm như vậy, sao còn chưa mau mau ban phước cho tôi! Tiên sinh Du Đô nghe thấy những lời tiên sinh Trương này nói liền lập tức nói: “Tôi đã nhiều năm nay luôn phụng hành Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, đã làm nhiều việc thiện như vậy, sao có thể nói đều là hư danh?”
Từ điều này chúng ta cảm nhận được rằng, khi người khác chỉ ra khuyết điểm của chúng ta, chúng ta biết lập tức nhận lỗi, đây cũng là sự tu dưỡng không đơn giản. Như Đệ Tử Quy có nói: “Nghe khen sợ, nghe chê vui; người hiền lương, dần gần gũi”. Thông thường người ta chỉ ra vấn đề của chúng ta, có thể chúng ta sẽ bất giác, giống như một động tác phản xạ vậy, trước tiên là biện bạch, giải thích. Cho nên tu hành tức là đem những phản ứng quen thuộc nhất như là biện bạch, viện cớ, tự tư tự lợi chuyển thành xa lạ, đem thái độ vốn dĩ xa lạ là luôn luôn nghĩ cho người khác, hoặc là thái độ tự xét lấy mình, dần dần biến thành lúc nào cũng khởi lên được, đây chính là then chốt của sự tu hành, “chỗ lạ thành quen, chỗ quen thành lạ”. Đã là một quá trình thì không thể gấp gáp cầu mong thành tựu, muốn phải nhanh chóng có được thành tựu thì ý niệm đó chính là nôn nóng, chính là tham cầu, sẽ là dục tốc bất đạt. Cho nên nhìn ra được vấn đề thì mới sửa được, sư phụ thường nói: “Phát hiện lỗi lầm của mình là khai ngộ”, có lẽ là một việc tốt. Người ta nói với chúng ta vấn đề của chúng ta, khi chúng ta hiểu ra thì ngày hôm đó đã khai ngộ, sẽ không bị uổng phí. Đó cũng là người khác giúp đỡ tác thành sự hiểu biết lý lẽ của chúng ta, tìm được vấn đề của chính mình, chúng ta phải cảm ơn đối phương.