/ 49
250

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 7 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 1

Cắm Chắc Ba Nền Tảng Của Nho-Thích-Đạo

Giảng ngày 19 tháng 7 năm 2010

Kính thưa chư vị trưởng bối, chư vị đồng học, xin chào mọi người.

Hôm nay, chúng tôi cùng học tập với mọi người về Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh, muốn thành tựu đạo đức học vấn đời này, nhất định phải cắm chắc rễ đức hạnh. Và trong việc cắm rễ, sư phụ ngài nhấn mạnh, phải học tập Đệ Tử Quy, Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và cả Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Chúng ta bắt đầu làm từ bản thân mình, bắt đầu làm từ đơn vị làm việc của chính mình, từ trung tâm chúng ta, chúng ta cùng cắm chắc rễ đức hạnh này.

Chúng ta nhất định phải lập chí làm đệ tử tốt của Phật Bồ-tát, làm học sinh tốt của các vị thánh nhân của ba nhà Nho-Thích-Đạo, cũng phải làm học sinh tốt của sư trưởng. Sư phụ ngài nói cắm rễ, chúng ta liền thật thà chân thật cắm chắc rễ. Tất nhiên nếu danh nghĩa của việc tu học cắm rễ này tương ứng với thực chất của nó thì cái rễ này khi cắm xuống rồi, nó sẽ đứng vững không dao động. Cũng tức là trong lúc chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, trong công việc, đều có thể y theo những bộ kinh điển này mà đối nhân xử thế, trong bất kì tình hình nào cũng không trái nghịch với ba tiêu chuẩn gốc rễ này, thì đây gọi là cắm rễ. Tất nhiên, muốn đạt đến tiêu chuẩn như vậy, cần có một quá trình nỗ lực.

Chúng ta bây giờ biết cắm rễ rất quan trọng, cho nên chúng ta thọ trì những bộ kinh điển này. Sau khi thọ trì phải đọc tụng, bởi vì sau khi đọc tụng thông thuộc, đến khi gặp phải cảnh giới, chúng ta có thể khởi sự quán chiếu. Nếu như số lần đọc không đủ thì có thể đến khi gặp phải chuyện, đa phần vẫn sẽ tùy thuận tập khí, vậy sẽ không xây dựng được căn cơ chắc chắn, cho nên việc đọc tụng là việc cần thiết . Khi chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của sự đọc tụng này rồi thì khi chúng ta đọc mới không bị hình như có phần không cam tâm, không tình nguyện. Thông thường con người sau khi đã hiểu lý, họ sẽ làm rất hoan hỉ, điều này thật sự có lợi ích đối với mình, thật sự là quá trình không thể thiếu khi tu học.

Phần mở đầu của sách Luận Ngữ, Khổng Phu Tử đã nói rằng “Học mà thực hành, chẳng phải vui lắm sao!”, học tập phải nên là một việc hết sức vui sướng. Nếu như chúng ta trong quá trình học tập, luôn cảm thấy không vui vẻ thì có một vấn đề rất quan trọng, thật ra chúng ta đã không hiểu rõ lý. Cho nên “lý đắc tâm an”, biết là làm như vậy có ý nghĩa, thì sẽ càng làm càng vui vẻ. Biết đọc tụng là không thể thiếu, mỗi ngày đọc tụng một cách chân thật. Người chân thật thì sẽ được lợi ích, bởi vì đọc mãi đọc mãi, tự nhiên họ sẽ tự nhiên khởi sự quán chiếu. Gặp phải người sự vật, đột nhiên câu kinh đó, bụp, sẽ hiện ra, lúc đó sẽ không tùy thuận phiền não, y giáo phụng hành, cảm thấy thân tâm khinh an, rất hoan hỉ. “Mình đã đột phá bản thân”, vậy sẽ có thể cảm nhận được lợi ích của sự đọc tụng, đã khởi sự quán chiếu. Pháp hỷ đó nhất định là từ “giải hành tương ứng” mà tới. Trong Đệ Tử Quy đã nói với chúng ta: “Không thực hành, chỉ học văn”, tức là có “giải”, đã hiểu rõ đạo lý kinh văn, nhưng vẫn chưa đi thực hành, “chỉ bề ngoài, thành người nào”. Hôm nay có quay phim, người căng thẳng phải là tôi, tại sao hình như quý vị còn căng thẳng hơn tôi? Quý vị phải phối hợp một chút, nếu như tôi đọc tới câu quý vị cũng thuộc, xin quý vị phối hợp một chút. Có thể do lúc nãy tôi chưa cầm cái máy ghi âm này lên, khiến cho mọi người căng thẳng. Cho nên quý vị xem, sự căng thẳng của tôi đã khiến mọi người căng thẳng, vẫn là vấn đề của tôi. Quả thật lời lão tổ tiên nói không sai: “Làm việc không thông, xét lại chính mình”.

Cho nên trong Đệ Tử Quy có nói: “Chỉ bề ngoài, thành người nào”, cái này là tập khí ngạo mạn khởi lên rồi. Mạnh Tử nói: “Người ta đều thích làm thầy”. Có “giải” mà không có “hành”, họ sẽ rơi vào chỗ sai lầm khi học tập, đã hiểu những đạo lý này, nhưng chính mình không làm, lại đi nhìn cái sai của người khác. Và khi một người bị ngạo mạn làm cho chướng ngại, họ có cảm thấy “chẳng phải vui lắm sao” không? Chắc chắn mỗi ngày rất không thoải mái, nhìn người này chướng mắt, nhìn người kia cũng không ưa, cho nên sẽ không có pháp hỉ. “Giải hành tương ứng”, thì chắc chắn có pháp hỉ. Cho nên, xét xem chúng ta học tập văn hóa truyền thống có thâm nhập được không, có nâng cao được không, dùng cái gì để xem? Số lần mình cười mỗi ngày có tăng lên không. Tại sao? “Phiền não nhẹ, trí huệ tăng”, sẽ vui vẻ. Nhìn thấy cái gì cũng có lĩnh ngộ, cũng có gợi mở, cũng có thu hoạch, mỗi ngày đều trọn vẹn, làm sao không hoan hỉ cho được? Nhưng “chỉ thực hành, không học văn”, đều chỉ đi làm, chưa hiểu rõ ràng đạo lý, có thể sẽ làm sai mất, “theo ý mình, mù lẽ phải”. Cho nên sau khi hiểu ra thì phải thực hành, hơn nữa, còn phải đột phá, đem nó sửa đổi lại. Vì vậy điều quan trọng nhất của việc cắm rễ là sửa đổi tập khí.

/ 49