/ 49
64

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 18

Anh hùng thật sự là người có thể đối trị thói xấu, không làm nô lệ cho thói quen xấu

Giảng ngày 30 tháng 9 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới “toán tận tắc tử”. “Toán tận” tức là chúng ta tạo ra ba nghiệp thân khẩu ý làm giảm tổn phước báo, tuổi thọ của mình. Tục ngữ lại nói rằng “lộc tận nhân vong”, sau khi phước báo đã dùng hết thì tính mạng cũng không còn. Lẽ ra họ có thể sống đến 80 tuổi nhưng họ quá phung phí phước báo của chính mình, đến năm 60 tuổi phước báo đã dùng hết rồi thì 20 năm tuổi thọ đó của họ không còn nữa. Chúng ta từ câu “lộc tận nhân vong” cảm nhận được là phải quý trọng phúc phận, phải biết tích phước, tiếc phước.

Đại sư Ấn Quang của thời đầu Dân quốc là một vị đệ nhất cao Tăng trong vòng ba trăm năm trở lại đây. Nếu mọi người có coi phim nói về Hoằng Nhất Đại sư, Đại sư Hoằng Nhất đã từng học tập mấy ngày với Đại sư Ấn Quang. Đại sư Hoằng Nhất nói Đại sư Ấn Quang đã giúp đỡ rất nhiều đối với sự tu học cả đời của ngài, trong đó có nhấn mạnh việc tiếc phước này. Đại sư Ấn Quang ăn cơm xong, nhất định phải rót một chút nước lọc vào tráng chén cho sạch rồi uống, không nhẫn tâm lãng phí một chút gì. Cho nên người tu hành chân chính, ngay cả một tờ giấy, một hạt gạo cũng không muốn lãng phí. Điều này khai mở cho chúng ta hết sức lớn. Người niệm Phật chúng ta, là “đều cùng tuân tu đức của Đại sĩ Phổ Hiền”. “Đức của Đại sĩ Phổ Hiền” mở đầu là “Lễ kính chư Phật”, với người phải cung kính, với tất cả sự vật, với những lương thực, vật phẩm đều phải kính trọng, không được lãng phí..

“Toán tận tắc tử”, chúng ta xem thấy chữ “tử” này, người thế gian rất sợ hãi cái chết. Vấn đề tới rồi, sợ hãi có ích gì không? Mọi người có thấy ai mà không chết không? Trong lịch sử nhân loại mấy ngàn vạn năm, vẫn chưa thấy có người nào mà không chết. Trên thực tế, nói theo nhà Phật, chết không hề đáng sợ. Chết giống như thay quần áo, quần áo rách rồi vá được tất nhiên phải vá, cơ thể có bệnh mà chữa trị được thì tất nhiên phải chữa. Nhưng mà, đến lúc không còn cách nào chữa trị nữa, giống như quần áo rách tới nỗi không cách nào nào vá được nữa thì tất nhiên phải đổi đi. Nếu phải đổi thì phải đổi cái tốt hơn.

Thân thể con người, thật ra bên ngoài chỉ là một đãy da thối mà thôi, nên muốn đổi phải có trí huệ, phải càng đổi càng tốt, đổi thành thân tướng của Phật Bồ-tát. Giống như chúng ta tụng Kinh Vô Lượng Thọ, “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, liên hoa hóa sanh. Thân thể hiện nay của chúng ta là thai sanh, thân thể này thật ra là chín lỗ thường thải ra vật bất tịnh. Chín lỗ nào, mọi người có biết không? Mắt, mũi, tai, miệng là bảy lỗ, lại thêm hai lỗ bài tiết, tức là chín lỗ, mỗi ngày đều thải ra những thứ nhơ nhớp. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ nói, “xấu thối bất tịnh, có gì đáng vui”. Nhưng người ta không hiểu rõ đạo lý này, không đi hóa sanh thành liên hoa tốt hơn mà lại tham luyến cái thân thể này. Hễ tham chấp thì liền tạo nghiệp, các điều khổ đều do tham dục mà sanh, tâm tham rồi thì muốn sở hữu, tranh đoạt, sân hận sẽ khởi lên, sát đạo dâm đều khởi lên. “Các khổ đều từ tham dục khởi, từ đâu dục khởi biết chăng là”, tham dục từ đâu mà tới? “Vì quên tự tánh Di-đà Phật”, quên mất bản tánh bổn thiện của chính mình, vô danh phiền não khởi lên, thuận theo thói xấu, “dị niệm lăng xăng đều hóa ma”. Ý niệm thường sanh tham sân si mạn thì những ý niệm này sẽ tạo ra những hành động ác là sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối.

Nói một cách khách quan, lấy thân thể con người làm ví dụ, giống như là một cái bình hoa trong đó đựng phân bẩn. Có đẹp không? Rất đẹp. Rất nhiều người một ngày soi gương tới mấy lần, họ chỉ soi được cái bình hoa, không nhìn thấy bên trong đều là vật ô uế. Y báo tùy theo chánh báo chuyển, chánh báo của chúng ta chính là cái tâm của mình, khi tâm bất thiện thì chiêu cảm cái thân thể ô uế này đến. Cho nên Lão Tử nói: “Sở dĩ ta có họa lớn vì ta có thân này”, thân thể này thật ra là gánh nặng. Nếu như chúng ta không tham luyến thân thể, biết cái chết không có gì đáng sợ, đáng sợ là sau khi chết sẽ đi về đâu. Nhà Phật nói, “tử sanh sự đại”, sau khi chết sanh về đâu là sự việc lớn nhất trong đời này. Bởi vì cuộc đời nhiều nhất chắc được 100 năm, trong con sông dài của cả vũ trụ thì đó chỉ là một thoáng chốc mà thôi. Nhưng sau một thoáng chốc đó rồi đi về đâu, điều đó đối với mỗi người là việc quan trọng nhất. Chúng ta thường nói, chết rồi vạn kiếp khó sanh lại làm người, vậy là phiền phức rồi, trầm luân vào ba đường ác thì không có ngày ra.

/ 49