/ 49
76

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 17

Sanh mạng trong hơi thở, chết rồi rất là nguy hiểm!

Giảng ngày 29 tháng 9 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, chúc mọi người buổi sáng tốt lành!

Chúng ta hôm qua nói tới “toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tỵ chi”, tiếp theo là “ác tinh tai chi”. Đoạn kinh văn này đều là nói con người sau khi tạo nghiệp đã chiêu cảm đến những quả báo không tốt. Tất cả các cuộc gặp gỡ của người thế gian, thật ra đều là tâm của chính mình chiêu cảm tới. Hễ người ta hiểu rõ đạo lý này thì họ sẽ không thoái thác trách nhiệm, sẽ không oán trời trách người. Cho nên, người đời này nếu không muốn tạo nghiệp thì trước hết phải hiểu lý lẽ. Không hiểu lý lẽ thì muốn không oán trách trời đất, oán trách người thật sự không hề dễ.

Tai họa là do tâm của chính mình chiêu cảm tới, nhân duyên thù thắng trong cuộc đời cũng là do tâm của chính mình chiêu cảm tới. Cho nên làm việc thiện hay làm ác thì bước đi trong cuộc đời là tuyệt đối không giống nhau. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói rằng: có thể “Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp luôn luôn tăng trưởng, không để tơ hào bất thiện xen tạp”, có thể dụng công như vậy, “ắt có thể khiến điều ác mãi đoạn, thiện pháp viên mãn”, hơn nữa lại thường có thể “thân cận chư Phật Bồ-tát và các Thánh chúng”. Mọi người có muốn thường xuyên thân cận chư Phật Bồ-tát không? Nói cụ thể hơn một chút, tức là thân cận Quan Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát. Phải làm sao? Thực hành mười thiện nghiệp sẽ phù hợp tiêu chuẩn thiện nam tử thiện nữ nhân, quả báo đời này của họ sẽ thù thắng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

“Thường niệm” là tâm thiện, “tư duy” là tư tưởng thiện, “quan sát” là hành vi thiện. Đọc Kinh Vô Lượng Thọ tức là quan sát, noi gương hành trì của A-di-đà Phật. Mười thiện nghiệp là sanh về cõi trời, là cơ sở chung quan trọng nhất để trở thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, thậm chí là Vô thượng Bồ-đề. Cho nên người hành thiện mà không cầu phước báo, luôn luôn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định vãng sanh. Chúng ta học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì cũng phải từ một góc độ khác để mong đợi vào bản thân mình: Không những không được chiêu cảm những ác báo mà phải làm sao cầu được quả báo viên mãn nhất, thù thắng nhất đời này, đây là chỗ chúng ta phải thường xuyên hạ công phu.

Đoạn này phía sau có nói rằng “ác tinh tai chi”. “Ác tinh” này là hung thần ác sát mà tục ngữ thường nói. Họ xem thấy người làm việc ác, họ ghét ác như kẻ thù nên sẽ giáng tai họa xuống những người ác này. Mọi người phải hiểu rằng những quỷ thần này giáng họa là họ đang thực thi, họ giáng họa xuống thân mình, tại sao không giáng họa xuống thân người khác? Có phải do họ quyết định không? Họ chỉ là người thực thi. Cũng giống như cảnh sát bắt người, cảnh sát có thể bắt người bừa bãi không? Không được, đó là người phạm tội rồi mới bị bắt.

Chúng ta đọc tới đoạn này trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì có thể hiểu được việc giám sát, theo dõi người làm ác, cho đến thực thi hình phạt, quả báo, đây là quyền hạn của thần minh. Nhưng tại sao lại chiêu cảm những ác báo này? Đó là do bản thân người ta tự làm tự chịu, là do nghiệp lực của mình quyết định. Chúng ta không tạo những điều ác đó thì những tai họa này không thể nào giáng xuống đầu chúng ta. Điều căn bản này, chúng ta phải hiểu thật rõ.

Sư phụ trong lúc giảng kinh đã từng nhắc tới, năm đầu Dân quốc, lão tiên sinh Chương Thái Viêm, đó là đại sư quốc học, quan viên cõi âm tìm ông nhờ giúp đỡ, cho nên buổi tối ông vẫn phải làm việc. Ông là đệ tử Phật, ông cảm thấy hình phạt ở địa ngục hết sức tàn nhẫn, có hình phạt bào cách, ôm lấy trụ sắt đã nung nóng. Ông cảm thấy như vậy quá tàn nhẫn, liền kiến nghị với viên quan này, có thể hủy bỏ những hình phạt như vậy không? Viên quan đó nói: “Ngài hãy xem trước”. Cũng không trực tiếp nói là được hay không mà để tự ông đi xem. Tiểu quỷ đưa ông tới hiện trường hình phạt, ông không nhìn thấy gì. Bỗng nhiên ông tỉnh ngộ, thì ra quả báo ba đường ác, địa ngục là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra, đều là tự làm tự chịu. Cho nên phải chịu ác báo mà biết sám hối sửa lỗi thì sẽ nhanh chóng chuyển họa thành phước, việc này phải xem lại ý niệm của chính mình.

/ 49