/ 49
57

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 11

Tiêu chuẩn của thiện ác: Tùy thuận tánh đức là thiện, trái ngược tánh đức là ác

Giảng ngày 2 tháng 9 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mở đầu có nói rằng: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, trước hết chúng ta phải hiểu rõ tiêu chuẩn của thiện ác. Thiện cảm thiện báo, ác cảm ác báo, như ảnh tùy hình. Tiêu chuẩn của thiện ác nằm ở đâu? Theo tiêu chuẩn của Phật môn, tùy thuận tánh đức là thiện, trái nghịch tánh đức là ác. Tiêu chuẩn này là rất triệt để. Nói về tánh đức, sư phụ thường nói, chân tâm là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Tâm niệm của chúng ta tương ứng với năm tâm này là thiện. Hơn nữa, cái thiện này, có chân tâm thì sẽ đi đến Nhất chân pháp giới, đi đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Trái nghịch với năm tâm này là ác. Nhất là tương ứng với tham sân si, chúng ta phải rất cảnh giác, tâm tham cảm cõi ngạ quỷ, sân hận cảm cõi địa ngục, ngu si sẽ cảm cõi súc sanh. Chúng ta đối với tiêu chuẩn thiện ác này rất rõ ràng, rất minh bạch thì sẽ rất có tính cảnh giác, sẽ hạ công phu từ trong ý niệm.

Phật môn nói điều quan trọng nhất của thiện ác là chuyển mê thành ngộ. Mê rồi chính là ác, giác rồi chính là thiện. Tiêu chuẩn của giác mê tất nhiên chúng ta vẫn phải y chiếu theo kinh điển mà đối chiếu bản thân. Sự mê ngộ này, sư phụ thường nói, luôn luôn suy nghĩ vì người là giác ngộ, tại sao vậy? Chúng sanh và ta đều là một thể, đây là giác, hiểu rõ chân tướng này, chúng ta luôn luôn đều suy nghĩ cho người. Nếu luôn luôn suy nghĩ cho mình, cái này là mê hoặc. Tại sao? Đem cái thân của mình coi là cái tôi, tham chấp cái tôi này, từ tôi lại mở rộng ra tức là “ngã sở”, tiền tài của tôi, nhà cửa của tôi, vợ con của tôi, mở rộng ra các thứ khác, có “ngã” thì có tham chấp, tham rồi sẽ tùy thuận tham sân si thì là mê rồi.

Phật môn có một so sánh, biển cả rất bao la, ví dụ cho pháp thân vốn có của một người. Chân thân của một người, hư không pháp giới là chân thân của chính mình, là chính mình thật sự, cái này là chân tướng. Nhìn nét mặt của mọi người, không có phản ứng gì. Lấy một ví dụ khác, mọi người có kinh nghiệm nằm mơ không? Ngay cả kinh nghiệm nằm mơ cũng không nhớ lại được, quý vị đều buông bỏ rồi phải không? Xin hỏi, những lúc nằm mơ, có thấy sơn hà đại địa không, có thấy tất cả người vật không? Ai biến ra vậy? Quý vị coi, tâm người có thể biến ra tất cả cảnh giới, quý vị đã tỉnh mộng chưa? Mộng của ngày hôm qua đã tỉnh, mộng của hôm nay vẫn chưa tỉnh. Chúng ta là trong mộng lại nằm mộng, mặc dù mộng trong mộng đã tỉnh rồi, nhưng vẫn là đang nằm mộng.

Cho nên tại sao nói tiêu chuẩn của thiện ác nằm ở mê và ngộ? Ngộ rồi mới không tạo nghiệp, mới không phân biệt, chấp trước. Phân biệt ta, người, lại đối lập, lại tổn thương, đây là tạo nghiệp. Nếu là một thể thì đâu có chuyện tổn thương nữa! Có người nào nhìn thấy có ai đó tự đấm chính mình, đấm rất là dữ, sau đó càng đấm họ nói càng vui sướng, thật sảng khoái! Mọi người có thấy loại người này không? Không có, có thể phải tới bệnh viện tâm thần mới nhìn thấy, đó là không bình thường. Là một thể thì họ tuyệt đối không tổn hại thân thể này của chính họ. Nếu như từ đây mà quán chiếu, người nếu biết được vạn vật vũ trụ là một thể với mình, họ còn tổn hại ai nữa? Do không hiểu rõ, họ mới có đối lập, mới có tổn hại. Cho nên cái ngộ này, nói triệt để, chính là hiểu rõ vũ trụ nhân sinh, hư không pháp giới tất cả chúng sanh chính là chính mình.

Lúc nãy tôi có nêu ví dụ, trong biển cả có nổi lên một bọt nước, bọt nước đó chính là thứ mà chúng ta nhầm tưởng là thân thể của chính mình, tưởng nó chính là mình, bọt nước đó là so sánh cho sự người ta lầm tưởng thân thể này là tôi. Bọt nước đó cảm thấy bọt nước chính là nó thì cả thân tâm của nó tất chỉ nhìn thấy được bọt nước này. Rồi có một ngày nó biết được, thì ra bọt nước không phải là tôi, biển cả mới là tôi, nó đem cái bọt nước này, “bộp” chọc thủng, thì nó là ai? Bọt nước này là ai? Chính là biển cả. Cho nên Phật Bồ-tát đều chọc thủng đột phá rồi. Phật Bồ-tát ở đâu? Tận hư không khắp pháp giới, không đâu không hiện thân, cái này tức là các ngài đã khôi phục tự tánh, khởi lên “pháp vốn như thế” (pháp nhĩ như thị) tự tại diệu dụng, họ có thể ngàn trăm ức hóa thân, bởi vì bọt nước đó họ đã chọc thủng rồi, các ngài có thể “chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát có ứng”. Chúng ta còn chưa chọc thủng, chúng sanh có cảm, chúng ta làm sao ứng đây? Chúng ta không cách nào ứng. Mọi người có cảm thấy là hai tay rất không đủ dùng không? Cho nên phải học ai? Học Quán Thế Âm Bồ-tát. Điều quan trọng nhất là họ khôi phục tự tánh thì mới có thể khởi lên diệu dụng như vậy. Cho nên tại sao luôn luôn cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc? Bởi vì sau khi vãng sanh, có uy thần của bổn nguyện Di-đà gia trì, năng lực của con người có thể khôi phục tới A-duy-việt-trí Bồ-tát, có thể giúp đỡ chúng sanh. Tại sao nói người luôn luôn cầu sanh, niệm tâm đó là tâm từ bi? Bởi vì họ luôn luôn nhớ chúng sanh khổ, năng lực của mình có hạn, mau mau quý trọng cơ hội thù thắng như thế này, vãng sanh Tây phương, bỗng chốc nâng cao tới năng lực như vậy, cùng với A-di-đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, cùng với Thanh Tịnh Hải Hội Chúng Bồ-tát, có thể du hành mười phương giúp đỡ chúng sanh.

/ 49