ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm bốn mươi sáu, xin xem kinh văn:
Hựu ư quá khứ hữu Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật, Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật, Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật, hữu như thị đẳng bất khả thuyết Phật.
又於過去有淨月佛。山王佛。。淨名王佛。智成就佛。無上佛。妙聲佛。滿月佛。月面佛。有如是等不可說佛。
Lại về thuở quá khứ có đức Tịnh Nguyệt Phật, đức Sơn Vương Phật, đức Trí Thắng Phật, đức Tịnh Danh Vương Phật, đức Trí Thành Tựu Phật, đức Vô Thượng Phật, đức Diệu Thanh Phật, đức Mãn Nguyệt Phật, đức Nguyệt Diện Phật, và bất khả thuyết đức Phật như thế.
Ở đây Địa Tạng Bồ Tát giới thiệu cho chúng ta mười vị Phật xong, lại nói tiếp chín vị. Sau cùng nói với chúng ta như lời Ngài nói về số những vị Phật này đều là vô lượng vô biên, chẳng thể bàn. Đây là để dạy cho chúng ta phải xưng niệm danh hiệu chư Phật, công đức của danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn. Thông thường chúng ta chỉ khen ngợi riêng đức Phật A Di Đà, công đức của danh hiệu Di Đà chẳng thể nghĩ bàn, thật ra đức hiệu của mỗi vị Phật đều chẳng thể nghĩ bàn, chẳng khác gì đức Phật A Di Đà, đó mới thật sự làm nổi bật điều mà Phật pháp thường nói ‘pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp’, cho nên xưng niệm bất cứ danh hiệu của một vị Phật nào đều có thành tựu như nhau. Thế Tôn trong những danh hiệu này, đặc biệt giới thiệu A Di Đà Phật cho chúng ta, nguyên nhân này là ở chỗ nào? Nhà Phật thường nói ‘Phật chẳng độ người vô duyên’, tuy trên Lý là bình đẳng, nhưng trên Sự thì vẫn có sai khác, sai khác ở duyên phận, cũng giống như lời đại sư Thiện Đạo ‘đều vì gặp duyên sai khác’, do đó sự thành tựu của chúng ta sẽ không giống nhau. Lại nữa, A Di Đà Phật có duyên phận đặc biệt với chúng ta, trong các Bồ Tát thì Quán Thế Âm Bồ Tát, trong các vị Phật thì đức Phật A Di Đà [là hai vị] có duyên phận sâu đậm phi thường đối với thế giới Sa Bà chúng ta. Có duyên phận vả lại có duyên rất sâu đậm thì cảm ứng sẽ rất nhanh, vô cùng nhanh chóng và sâu đậm, đây là nguyên nhân đức Thế Tôn đặc biệt giới thiệu cho chúng ta.
Pháp sư Thanh Liên có chú giải danh hiệu của chín vị Phật này, chư vị có thể tham khảo. Nói tóm tắt Tịnh Nguyệt Phật, Tịnh nghĩa là thanh tịnh, Nguyệt là ánh trăng, ánh trăng thanh tịnh ban đêm, chẳng có ai không ưa thích, đặc biệt là hiện nay chúng ta gần đến Trung Thu, ánh trăng trung thu hiện ra đặc biệt thanh tịnh, giống như câu nói tiết Thu trong lành. Thí dụ như pháp thân Phật quang minh chiếu khắp, kinh Hoa Nghiêm nói danh hiệu của pháp thân Phật gọi là Tỳ Lô Giá Na, đây là Phạn ngữ, ý nghĩa là ‘Biến Nhất Thiết Xứ’ (Biến trọn hết khắp mọi nơi), pháp thân đích thật là biến khắp hết thảy nơi chốn. Từ đó có thể biết tận hư không, trọn khắp pháp giới cùng một pháp thân, đây là như trong kinh luận thường nói ‘thập phương tam thế Phật, có cùng một pháp thân’. Nếu bạn có thể hiểu rõ cùng một pháp thân thì sau đó mới biết trọn hư không, khắp pháp giới đều là chính mình, là một cái thể hoàn chỉnh, cảnh giới này trong Đại Thừa pháp gọi là Viên Mãn đại giác, họ đích thật hiểu rõ, nhận biết hư không pháp giới đều là chính mình, thiên địa vạn vật đều là chính mình, là tướng phần của chính mình, pháp thân, pháp giới là bản thể của chính mình. Quang minh chiếu khắp chính là trí huệ chiếu khắp, tâm thức biến khắp rộng lớn, tác dụng rộng khắp, sau khi nhập vào cảnh giới này trong hư không pháp giới, trong pháp giới có quá khứ, có vị lai chẳng nơi nào không hiện thân, đều là tùy loại hiện thân, đạo lý là ở chỗ này. Chú giải chỗ này cũng rất hay, chú giải ghi ‘tùng chân tùy ứng’ (từ Chân Thân ‘Pháp Thân’ mà hiện ra Ứng Thân), ‘chân’ là Pháp Thân, ‘ứng’ tức là Báo Thân và Ứng Hóa Thân; chân thân chẳng có hình tướng, chẳng phải là vật chất, Ứng Hóa Thân có hình tướng, Báo Thân cũng kể là Ứng Thân. Chúng ta nói phạm vi rộng thêm một chút, từ Thể khởi Dụng, Báo Thân là tự thọ dụng, cùng thọ dụng với Địa Thượng Bồ Tát, Ứng Hóa Thân là vì chúng sanh ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, là vì tha thọ dụng, cho nên Ứng Hóa Thân hoàn toàn là tha thọ dụng, chẳng phải là tự thọ dụng, tự thọ dụng là Báo Thân. Thế nhưng Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân là một mà ba, ba mà là một. Câu cuối nói rất hay đó là ba thân một thể, ‘Tịnh Nguyệt’ thí dụ cho ba thân một thể.