/ 51
869

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 33 (Số 14-12-33)

  Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm ba mươi tám:

 

  Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Ba Đầu Ma Thắng Như Lai.  Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh lịch ư nhĩ căn, thị nhân đương đắc thiên phản sanh ư Lục Dục thiên trung, hà huống chí tâm xưng niệm.

又於過去有佛出世。號波頭摩勝如來。若有男子女人。聞是佛名歷於耳根。是人當得千返生於六欲天中。何況志心稱念。

Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ba Ðầu Ma Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này thoáng qua tai, người đó sẽ được một ngàn lần sanh trong Lục Dục thiên, huống chi là chí tâm xưng niệm.

Đây là lời Địa Tạng Bồ Tát giảng về đức hiệu của vị Phật thứ ba cho chúng ta, thời gian [lúc đức Phật này ra đời] còn lâu xa hơn hai vị trước. Danh hiệu của đức Phật này là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. ‘Ba Đầu Ma’ là Phạn ngữ, nghĩa là hoa sen màu đỏ. Trong kinh đức Phật nói, thông thường nói hoa sen bốn màu, trên thực tế hoa sen không phải chỉ có bốn màu thôi đâu, bốn màu có thể nói là bốn màu chánh, nếu pha trộn bốn màu này với nhau thì sẽ biến thành vô lượng, vô số màu sắc. Kinh nói trong các màu sắc thì màu đỏ đẹp nhất, đương nhiên đây là dựa trên tập quán của chúng sanh, Phật pháp là pháp bình đẳng, nhưng chúng sanh ưa thích màu đỏ, đại khái thời cổ Ấn Độ cũng vậy, người Trung Quốc cũng thích màu đỏ, nhưng người ngoại quốc không nhất định sẽ thích màu đỏ, do đó màu nào đẹp nhất rất khó nói, hoàn toàn dựa trên sự ưa thích của chúng sanh. Đây là vì thời xưa ở Ấn Độ và Trung Quốc đều thích hoa sen màu đỏ.

Giả sử nói có người nam, người nữ nghe đến danh hiệu này, vừa nghe lọt vào tai thì liền có quả báo thù thắng như vậy, tu nhân được quả, chúng ta có thể tin tưởng hay không? Do đó mấu chốt vẫn chú trọng ở chữ Văn, ‘văn thị Phật danh, lịch ư nhĩ căn’, tám chữ  này rất quan trọng. ‘Văn’ không phải là chúng ta nghe người ta niệm Phật, chúng ta nghe xong, làm gì có lợi ích thù thắng như vậy! Sự nghe danh hiệu này thông thường chỉ có thể nói ‘Một phen lọt vào tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo’, công đức đó đích thật cũng rất thù thắng. Nhưng muốn được một ngàn lần sanh về cõi trời Lục Dục hưởng phước báo, đây là chuyện không thể có được; chỉ là gieo một hạt giống thành Phật trong A Lại Da thức mà thôi, cũng giống như câu ‘Xưng niệm một câu Nam Mô Phật thì đều đã thành Phật đạo’ nói trong kinh Pháp Hoa, là có ý nghĩa như vậy.

Nếu chữ ‘Văn’ này là một trong ba Huệ, thì quả báo này sẽ hiện lên, nghe danh hiểu nghĩa, chẳng phải là không hiểu nghĩa. Hoa sen đỏ có thể giải thích cho nghĩa này, hoa sen mọc trong bùn nhơ nhưng không nhiễm, họ từ chỗ này giác ngộ trở lại, tự mình sống trong hồng trần, trong lục đạo, đặc biệt là trong Dục Giới, có thể không nhiễm ngũ dục lục trần, thì công đức ấy sẽ lớn. Nếu có thể buông xuống hết ngũ dục lục trần thì quả báo của họ sẽ không chỉ ở trời Dục Giới mà thôi, họ sẽ chứng quả, sự ham muốn trong thế gian đã bớt, đã giảm nhẹ, chẳng phân biệt chấp trước như trước, cho nên họ có thể từ cõi người siêu sanh đến cõi trời, đạo lý là như vậy. ‘Lịch ư nhĩ căn’ nghĩa là họ ghi trong tâm, nghe đến danh hiệu này thì trong tâm họ có giác ngộ được đôi chút.

Lời ghi trong chú giải rất hay, hàng thứ hai trang một trăm ba mươi chín, chúng ta đọc đoạn này: “Nêu tỏ người nghe được danh hiệu, tuy sanh cõi trời Dục Giới”[1] , tuy là sanh đến cõi trời Dục Giới, “thật sự chẳng chấp trước ngũ dục lục trần thô hèn”[2], đối với ngũ dục lục trần thô tục, họ đã không còn chấp trước, có thể buông xuống; “Do hiểu rằng Tánh của lìa sự nghe vốn là không, nên sanh lên cõi trời cũng tịch tịnh. Do cõi trời Không Xứ chính là giả, nên quyền biến thị hiện thân trời để độ kẻ thật sự sanh lòng tham chấp ngũ dục”[3], vừa nghe liền khai ngộ, khai ngộ xong họ đích thật có khả năng siêu việt, nhưng lòng từ bi của họ rất nặng, họ còn lưu lại cõi Dục Giới, độ những chúng sanh còn đang tham trước hưởng thọ ngũ dục. Trời Dục Giới vẫn còn ngũ dục lục trần, chẳng qua là lợt lạt hơn cõi người mà thôi. Sáu cõi trời Dục Giới càng lên cao càng lợt. Đoạn cuối trong chú giải rất hay ‘Hoa sen Phật có ngàn cánh, tiêu biểu cho ngàn pháp minh môn, cho nên gọi là thiên phản’, ‘thiên phản’ cũng không phải thật là một ngàn lần, không nên nghĩ thật sự [là một ngàn lần], đây là tiêu biểu pháp. Chỗ này tiêu biểu pháp, chúng ta phải hiểu, chỗ nào cũng là tiêu biểu pháp. Nghe pháp quan trọng ở chỗ ngộ nhập, nếu không thể ngộ nhập, thì bạn không được lợi ích, ngộ nhập thì mới có lợi ích thật sự. Cho nên niệm danh hiệu Phật, không thể không hiểu ý nghĩa của danh hiệu Phật, đặc biệt là công đức của danh hiệu A Di Đà Phật không thể nghĩ bàn, tại sao không thể nghĩ bàn? Không thể nghĩ bàn ở chỗ nào? Bạn phải hiểu rõ ràng, rành rẽ, có thể giải thích được thì sau đó bạn mới thật sự có thể cảm nhận được, khế nhập vào cảnh giới. Đoạn cuối nói ‘hà huống chí tâm xưng niệm’, chí tâm xưng niệm hồi hướng Tịnh Độ chắc chắn sẽ được vãng sanh, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Chí tâm nghĩa là nhất tâm xưng niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hoàn toàn hết sạch, dẫu chưa đoạn hết nhưng cũng rất lợt lạt, tới lúc đó mới có thể chí tâm xưng niệm.  ‘Chí’ nghĩa là chuyên chí. Xin xem tiếp:

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51