/ 51
1.105

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 31 (Số 14-12-31)

Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm mười tám, xin xem kinh văn:


Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất quỷ vương danh viết Chủ Mạng, bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, ngã bổn nghiệp duyên chủ Diêm Phù nhân mạng, sanh thời tử thời ngã giai chủ chi. Tại ngã bổn nguyện thậm dục lợi ích. Tự thị chúng sanh bất hội ngã ý, trí lịnh sanh tử cụ bất đắc an’.

說是語時。會中有一鬼王名曰主命。白佛言。世尊。我本業緣主閻浮人命。生時死時我皆主之。在我本願甚欲利益。自是眾生不會我意。致令生死俱不得安。

Ðức Phật nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Quỷ Vương tên là Chủ Mạng bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Bạch Ðức Thế Tôn! Nghiệp duyên căn bản của con là chủ về nhân mạng ở cõi Diêm Phù Ðề, khi sanh khi tử đều do con làm chủ. Bổn nguyện của con là rất muốn làm lợi ích, nhưng vì chúng sanh không hiểu ý con nên đến nỗi khi sanh khi tử đều không được an ổn’.

Chúng ta coi trước đoạn này. ‘Thuyết thị ngữ thời’, câu này tiếp theo câu trước và dẫn đến câu sau, trong đoạn trước lúc Ác Độc quỷ vương thưa với Thế Tôn xong, lúc ấy trong pháp hội lại có một vị quỷ vương tên là Chủ Mạng. Từ danh hiệu chúng ta có thể hiểu vị quỷ vương này cai quản về việc sanh tử của tất cả mọi người trong thế gian, chuyên môn cai quản về việc này nên được gọi là Chủ Mạng quỷ vương. ‘Bạch Phật ngôn Thế Tôn, ngã bổn nghiệp duyên’ dùng cách nói hiện nay ‘nghiệp duyên’ chính là chức vụ của ông ta. Sự việc của ông là cai quản nhân mạng của người ở cõi Diêm Phù Đề; một người nào đó gần được sanh ra, đầu thai, ông ta chăm lo những việc này; người nào đó chết đi thì ông cũng lo lắng cho người ấy, ‘ngã giai chủ chi’. Từ chỗ này chúng ta hiểu được con người từ lúc sanh đến lúc chết đều có quan hệ mật thiết đối với thiên địa quỷ thần. Nhưng người hiện đại đọc những đoạn kinh văn này đều cho là mê tín, dùng hai chữ ‘mê tín’ bèn cự tuyệt, bài xích những việc này. Nếu vậy thì bạn có chịu sự cai quản của quỷ vương không? Vẫn phải chịu sự cai quản của ông ta, bất kể là bạn tin hay không tin; chẳng phải nói nếu tin thì có, còn không tin thì không có, nếu vậy thì đơn giản quá rồi. Chúng ta có thể tận lực không tin lục đạo luân hồi thì lục đạo luân hồi sẽ không tồn tại, không tin sanh tử thì sanh tử sẽ không có, lẽ nào có chuyện như vậy! Bạn tin tưởng cũng có mà không tin vẫn có. Giáo dục thời xưa chẳng giống bây giờ, giáo dục thời xưa ít nhiều gì cũng có liên quan đến ba đời, nói về đời quá khứ, đời hiện tại, và cũng nói về đời tương lai. Tương lai là nói sau khi chết đi, sau khi con người chết đi, đời quá khứ là lúc chúng ta chưa sanh ra, đó là ba đời.

Nội dung của giáo dục cổ xưa Trung Quốc có ba trọng điểm, thứ nhất là dạy bạn làm người, hiểu quan hệ giữa người với người, nếu bạn không hiểu thì bạn sẽ không biết cách làm người [cho đàng hoàng]. Nếu không biết làm người thì nhân gian này giống như một con đường nguy hiểm như trong kinh nói, mỗi bước đều lần lần dẫn đến ba đường ác; nếu bạn biết làm người thì bạn có thể tránh khỏi đi vào đường nguy hiểm, bạn được thân người rồi còn có thể giữ được thân người, tương lai còn có thể sanh làm người, nhất định sẽ sống hạnh phúc tốt đẹp hơn bây giờ, đó là giáo dục. Trọng điểm thứ nhì là hiểu rõ quan hệ giữa người và thiên nhiên, giữa người và hết thảy động vật, thực vật, giữa người và môi trường tự nhiên; một khi bạn hiểu được thì mới biết đạo dưỡng sinh. Trọng điểm thứ ba là dạy bạn quan hệ giữa người và thiên địa quỷ thần, nếu quan hệ này được xây dựng tốt đẹp thì bạn sẽ được thiên địa quỷ thần ủng hộ, giúp đỡ; nếu quan hệ chẳng đẹp, làm gì cũng có lỗi đối với thiên địa quỷ thần thì bạn sẽ gặp phiền phức lớn lắm. Chư vị phải biết thiên địa quỷ thần chẳng phải là Phật, Bồ Tát, họ vẫn còn là phàm phu, phàm phu vẫn chưa lìa khỏi thất tình ngũ dục; khi nhìn thấy người tu thiện thì họ vui vẻ, họ khen ngợi bạn, làm lợi cho bạn; khi nhìn thấy người làm ác thì họ không vui, họ sẽ tức giận, sẽ gây phiền phức cho bạn, sẽ trừng phạt bạn. Do đó thiên địa quỷ thần là phàm phu, chúng ta phải nhớ họ là lục đạo phàm phu. Giáo dục cổ xưa và Phật pháp đều dạy về những chân tướng sự thật này.

Nói thật ra, người xưa bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian đều coi trọng thiền định, trong Phật pháp gọi là thiền định, tuy người thế gian không gọi là thiền định nhưng họ đề cao tâm thanh tịnh, ít ham muốn, trầm tịnh đến cùng cực. Trong sự tu dưỡng hằng ngày đều coi trọng tâm thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh đạt đến mức độ nhất định thì trạng huống đời sống của quỷ thần bạn đều có thể nhận biết được, nhìn thấy được, những người học Phật thường thường nhìn thấy lúc họ trong thiền định, do đó quỷ thần nhất định là có thật. Quan hệ của quỷ thần đối với chúng ta vô cùng mật thiết, cũng giống như tổ chức hành chánh trong thế gian chúng ta vậy, mỗi cơ cấu của quốc gia đối với đời sống của chúng ta đều có liên quan lẫn nhau, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này. Người hiện đại dùng nhãn quan khoa học để quan sát, nếu đi sâu thêm một tầng, đối với những sự tướng nói trong kinh Phật, tôi tin rằng họ cũng có thể nhận biết được. Ở Trung Quốc thường gọi là khí phận, người ngoại quốc gọi là từ trường. Một khi bạn tiếp xúc đến thì trong tâm bạn liền cảm nhận được, giống như ở một nơi nào đó, khí phận lúc có nhiều người và lúc có ít người sẽ khác nhau; khí phận ban ngày và ban đêm cũng không giống nhau, chúng ta thường có cảm xúc rất rõ ràng đối với những chuyện này. Nếu dùng sự quan sát hoặc cách nói của khoa học gia hiện đại thì những cảm xúc này chính là sự tiếp xúc giữa các làn sóng, nếu tần số của các làn sóng rất gần nhau thì chúng ta sẽ cảm nhận rất thoải mái; nếu những làn sóng này cường độ dao động rất lớn, rất nhanh thì chúng ta sẽ cảm thấy không yên ổn, không tự tại, những sự lý này không khó hiểu cho lắm.

Thân thể của chúng ta có hiện tượng làn sóng, làn sóng từ sự suy nghĩ, tưởng tượng trong tâm càng rõ ràng hơn, tất cả các vật thể có hình tượng đều có sóng. Hoạt động của thiên địa quỷ thần cùng với làn sóng tư tưởng của chúng ta chẳng khác, khi con người chết đi thì sinh mạng kết thúc, thân thể chỉ là vật chất, [nhưng] tư tưởng của người ấy chẳng đoạn dứt, chẳng diệt mất theo thân thể người ấy. Có thể nói sự thật này đã được hết thảy các nhà tôn giáo thừa nhận, những người thật sự có học vấn, có đức hạnh cũng khẳng định, chẳng phải nói người ta chết đi thì hết thảy đều chấm dứt, nếu chết đi mà tất cả đều chấm dứt thì dễ rồi. Không những con người chết đi chẳng phải hoàn toàn chấm dứt mà hết thảy vật chất tiêu mất cũng chẳng phải hoàn toàn mất hẳn; [chúng ta] không phải đã nghe các khoa học gia từng nói ‘ tinh thần chẳng diệt, vật chất chẳng diệt’ rồi sao; hai câu này là chân lý, hai câu này trong Phật pháp có thể gọi là ‘chư pháp thật tướng’, nghĩa là tướng chân thật [của mọi sự việc]. Trong Phật pháp sự sanh diệt của vật chất được gọi là duyên tụ, duyên tan, lúc duyên tụ hợp lại chẳng sanh, lúc duyên tan rả chẳng diệt, các vật có hình tượng còn như vậy huống chi là tinh thần? Do đó tuyệt đối chẳng phải là mê tín, nhất định là sự thật; có rất nhiều người trong đời có dịp tiếp xúc với quỷ thần, cảm ứng với quỷ thần nhiều lần, nếu suy nghĩ kỹ thì [sẽ biết] họ làm sao không tồn tại cho được? Làm sao họ chẳng liên quan gì với đời sống của chúng ta cho được? Quan hệ của Chủ Mạng quỷ vương đối với chúng ta đặt biệt mật thiết hơn, ở đây Ngài nói ‘tại ngã bổn nguyện, thậm dục lợi ích’, lợi ích là giúp đỡ, lúc con người sanh ra, lúc con người chết đi, ý nguyện của Chủ Mạng quỷ vương đều là muốn giúp đỡ người đó, hy vọng kẻ ấy được yên ổn. ‘Tự thị chúng sanh bất hội ngã ý’, hết thảy chúng sanh không hiểu ý nguyện của quỷ thần, ý nguyện của quỷ thần là gì? Ưa thích nhìn thấy người ta làm việc thiện, chán ghét chúng sanh làm việc ác, cho nên trong kinh này nói ngay cả một niệm thiện nhỏ cũng được quỷ thần ủng hộ, được chư Phật, Bồ Tát tán thán, huống chi việc bạn làm là việc thiện lớn? Chúng sanh không hiểu được ý nguyện của thiên địa quỷ thần, làm cho sống chết đều chẳng được yên ổn. Lời này nghĩa là thế nào? Phần sau sẽ nói rõ:


Hà dĩ cố.

何以故。

Tại sao vậy?


Thị Diêm Phù Đề nhân, sơ sanh chi thời bất vấn nam nữ, hoặc dục sanh thời đãn tác thiện sự tăng ích xá trạch, tự lịnh Thổ Địa vô lượng hoan hỷ, ủng hộ tử mẫu, đắc đại an lạc lợi ích quyến thuộc.

是閻浮提人。初生之時不問男女。或欲生時但作善事增益舍宅。自今土地無量歡喜。擁護子母。得大安樂利益眷屬

Người cõi Diêm Phù Ðề lúc mới sanh xong, không kể là con trai hay con gái, hoặc khi sắp sanh, chỉ nên làm thiện sự để thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thì tự nhiên Thần Thổ Ðịa sẽ vô cùng hoan hỷ, ủng hộ cho cả mẹ lẫn con đều được sự an lạc lớn, hàng quyến thuộc cũng được lợi ích.

Đây là nói rõ khi người nhà sanh con, trong thế gian đây là việc vui mừng, có con nối dõi, người Trung Quốc rất coi trọng việc tiếp nối giòng họ, cho nên không thể không vui mừng. Vui mừng thì nên làm việc tốt, phải biết làm việc thiện mới có thể tăng thêm lợi ích cho gia đình ấy. Vị thần Thổ Địa cai quản vùng ấy, thần Thổ Địa giống như xã trưởng, trưởng làng ở Trung Quốc thời xưa, các ‘bảo trưởng, ấp trưởng’ cai quản một làng, một vùng như vậy. Những quỷ thần này thấy bạn làm lành, trong nhà bạn lại có thêm một đứa con thì họ ‘ủng hộ tử mẫu, đắc đại an lạc’, mẹ con bình yên, quyến thuộc của bạn được lợi ích, quỷ thần che chở, gia bị. Xin xem tiếp, nếu không biết ý của thiên địa quỷ thần thì sẽ tạo tội nghiệp.


Hoặc dĩ sanh hạ thận vật sát hại, thủ chư tiên vị cúng cập sản mẫu, cập quảng tụ quyến thuộc, ẩm tửu thực nhục ca nhạc huyền quản, năng lịnh tử mẫu bất đắc an lạc.

或已生下慎勿殺害。取諸鮮味供給產母。及廣聚眷屬。飲酒食肉歌樂絃管。能令子母不得安樂。

Hoặc khi đã sanh rồi thì nên cẩn thận, chớ giết hại để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu, cùng nhóm họp hàng quyến thuộc lại để uống rượu, ăn thịt, ca hát, đánh đàn, thổi sáo; vì có thể khiến cho cả mẹ lẫn con chẳng được an lạc.

Người trong thế gian chẳng biết sự lợi hại này, khi sanh con bèn làm tiệc ăn mừng, ăn mừng bèn sát sanh. Chư vị nghĩ thử xem, sát sanh kết oán thù với những chúng sanh ấy, bạn tạo những tội nghiệp như vậy, món nợ sát sanh này sẽ trút lên đầu hai mẹ con người ấy, tại sao vậy? Vì nếu không sanh con thì họ sẽ không sát sanh [ăn mừng], khi sanh con bèn sát hại những con vật ấy để ăn mừng. Người thế gian sát sanh lúc sanh con, lúc chết đi cũng sát sanh, mỗi năm ăn mừng tuổi thọ cũng sát sanh, như vậy thì làm sao được! Tội nghiệp ấy nặng biết bao! Không những không nên sát sanh, những lời nói trong kinh có mấy ai hiểu được? Có mấy ai chịu làm theo? ‘Thủ chư tiên vị cung cấp sản mẫu’, sau khi sanh con thì phần đông người ta phải tẩm bổ. Phương pháp tẩm bổ rất nhiều, không lẽ phải sát sanh thì mới được sao? Không lẽ phải ăn thịt mới được sao? Đạo lý này, chỉ có người thật sự học Phật và người hiểu rõ những chân tướng sự thật này mới chọn ăn chay. Cho người mẹ [vừa mới sanh con] ăn chay tuyệt đối khỏe mạnh, thứ nhất là tâm họ được yên ổn, thứ nhì là được Phật, Bồ Tát, thiên địa quỷ thần ủng hộ, họ làm sao không yên ổn được! Chúng tôi thường tiếp xúc với một số bạn đồng tu, trong số người này có người nói đến ‘thai lý tố’ (ăn chay lúc mang thai). Ở Đài Loan, tôi biết có vài vị đồng tu từng trải qua việc này, lúc người mẹ mang thai mà ăn thịt thì ói mửa nên phải ăn chay, đứa con sanh ra liền ăn chay, mãi đến khi mấy chục tuổi cũng ăn chay, thân thể rất khỏe mạnh. Chẳng phải là không ăn thịt thì không được, không ăn thịt thì thân thể không khỏe mạnh, lẽ nào lại như vậy! Sát sanh tạo nghiệp, tựa đề của đoạn này [trong cuốn chú giải] gọi là ‘Nên bảo thẳng thừng với mọi người đừng sát sanh’, nhất quyết không thể sát sanh.

‘Quảng tụ quyến thuộc’, đây là lúc bạn bè thân quyến đến nhà chúc mừng, chẳng tránh khỏi uống rượu ăn thịt, gia đình giàu có thì còn ‘ca nhạc huyền quản’, hiện nay gọi là mở hội khiêu vũ. Những nhà giàu có, trưởng giả ở Trung Quốc, trong dịp này còn có hát tuồng, mời đoàn hát lại hát kịch để ăn mừng. Cách làm này ‘năng lịnh tử mẫu, bất đắc an lạc’, tại sao vậy? Quý vị vui mừng, quỷ thần ở kế bên nhìn thấy rất bực tức, sẽ chẳng che chở, gia bị cho quý vị. Sát hại những chúng sanh này thì tương lai sẽ bị họ đến đòi mạng. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý nhân quả báo ứng, đúng như câu ‘ăn thịt nó nửa cân, tương lai phải trả nó tám lượng’, một tí tiện nghi gì cũng chẳng chiếm được. Chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì nhất định sẽ chẳng dám ăn thịt chúng sanh, làm hại chúng sanh, biết rằng làm hại chúng sanh là làm hại chính mình, gây phiền phức cho chúng sanh tức là gây họa cho mình, như vậy là trái nghịch với lòng tốt của quỷ vương và thần Thổ Địa. Chúng ta xem tiếp đoạn kế:


Hà dĩ cố. Thị sản nan thời hữu vô số ác quỷ, cập võng lượng tinh mỵ dục thực tinh huyết.

何以故。是產難時有無數惡鬼及魍魎精魅欲食腥血。

Vì sao thế? Bởi vì lúc sanh nở khó khăn đó, có vô số ác quỷ cùng võng lượng, tinh mỵ, muốn tới ăn huyết tanh.

Đây là việc phàm phu mắt thịt chúng ta chẳng nhìn thấy được, đích thật có những ác quỷ như vậy, số lượng rất nhiều. ‘Võng lượng tinh mỵ’, họ làm gì? Đây là những thứ chúng ta thường gọi là yêu quỷ, họ thích ăn những vật này. Hiện nay y học phát triển, mức độ nguy hiểm khi sanh sản thấp hơn lúc trước, chúng ta thử hỏi những trạng huống kể trên còn hay không? Vẫn còn, nếu bạn muốn hiểu trạng huống của quỷ thần thì trong bịnh viện có nhiều nhất. Tôi có vài người bạn đều học ngành Y khoa, lúc chúng tôi gặp nhau họ thường kể những chuyện ma quỷ này cho chúng tôi nghe. Bác sĩ, y tá, người làm việc trong bịnh viện đều tin tưởng. Chính mắt họ nhìn thấy, chính tai họ nghe được, đặc biệt là ở trong bịnh viện lớn, bịnh viện xưa càng có nhiều quỷ, chẳng khác gì với những lời nói trong kinh. Cho nên lúc người còn sống, lúc người chết thì những quỷ thần này nhiều vô cùng. Trong số các ác quỷ, có thể nói phần lớn đều là oán thân trái chủ; nói thật ra nếu họ chẳng có liên quan gì với bạn, ngay cả một chút cũng chẳng thể dính líu. Phàm những ai có thể đến gần thì họ nhất định có quan hệ với bạn trong đời trước. Nhưng những ác quỷ này cũng có người cai quản, là những quỷ vương này cai quản họ. Đối với phần đông chúng ta mà nói, Thổ Địa được kể như vị thần hộ pháp, là đến bảo vệ cho chúng ta, hộ vệ địa phương ấy.


Thị ngã tảo lịnh xá trạch thổ địa, linh kỳ hà hộ tử mẫu, sử lịnh an lạc, nhi đắc lợi ích.

是我早令舍宅土地。靈祇荷護子母。使令安樂。而得利益。

Chính con sớm đã sai các thần linh của nhà cửa đất đai phải bảo hộ người mẹ và đứa con, làm cho họ được an vui mà hưởng nhiều sự lợi ích.

Quỷ vương đã sớm ra lịnh cho những thần Thổ Địa, ‘linh kỳ’ cũng là những tiểu quỷ dưới quyền cai quản của ông, bảo hộ mẹ con được bình yên.


Như thị chi nhân kiến an lạc cố, cánh hiệp thiết phước đáp chư thổ địa.

如是之人見安樂故。便合設福答諸土地。

Những người này thấy sự an ổn vui vẻ thì nên tạo phước để báo đáp các thần Thổ Ðịa.

Lúc sanh sản mẹ con được bình yên, phải nên tạ ơn quỷ thần bảo hộ, làm thế nào để tạ ơn? Tu thiện, làm việc thiện mới là tạ ơn.


Phiên vi sát hại, tập tụ quyến thuộc.

翻為殺害。集聚眷屬。

Thế mà trái lại họ còn giết hại, tụ tập quyến thuộc.

Như vậy là sai, như vậy chẳng phải là tạ ơn quỷ thần. Pháp sư Thanh Liên trong Chú giải, trích dẫn một câu chuyện, là chuyện triều Minh, năm Vạn Lịch, chuyện này rất đáng để cho chúng ta tham khảo, nói rõ sự hưởng dụng của quỷ thần khác với chúng ta. Câu chuyện của Ngài ở trang một trăm hai mươi ba, chữ nhỏ hàng thứ hai đếm ngược lại, nói rõ không thể dùng rượu thịt để cúng dường quỷ thần. Thời xưa cúng tế quỷ thần, tuy nói là dùng rượu nhưng thật ra là nước, trong cổ lễ được gọi là ‘huyền tửu’, đó là nước, dùng nước để cúng tế thiên địa quỷ thần, dùng đồ chay mới đúng. Nhưng người thế gian chúng ta chẳng biết đạo lý này, cứ cho rằng nếu không sát sanh để cúng tế thì hình như đại bất kính, [cứ nghĩ] nhất định phải sát sanh để cúng tế. Chẳng biết sát sanh để cúng tế là tạo tội nghiệp rất lớn, chắc chắn sẽ không được thiên địa quỷ thần che chở, gia bị. Ngạn ngữ thường nói ‘ông trời có đức háo sanh’ (thượng thiên hữu háo sanh chi đức). Đã là háo sanh thì làm sao bạn có thể sát sanh để cúng tế họ, lẽ nào như vậy được! Kết luận sau đây nói với chúng ta:


Dĩ thị chi cố, phạm ương tự thọ, tử mẫu cụ tổn.

以是之故。犯殃自受。子母俱損。

Vì lẽ này, hễ phạm tội tất phải tự gánh chịu, người mẹ và đứa con đều bị tổn hại.

Vì trong tiệc vui bạn tạo những tội nghiệp này, chẳng được quỷ thần bảo hộ, ngược lại còn dẫn nhiều ác ma, ác quỷ, yêu tinh quỷ quái đến, họ đến làm loạn, làm cho mẹ con đều không được yên ổn. Nếu chúng ta quan sát kỹ những việc này, tâm tình của người mẹ không yên, sau đó bạn coi đứa con, quan sát kỹ thì thấy đứa bé thường bị sợ hãi, kinh sợ. Chỉ cần bạn lắng lòng quan sát, bạn sẽ thấy hình như nó rất run sợ, rất sợ hãi, tuy nó không biết nói, không biết biểu lộ tình cảm, bạn chỉ cần nhìn động tác trên thân thể nó thì biết được. Đoạn này là nói lúc sanh con, chúng ta phải làm thế nào để tu phước, không thể tạo tội. Xem tiếp đoạn sau:


Hựu Diêm Phù Đề lâm mạng chung nhân, bất vấn thiện ác, ngã dục lịnh thị mạng chung chi nhân bất lạc ác đạo, hà huống tự tu thiện căn, tăng ngã lực cố.

又閻浮提臨命終人。不問善惡。我欲令是命終之人不落惡道。何況自修善根。增我力故。

Lại ở cõi Diêm Phù Ðề, những người sắp mạng chung, bất luận là thiện hay ác, con đều muốn cho họ không bị đọa lạc vào đường ác; huống chi là kẻ tự tu thiện căn, làm tăng oai lực của con.

Chủ Mạng quỷ vương cũng rất từ bi, không những Chủ Mạng quỷ vương từ bi, phía trước chúng ta coi Ác Độc quỷ vương cũng từ bi, Ngài chẳng nỡ nhìn thấy chúng sanh đọa tam ác đạo. Nói thật ra Ngài cũng lưu ý từng giờ từng phút để giúp đỡ những người làm ác này, làm thế nào có thể miễn thọ quả báo trong tam ác đạo, cho nên lúc lâm chung chẳng cần biết những người này lúc sanh tiền làm thiện hay làm ác, Ngài đều dùng tâm từ bi để giúp đỡ. Nếu người lâm chung này lúc sanh tiền có thể tu một chút thiện căn thì sự giúp đỡ của Ngài càng thêm được lợi ích; nói cách khác, Ngài càng có thêm lý do để giúp đỡ người ấy.

Thị Diêm Phù Đề hành thiện chi nhân, lâm mạng chung thời, diệc hữu bách thiên ác đạo quỷ thần, hoặc biến tác phụ mẫu nãi chí chư quyến thuộc, dẫn tiếp vong nhân lịnh lạc ác đạo, hà huống bổn tạo ác giả.

是閻浮提行善之人。臨命終時。亦有百千惡道鬼神。或變作父母乃至諸眷屬。引接亡人令落惡道。何況本造惡者。

Những người làm thiện ở cõi Diêm Phù Ðề, đến lúc lâm chung còn có trăm ngàn quỷ thần trong ác đạo hoặc biến làm cha mẹ, cho đến hàng quyến thuộc, dẫn dắt người chết khiến cho lạc vào ác đạo; huống chi là những kẻ vốn đã tạo ác.

Đoạn kinh này rất quan trọng. Người lâm chung, chúng ta đã gặp qua rất nhiều, lúc lâm chung người ấy sẽ nói với những người ở xung quanh rằng họ nhìn thấy người nào đến. Những người mà họ nhìn thấy đều là những bà con, họ hàng đã qua đời. Có phải thật là bà con, họ hàng hay không? Không phải, thật ra đó là những oan gia, chủ nợ biến hiện thành bà con họ hàng, bạn bè đến để dẫn người ấy đi, dẫn đi xong rồi sẽ báo thù, chúng ta phải biết việc này. Vì khi nhìn thấy bà con, họ hàng thì rất dễ đi theo họ. Đặc biệt là lúc chúng ta niệm Phật trợ niệm, việc quan trọng nhất chúng ta phải đề phòng là việc này. Một khi người [lâm chung] nói họ ‘nhìn thấy một người nào đó’, thì lập tức phải nhắc họ đừng để ý tới người đó, nhất định phải chờ A Di Đà Phật hiện ra mới đi theo đức Phật A Di Đà. Nếu chẳng phải là đức Phật A Di Đà, bất luận là người nào hiện ra cũng không cần để ý tới. Nếu không để ý, không chú ý thì hiện tượng đó sẽ biến mất rất nhanh, người đó sẽ rời khỏi, điểm này là điểm quan trọng nhất. Trong sự khai thị lúc lâm chung, câu này vô cùng quan trọng! Luôn luôn nhắc nhở họ, suốt hai mươi bốn giờ ngày đêm không thể gián đoạn. Chỉ sợ một khi gián đoạn, một khi sơ suất thì bị những oan gia, chủ nợ biến thành bà con, họ hàng dẫn họ đi mất, đây là việc người trợ niệm lúc lâm chung không thể không biết, như vậy thì trợ niệm mới có lợi ích lớn lao. Người trợ niệm dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để niệm câu Phật hiệu này, người trợ niệm càng nhiều càng tốt, từ trường đó thù thắng, có thể làm cho những quỷ thần cõi ác này chẳng dám đến gần. Nếu người trợ niệm ít, người trợ niệm chẳng có thành tâm, thì quỷ thần ác đạo sẽ thắng thế, sẽ thừa dịp [người trợ niệm] không đề phòng bèn đi vào [phá khuấy], chúng ta phải đặc biệt chú ý điểm này. Thế nên có người hỏi nếu lỡ không tìm được người trợ niệm, chúng ta dùng máy niệm Phật được không? Chỉ có thể nói [dùng máy niệm Phật] tốt hơn một chút mà thôi, tốt nhất là có người đến niệm, như vậy thì sẽ [có hiệu quả] khác hẳn.

Phàm khi gặp những chuyện này lúc lâm chung, thì người mất chắc chắn sẽ rơi vào ba đường ác, nếu lúc còn sống người ấy lại làm nhiều ác nghiệp thì còn tệ hại hơn nữa! Địa Tạng Bồ Tát cũng cứu chẳng nổi. Sanh tử là việc quan trọng lớn lao, sau khi chết đi sanh vào cõi nào là một vấn đề vô cùng nghiêm túc. Cho nên khi người mắc bịnh, yêu ma ác quỷ đến phá khuấy, trong kinh này nói những người làm việc thiện cả đời cũng rất khó tránh khỏi, huống chi là người làm ác! Nhân thiện thì được quả thiện, nhân ác thì có quả ác, chắc chắn là chẳng sai; quả báo hiện ra hay không là do duyên đầy đủ hay không. Nếu duyên đầy đủ thì quả báo sẽ hiện ra. Thế nên chúng ta tiễn đưa người vãng sanh nói thật ra là giúp đỡ một người đi làm Phật, cả đời chúng ta làm việc thiện, còn việc thiện nào lớn hơn việc tiễn đưa một người đi làm Phật? Chẳng có việc nào lớn hơn việc này hết. Nếu lúc một người lâm nguy, bạn có thể dốc toàn tâm toàn lực để chăm sóc họ, từng giờ từng phút nhắc nhở họ, đây tức là chiến đấu với vô số ác quỷ ác thần, nhất định phải chiến thắng họ, thì người mất mới có thể vãng sanh một cách thuận lợi, được Phật tiếp dẫn. Cho dù người tạo ngũ nghịch, thập ác, nếu gặp tăng thượng duyên này cũng có thể vãng sanh.

Tôi nghĩ chư vị coi Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện đều biết chuyện ông Trương Thiện Hòa đời Đường. Trương Thiện Hòa là một kẻ làm nghề giết trâu, cả đời chẳng biết đã làm thịt bao nhiêu con trâu, đã làm bao nhiêu ác nghiệp, cho nên lúc lâm chung ông ta nhìn thấy rất nhiều người đầu trâu đến đòi mạng, trong Phật pháp gọi là tướng địa ngục hiện lên, lúc đó ông ta mới kêu cứu. Duyên của ông rất tốt, may sao có một người xuất gia đi ngang, nghe tiếng kêu cứu trong nhà, người xuất gia ấy liền vào nhà ông để coi là chuyện gì. Ông nói ông nhìn thấy rất nhiều người đầu trâu, họ nói phải đền mạng cho họ. Vị xuất gia đó mới đốt một cây nhang rồi kêu ông cầm trong tay, kêu ông gấp rút niệm A Di Đà Phật. Do vì muốn thoát khỏi cảnh tượng ấy ông bèn niệm lớn tiếng “A Di Đà Phật”, mới niệm mười mấy tiếng, ông liền nói với người nhà “người đầu trâu đã biến mất, đều đi mất, A Di Đà Phật đã đến”, nói xong ông bèn vãng sanh. Do đó bạn mới biết đã tạo ác nghiệp cũng không sao, nếu lúc lâm chung gặp duyên thù thắng, vận may của ông Trương Thiện Hòa thật là quá tốt, gặp được thiện tri thức, nếu ông chẳng gặp vị xuất gia ấy thì nhất định sẽ đọa tam ác đạo, chắc chắn là phải đọa địa ngục. Sau khi thọ tội ở địa ngục xong cũng phải làm trâu để đền mạng, bạn giết một con trâu thì phải đền mạng một lần, bạn giết bao nhiêu con trâu thì phải đền mạng bấy nhiêu lần.

Giết trâu [bị quả báo] như vậy, chư vị phải biết, giết hại bất cứ chúng sanh nào cũng phải đền mạng, cho dù động vật nhỏ đến đâu cũng phải đền mạng, bạn làm sao đền mạng cho hết? Bạn giết một con trùng, một con kiến đều phải đền mạng, muôn vàn xin bạn đừng tưởng đây là những côn trùng gây hại [thì không sao, chúng ta không thể coi thường] sanh mạng của chúng, chúng cũng là chúng sanh đã làm chuyện ác rồi đầu thai vào cõi súc sanh, biến thành những hình trạng như vậy. Chúng ta trong sáu nẻo luân hồi cũng đã thường làm những chuyện này cả rồi, đời này may mắn được thân người, làm sao biết được sau khi chúng ta mất thân người thì sẽ có thân hình của con vật gì? Thế nên có được thân hình [con người] này cũng không thể kiêu ngạo, không thể dựa vào thế lực của thân hình này mà tàn sát những động vật nhỏ, vừa chớp mắt thì bạn cũng sẽ phải làm thân hình của chúng, bạn cũng sẽ chịu người khác giết hại, nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai. Xin xem đoạn kinh kế tiếp:


Thế Tôn, như thị Diêm Phù Đề nam tử nữ nhân lâm mạng chung thời, thần thức hôn mê bất biện thiện ác, nãi chí nhãn nhĩ cánh vô kiến văn.

世尊。如是閻浮提男子女人臨命終時。神識惛昧不辯善惡。乃至眼耳更無見聞。

Bạch Ðức Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ ở cõi Diêm Phù Ðề, lúc lâm chung thì thần thức hôn ám mê muội, không phân biệt được thiện ác, cho đến mắt và tai đều không còn thấy nghe gì nữa.

Đây là lúc lâm chung, chúng ta gọi là trạng thái hấp hối, đoạn thời gian này rất ngắn. Đích thật là họ hôn mê chẳng hay chẳng biết, họ chẳng nhận biết được người nhà, sức trí nhớ hoàn toàn tiêu mất, đây là trạng thái cực kỳ nguy hiểm. Duy chỉ có người đầu óc còn tỉnh táo mới dễ được giúp đỡ, một khi đầu óc không tỉnh táo thì sự việc sẽ rất phiền phức. Khi người lâm chung gặp phải trường hợp này, cho dù gặp được thiện tri thức cũng chẳng giúp được gì, đây là nghiệp chướng rất nặng, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy trong kinh Địa Tạng, họ hoàn toàn nương nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Hiện nay có một số người mạng sống còn chưa hết, phước báo còn chưa hưởng hết, người hiện nay gọi là chứng người già mất trí nhớ, chính là trạng thái này. [Việc nói ở đây] là họ chưa đến lúc lâm chung ‘thần thức hôn mê, bất biện thiện ác, nãi chí nhãn nhĩ cánh vô kiến văn’, đây là chứng người già mất trí nhớ. Phải coi phước báo của người ấy, nếu phước báo lớn thì có thể kéo dài thời gian này suốt mười năm, tám năm, họ còn thở, vẫn còn hô hấp, nhưng mê man chẳng tỉnh táo, người thân nhất trong nhà, người mình thương mến nhất cũng chẳng nhận ra, mỗi ngày hai mươi bốn giờ đều ở trong trạng thái hôn mê. Những người này thật đáng thương, cầu sống không được cầu chết cũng không xong, sau khi chết đi nhất định sẽ bị nghiệp lực lôi kéo, sẽ chẳng sanh vào cõi thiện, chắc chắn sẽ đọa nẻo ác. Chúng ta có khả năng bảo đảm chính mình tương lai sẽ không rơi vào tình trạng này hay không? Ai cũng chẳng dám bảo đảm. Ngày nay chúng ta nhìn thấy những tình trạng này, tự mình phải có tâm cảnh giác cao độ, đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp [cứu chữa], chúng ta phải ghi nhớ.


Thị chư quyến thuộc đương tu thiết đại cúng dường, chuyển độc tôn kinh, niệm Phật Bồ Tát danh hiệu. Như thị thiện duyên năng lịnh vong giả ly chư ác đạo, chư ma quỷ thần tất giai thoái tán.

是諸眷屬當須設大供養。轉讀尊經。念佛菩薩名號。如是善緣能令亡者離諸惡道。諸魔鬼神悉皆退散。

Hàng quyến thuộc phải nên thiết đại cúng dường, chuyển đọc tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật cùng Bồ Tát; những thiện duyên như thế có thể khiến cho người chết thoát khỏi các đường ác, và các ma quỷ, ác thần đều phải rút lui hoặc giải tán.

Chữ quan trọng ở đây là ‘đại cúng dường’, người nhà quyến thuộc có chịu làm hay không? Rất nhiều người bị chứng người già mất trí nhớ, nói thật ra họ đều là người giàu có, trưởng giả, giòng dõi giàu sang. Quyến thuộc người nhà của họ bận bịu để tranh giành tài sản, có mấy ai chịu làm việc đại cúng dường cho họ? Sống chết gì cũng chẳng có người hỏi thăm, [con cháu] tìm hết đủ mọi cách để đoạt gia tài, người này thật đáng thương, [rốt cuộc] cũng phải sanh vào ba đường ác. Nếu người nhà thật sự là người thông minh, người hiểu rõ Lý muốn cứu họ thì phải dùng hết thảy tài sản của người ấy để tu đại cúng dường, giống như đoạn trước có nói cô Bà La Môn, cô Quang Mục, vì muốn cứu mẹ nên bán hết đất đai tài sản của mình để làm việc cúng dường. Ngày nay trong thế gian này đi đâu tìm được con cháu hiếu thuận như vậy? Bạn sẽ tìm chẳng được, cũng tìm chẳng được một người bạn đáng tin cậy, thật là nguy hiểm! Nguy hiểm đến cùng cực, vậy thì phải làm sao? Không bằng tu đại cúng dường ngay bây giờ, trong kinh nói lúc bạn còn sống làm việc này thì bạn có được trọn tất cả lợi ích, bạn sẽ tránh khỏi lúc già bị bịnh khổ như vậy, hiện nay phải giác ngộ, phải thật sự giác ngộ, con cái cũng tin không nổi, bạn bè cũng tin không nổi, người thân thích nào đến sau cùng [lòng dạ] cũng sẽ thay đổi, chẳng có ai đáng tin, người thật sự đáng tin được là chính mình. Thừa lúc mình còn khỏe mạnh, còn hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta phải hết lòng tu (chữ tu ở đây nghĩa là làm việc) đại cúng dường, dốc hết tâm hết sức để cúng dường.

Phải tu cúng dường như thế nào, bạn phải có trí huệ, phải thân cận thiện tri thức. Trong việc tu hành, bất luận là Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, tại gia, xuất gia, điều kiện cần thiết đầu tiên là phải hiểu rõ Lý, không thể không hiểu những đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh mà đức Phật đã dạy, không thể không hiểu rõ các hiện tượng y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới. Sau khi bạn hiểu rõ ràng thì bạn sẽ biết phải làm thể nào để tu đại cúng dường. Trong tình trạng cụ thể của chúng ta hiện nay mà nói, nguyên lý nguyên tắc cơ bản của nó chính là làm thế nào giúp cho hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, việc cúng dường này sẽ rất lớn. Làm thế nào có thể giúp cho hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui, việc vui chân chánh chính là vãng sanh Cực Lạc thế giới. Chư vị có thể hiểu được, Cư Sĩ Lâm ngày nay, Tịnh Tông Học Hội đang làm việc ‘tu đại cúng dường’, mỗi ngày giảng kinh hai giờ, đây là đại cúng dường, giúp cho hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ. Hiện nay trong Niệm Phật Đường mỗi ngày [tổ chức] niệm Phật mười hai giờ đồng hồ, giúp cho người ta lìa khổ được vui, đây cũng là đại cúng dường. Cư sĩ Lý [Mộc Nguyên] phát tâm hy vọng có thể làm một việc đại cúng dường lâu dài, xây Thôn Di Đà, tiếp đón người thập phương chân chánh phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, giúp cho họ có đầy đủ điều kiện để niệm Phật, đây là đại cúng dường. Ngoài ra những chuyện thiện khác, khi chúng ta gặp thì không thể không làm, cũng phải dốc hết tâm hết sức đi làm, đó cũng thuộc về đại cúng dường. Giống như những tai nạn [thiên nhiên] to lớn trong nước hiện nay, nước Trường Giang tràn ngập, vùng Đông-Bắc Nội Giang , nước sông Tùng Hoa ngập lụt, tạo nên tai hại cực nặng, chúng ta nghe được thì phải dốc hết sức lực để cứu trợ. Không thể nói sự cúng dường này chắc là sự cúng dường nhỏ nhoi, không phải vậy đâu, đây cũng là đại cúng dường.

Nhà Phật thường nói ‘Phật chẳng độ người vô duyên’, đức Phật muốn giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, thì trước tiên phải bố thí kết duyên. Chúng ta kết pháp duyên với những chúng sanh này, kết thiện duyên, tương lai khi nhân duyên chín muồi thì họ sẽ rất vui vẻ tiếp nhận Phật pháp, do đó bố thí tài vật là điều kiện đầu tiên nhất định phải có để Phật độ chúng sanh. Pháp thứ nhất trong Tứ Nhiếp Pháp của Phật chính là Bố Thí, kế đó là Ái Ngữ, Lợi Hành, Đồng Sự, xả bỏ tài vật để tu phước, chỉ cần chịu xả thì tài vật giàu có cuồn cuộn mang đến, do đó đừng nên keo kiệt, giàu có thì phải biết bố thí. Vui vẻ bố thí thì người ấy sẽ có phước, người ấy chắc chắn sẽ chẳng thiếu thốn tiền tài, càng bố thí thì càng giàu có, càng giàu thì càng phải bố thí cho nhiều hơn. Gần đây kinh tế vùng Đông Nam Á xuống dốc, đời sống dân chúng khốn khổ, nguồn thâu nhập giảm xuống, nhà đất mất giá không chỉ phân nửa. Chúng tôi đi ra ngoài đường thấy rất nhiều chỗ đang xây cất giữa chừng phải ngưng lại, nhà bán không được. Chúng ta hãy xem Cư Sĩ Lâm, nguồn thâu nhập của Cư Sĩ Lâm cũng chịu ảnh hưởng, lợi tức của tín đồ ít đi thì đóng góp cũng bớt đi. Thế nhưng từ khi chúng tôi bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm tới nay, Niệm Phật Đường này mở cửa, cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi không những số thâu nhập của Cư Sĩ Lâm không giảm bớt mà còn tăng thêm, rất nhiều người nói với tôi hiện tượng Cư Sĩ Lâm hưng vượng từ trước tới giờ chưa từng thấy được. Tại sao vậy? Là do bố thí, càng thí thì có càng nhiều. Những lời đức Phật nói trong kinh, chúng ta ở nơi đây nhìn thấy tận mắt. Bạn thí tiền tài thì tiền tài nhất định sẽ cuồn cuộn đến; bạn thí pháp thì nhất định sẽ thông minh trí huệ; bạn thí vô úy thì nhất định sẽ được khỏe mạnh sống lâu. Nếu quy nạp toàn bộ Phật pháp thì đó chính là một chữ Bố Thí.

Trong các việc bố thí, thí tài vật, thí pháp, thí vô úy, chúng ta ai nấy đều hy vọng giàu sang, thông minh, khỏe mạnh sống lâu, nếu bạn không tu nhân thì làm sao có được quả báo? Chỉ cần bạn chịu tu nhân [thiện] thì chắc chắn sẽ được quả báo thiện, đây chính là như câu nói: “Trong cửa nhà Phật có cầu ắt có cảm ứng”. Tôi rất hy vọng các bạn đồng tu tu pháp Niệm Phật ở mọi nơi trên khắp thế giới, hy vọng mọi người đến đây để tham học, những lời đức Phật dạy trong kinh, những lời tôi nói trong giảng đường, giảng không rõ ràng, không rành rẽ, bạn nghe xong cũng rất khó hiểu được, nhất định phải đến đây đích thân cảm nhận thì bạn mới hiểu được, lời giáo huấn trong Phật pháp chân thật chẳng hư dối. Làm vậy mới có thể tăng thêm lòng tin của bạn, tăng thêm tâm nguyện của bạn, để cho bạn tin tưởng chắc chắn y giáo phụng hành, tương lai của bạn sẽ tươi sáng rạng rỡ. Dù bạn có gặp khó khăn lớn hơn hoặc tai nạn lớn hơn thì bạn cũng vượt qua một cách yên ổn, bạn nhất định sẽ chẳng đánh mất lòng thanh tịnh tự tại, đó chính là lợi ích ngay trước mắt khi chúng ta học Phật. Trước mắt có thể đạt được lợi ích thù thắng như vậy thì lợi ích tương lai sẽ vô lượng vô biên. [Quả báo] hiện tiền nhà Phật thường gọi là ‘hoa báo’, tương lai là ‘quả báo’, quả báo nhất định là sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là việc thù thắng không chi sánh bằng. Do đó chúng ta phải biết cách tu đại cúng dường, phải tu mau lên, không thể chậm trễ, một khi cơ hội mất đi thì muốn gặp lại thật không dễ. Người thật sự có trí huệ, có phước đức chẳng có gì khác ngoài việc họ nhìn thấy cơ hội, có thể nắm lấy cơ hội để thành tựu trí huệ, phước đức vô lượng vô biên của họ.

‘Chuyển độc tôn kinh’ tức là đọc tụng Đại Thừa, mỗi ngày phải đọc thì không đến nỗi mê hoặc, không đến nỗi bị lay động bởi cảnh giới bên ngoài. Tụng kinh chính là nghe lời dạy của Phật, Bồ Tát. ‘Niệm Phật, Bồ Tát danh hiệu’ tức là trì danh niệm Phật. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành thù thắng nhất, ổn thỏa nhất, nhanh chóng nhất, có hiệu quả nhất chính là ‘nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật’. Bạn phải hiểu rõ ‘nhất tâm xưng niệm’ thì bạn sẽ được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ; tâm không thanh tịnh sẽ sanh phiền não, khi có phiền não thì bạn sẽ tạo ác nghiệp, tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, khi bạn có trí huệ thì bạn mới tạo hết thảy thiện nghiệp. Đây là vài phương pháp đức Phật dạy trong kinh, cảnh giới của những phương pháp này cũng vô cùng rộng lớn, ‘như thị thiện duyên, năng lịnh vong giả ly chư ác đạo’, tu phước lớn như vậy, đó là việc tu phước. Đoạn kinh phía trước đã nói những quyến thuộc giúp họ tu phước này được sáu phần bảy công đức, người mất chỉ được một phần bảy. Đích thật có thể giúp họ lìa khỏi ác đạo, tại sao vậy? Khi lâm chung đầu óc họ hôn mê, bất tỉnh nhân sự thì họ nhất định sẽ đọa ác đạo. Lúc đó chúng ta trợ niệm cũng chẳng giúp được gì, [người được] trợ niệm nhất định phải có đầu óc tỉnh táo thì mới có thể vãng sanh. Trong tình trạng [hôn mê] này có trợ niệm cũng không giúp họ được, vì họ chẳng tỉnh táo, bạn trợ niệm cho họ thì họ cũng chẳng niệm Phật theo bạn, họ cũng chẳng biết ‘Phật’ là gì, đó là lúc vô cùng đáng thương, chết đi sẽ sanh vào cõi nào lúc này là giờ phút quan trọng nhất.

Nếu người nhà của họ không có tâm từ bi, không có trí huệ thì họ sẽ vô cùng đáng thương. Nếu thân quyến họ thật sự có thể hiếu thuận, từ bi, có thể hiểu đạo lý, thì nhất định phải làm như thế, họ mới có thể lìa khỏi ác đạo, mới có thể sanh vào cõi lành. Vì họ có phước báo lớn như vậy, lúc lâm chung những oán gia chủ nợ, những quỷ thần này sẽ thoái lui, tạm thời cũng không dám lại khuấy rối họ. Tuy thoái lui, chẳng có nghĩa là xong chuyện đâu, những quỷ thần này sẽ đợi cơ hội sau này, đợi tới lúc nào bạn mê mờ, chẳng có ai giúp đỡ thì họ sẽ quay trở lại. Do đó chư vị phải biết [khi bạn] kết oán thù sâu đậm với chúng sanh, ai chịu tha thứ cho bạn? Nếu bạn hiểu đạo lý này thì nhất định phải đừng kết oán thù với tất cả chúng sanh. Trong thế gian chúng ta thấy có một số người có ấn tượng không tốt đối với chúng ta, nhìn rất gai mắt, họ là những oan gia đời trước, họ ác ý hủy báng, thậm chí còn hãm hại, chúng ta phải đối đãi như thế nào? Phải dùng tâm chân thành cung kính để đối đãi, chúng ta phải dùng tâm sám hối đối xử với họ, tuyệt đối không thể có tâm niệm báo thù. Nếu bạn có tâm niệm muốn trả đũa thì gút mắt này lại càng buộc chặt thêm, đời đời kiếp kiếp báo đền lẫn nhau, dây dưa chẳng dứt. Không bằng cứ tiếp nhận hoàn toàn chẳng than trách, đối với những người ác không những chẳng có ác ý, chúng ta còn có ý kính trọng, thì gút mắt này sẽ được tháo gỡ, món nợ này sẽ tiêu mất, xóa sạch sổ nợ, đó là chuyện tốt! Đại sư Ấn Quang trong Văn Sao dạy chúng ta ‘Nghĩ như là mình trả nợ’ thì chuyện gì cũng sẽ được kết thúc. Không kết oán thù với bất cứ người nào, chúng ta phải học ‘dùng Đức báo Đức, dùng Đức báo oán’, được vậy thì trên con đường Bồ Đề chúng ta sẽ giảm bớt rất nhiều chướng ngại, trên thế gian bất luận chúng ta làm sự nghiệp gì thì cũng sẽ giảm bớt trở ngại, cơ hội thành công sẽ nhiều hơn. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, phải biết thế nào để làm người. Xin xem tiếp kinh văn:


Thế Tôn, nhất thiết chúng sanh lâm mạng chung thời, nhược đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, hoặc Đại Thừa kinh điển, nhất cú nhất kệ, ngã quán như thị bối nhân trừ ngũ Vô Gián sát hại chi tội, tiểu tiểu ác nghiệp hiệp đọa ác thú giả tầm tức giải thoát.

世尊。一切眾生臨命終時。若得聞一佛名。一菩薩名。或大乘經典一句一偈。我觀如是輩人除五無間殺害之罪。小小惡業合墮惡趣者尋即解脫。

Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu được nghe đến danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, hoặc một câu hay một bài kệ trong kinh điển Ðại Thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả.

Đoạn kinh này nói cho chúng ta tu thiện đáng quý như thế nào, cho dù một việc thiện nhỏ cũng đáng quý, huống chi là việc thiện to lớn? Lúc quan trọng, lúc sắp mất, ‘lâm mạng chung nhược đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh’, đầu óc người sắp mất nhất định phải tỉnh táo thì mới làm được. Lúc lâm chung đầu óc còn tỉnh táo, còn rõ ràng, rành rẽ, nếu có thiện tri thức ở kế bên giúp kẻ ấy, chúng ta có thể khẳng định kẻ ấy chắc chắn sẽ không đọa ba đường ác. Chư vị phải biết những người đọa ba đường ác đều đi vào đó một cách mờ mờ mịt mịt, lẽ nào người có đầu óc còn sáng suốt lại đi làm ngạ quỷ, làm súc sanh, không lẽ nào như vậy cả? Chúng ta phải biết rất ít người lúc lâm chung còn sáng suốt, trong mười người thì hết tám chín người bất tỉnh nhân sự, mù mù mịt mịt, bạn coi như vậy đáng sợ biết bao! Phàm những người lâm chung mà đầu óc còn sáng suốt, cho dù tạo ác nghiệp, tâm địa của họ cũng rất thiện, tạo ác nghiệp là vì họ vô tri, họ chẳng biết làm như vậy là tạo ác nghiệp, [thí dụ như việc] sát sanh ăn thịt, họ cảm thấy sát sanh ăn thịt là việc rất bình thường, họ chẳng cảm thấy làm vậy là tạo ác nghiệp, nhưng tâm địa người này vẫn là rất tốt, đây là việc chúng ta quan sát kỹ càng thấy được. Nếu tâm người ấy chẳng thiện, thường muốn hại người, cướp đoạt tài sản của người khác, làm những việc lợi mình hại người, những người này lúc lâm chung hơn phân nửa đều mê hoặc điên đảo. Cả đời dựa oai thế để hiếp đáp người khác, thậm chí đến tuổi già mắc chứng mất trí nhớ, trí nhớ hoàn toàn tiêu mất, bất tỉnh nhân sự, hơi thở còn chưa đứt, cứ nằm trên giường bịnh suốt tám năm, mười năm, trong thời đại ngày nay chúng ta thấy những người như vậy rất nhiều, do đó tu thiện là việc vô cùng quan trọng.

Đoạn này chúng ta phải ghi nhớ, đây là lý luận y cứ cho việc trợ niệm, con người lúc lâm chung, nếu chúng ta gặp phải, chúng ta làm thế nào giúp đỡ họ, lúc lâm chung, thời khắc mấu chốt nhất vô vùng ngắn ngủi này, phải dùng phương pháp có hiệu quả cao nhất [để giúp họ]. Bất luận họ cả đời học Phật hoặc chẳng học Phật, thậm chí phản đối Phật, hủy báng đức Phật [mình] cũng không cần để ý tới, lúc lâm chung họ mang bịnh nặng nằm trên giường, họ chẳng làm chủ được thì chúng ta làm chủ [thay họ], chúng ta niệm A Di Đà Phật cho họ nghe, họ không muốn nghe thì cũng phải nghe, trồng thiện căn cho họ. Vả lại còn phải khuyến dụ họ, phần lớn hầu hết lúc lâm chung cả đời chẳng tin Phật, đến lúc lâm chung hoặc có thể sẽ tin, lúc đó mình nhắc họ, nói cho họ biết lợi ích của sự niệm Phật. Trong lúc đó nếu họ có thể nghe được danh hiệu một vị Bồ Tát, một vị Phật, lúc ấy dùng danh hiệu Phật, Bồ Tát đối với họ là việc có lợi ích lớn nhất. ‘Kinh điển Đại Thừa, nhất cú nhất kệ’, nói nhất cú nhất kệ thì không cần phải đi tìm kinh nào, trong lúc quan trọng nhất này phải buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, bất luận cảnh giới gì hiện ra, bạn có thể nói cho họ nghe câu kinh ‘phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, hết thảy đều đừng để ý tới, cứ nói một cách dứt khoát với họ, chẳng có mảy may nghi ngờ gì hết thì mới thật sự là giúp đỡ họ. Cho dù trong đời họ đã tạo tội cực nặng, nhờ thiện duyên này mà tội nghiệp và tội báo của họ sẽ [tạm thời] không thể hiện ra.

Cho nên quỷ vương nói ‘Ngã quán như thị bối nhân, trừ ngũ Vô Gián sát hại chi tội’, tội này chẳng có cách chi hết, tại sao vậy? Tội này quá nặng, ngũ Vô Gián là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp tăng, tội này quá nặng. Ngài nói ngoại trừ tội ngũ Vô Gián, quỷ vương chẳng giúp được. Nhưng chúng ta hiểu rõ, cho dù tạo tội ngũ Vô Gián nếu lúc lâm chung đầu óc còn tỉnh táo, nếu có thể sám hối niệm Phật cũng được vãng sanh, trong kinh có nêu thí dụ. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói với chúng ta, vua A Xà Thế tạo tội sát hại ngũ Vô Gián, lúc lâm chung sám hối, niệm Phật cũng được vãng sanh; đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta, người đó vãng sanh phẩm vị rất cao, Thượng Phẩm Trung Sanh. Cho nên chúng ta đối với người tạo tội nghiệp cũng chẳng dám coi thường, không chừng họ vãng sanh phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chẳng thể coi thường. Chỉ cần chưa chết thì vẫn còn cứu được, đến phút lâm chung một hơi thở còn chưa đứt thì vẫn còn cứu được, nếu đứt hơi rồi thì chẳng có cách gì, chẳng cứu nổi. Như việc người nhà thân quyến giúp họ tu đại bố thí cũng chỉ có thể độ họ, cao nhất cũng chỉ độ họ lên trời Ðao Lợi mà thôi, họ chẳng được vãng sanh, chẳng thể thoát ra khỏi tam giới. Nếu chưa tắt thở thì có thể giúp họ vãng sanh, khuyên họ thật sự tin tưởng, thật sự sám hối, thật sự niệm Phật cầu vãng sanh, chẳng có người nào không được độ, do đó mới biết pháp môn Tịnh tông chẳng thể nghĩ bàn. Một đời tạo ác nghiệp nhỏ ‘hiệp đọa ác thú giả’, đọa súc sanh, đọa ngạ quỷ, đọa địa ngục nhỏ, những tội nghiệp trên đây nếu bạn tu những điều thiện này thì ‘tầm tức giải thoát’, ‘tầm’ nghĩa là thời gian rất ngắn. Do đó công đức nghe danh hiệu Phật chẳng thể nghĩ bàn, đây là lời những người niệm Phật thường nói ‘công đức danh hiệu Phật chẳng thể nghĩ bàn’. Xin xem tiếp:


Phật cáo Chủ Mạng quỷ vương: ‘Nhữ đại từ cố năng phát như thị đại nguyện, ư sanh tử trung hộ chư chúng sanh’.

佛告主命鬼王。汝大慈故能發如是大願。於生死中護諸眾生。

Ðức Phật bảo Chủ Mạng Quỷ Vương rằng: ‘Ông vì lòng đại từ nên có thể phát đại nguyện, ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế’.

Ðây là lời đức Phật tán thán quỷ vương. Chữ ‘đại từ’ [ở đây] cùng với lòng đại từ bi hộ niệm hết thảy chúng sanh của đức Phật chẳng khác, Ngài lại có một nguyện vọng lớn như vầy, trong giờ phút sanh tử Ngài sẽ hộ niệm hết thảy chúng sanh, chẳng khác gì bi nguyện của Bồ Tát. Cho nên những quỷ vương này đều là Bồ Tát hóa hiện, nơi cõi này nên dùng thân quỷ vương để độ được thì hiện thân quỷ vương để nói pháp, đích thật họ chẳng phải là phàm phu.


Nhược vị lai thế trung hữu nam tử nữ nhân chí sanh tử thời, nhữ mạc thoái thị nguyện, tổng lịnh giải thoát vĩnh đắc an lạc.

若未來世中有男子女人至生死時。汝莫退是願。總令解脫永得安樂。

Như trong đời sau có kẻ nam người nữ nào đến thời điểm sanh tử, thì ông chớ rút lại lời nguyện đó, mà nên làm cho họ thảy đều được giải thoát, mãi mãi được an vui.

Những câu này là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyến khích quỷ vương, khuyên Ngài từ bi hoằng nguyện chẳng nên thoái tâm, lời khuyến khích này vô cùng quan trọng. Vì càng vào sâu trong thời Mạt pháp, chúng sanh tạo ác nghiệp càng nhiều, tạo tội càng sâu, càng nặng, càng rộng lớn. Trong trạng huống như vậy chỉ sợ là quỷ thần nhìn thấy sẽ thoái tâm, cho nên lời dặn dò này vô cùng quan trọng. Chúng ta đọc kinh hiểu rõ những trạng huống này cũng phải phát nguyện, dốc hết tâm lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, làm như vậy cũng gián tiếp giúp các quỷ vương này sanh tâm vui vẻ, giữ vững lòng tin, tâm nguyện của họ để họ chẳng đến nỗi phải thoái tâm. Tuy chúng sanh tạo ác nghiệp rất nhiều, vẫn còn một số người làm việc thiện, người hồ đồ mê muội tuy nhiều, nhưng vẫn có một số người hiểu rõ, điều này đối với quỷ vương là một sự an ủi. Xin xem tiếp kinh văn:


Quỷ vương bạch Phật ngôn: ‘Nguyện bất hữu lự, ngã tất thị hình, niệm niệm ủng hộ Diêm Phù chúng sanh, sanh thời tử thời cụ đắc an lạc’.

鬼王白佛言。願不有慮。我畢是形念念擁護閻浮眾生。生時死時俱得安樂。

Quỷ Vương bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Xin Ðức Thế Tôn chớ lo! Trọn đời con luôn luôn ủng hộ chúng sanh ở cõi Diêm Phù Ðề, làm cho lúc sanh lúc tử đều được an vui’.

Quỷ vương là Bồ Tát thị hiện chứ chẳng phải là phàm phu, Ngài phát nguyện đến độ chúng sanh. Nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán, khuyến khích Ngài, Ngài tiếp nhận lời dạy của đức Phật, xin đức Phật đừng lo lắng ‘Nguyện bất hữu lự, ngã tất thị hình’. Tất thị hình nghĩa là tận hết mạng sống và thân hình này. ‘Niệm niệm ủng hộ Diêm Phù chúng sanh’, Ngài hiện thân này, hiện thân quỷ vương làm sự nghiệp này, sự nghiệp này chính là hộ niệm hết thảy chúng sanh trên thế gian trong lúc sanh tử, hy vọng trong giờ khắc sanh tử quan trọng ấy đều có thể được yên vui.


Ðản nguyện chư chúng sanh ư sanh tử thời, tín thọ ngã ngữ, vô bất giải thoát, hoạch đại lợi ích.

但願諸眾生於生死時。信受我語無不解脫獲大利益。

Chỉ mong các chúng sanh trong lúc sanh cùng lúc tử đều tin theo lời con, thì không ai là không được giải thoát và được lợi ích lớn cả.

Ðây là điều mong muốn của Chủ Mạng quỷ vương đối với chúng sanh trong lúc sanh tử, chúng ta trong lúc sanh hay lúc chết phải ghi nhớ lời nói của Chủ Mạng quỷ vương, trong những lúc này phải đoạn ác tu thiện. Nếu thật sự hiểu rõ, lúc sanh phải biết tu đại cúng dường, đại bố thí, quỷ vương sẽ sanh tâm hoan hỷ lớn lao, toàn tâm toàn lực ủng hộ bạn, bạn nhất định sẽ chẳng đọa ba đường ác. Trong Chú giải, pháp sư Thanh Liên trích dẫn kinh để thuyết minh, trong đoạn này Ngài trích ba đoạn, ý tứ trong ba đoạn đều hay. Ðoạn thứ nhất trong kinh Thế Ký, đức Phật dạy: ‘Nhất thiết nam nữ nhân sơ thỉ sanh thời giai hữu quỷ thần, tùy trục ủng hộ. Nhược kỳ tử thời bỉ thủ hộ quỷ nhiếp kỳ tinh khí kỳ nhân tắc tử’. (Hết thảy người nam người nữ lúc mới sanh liền có quỷ thần đi theo ủng hộ. Lúc chết thì quỷ thủ hộ ấy thu hút tinh khí của người ấy, người ấy sẽ chết). ‘Cố’ nghĩa là do vì duyên cố này, Chủ Mạng quỷ vương ‘Nguyện nhân sanh thời, tử thời thận vật sát hại, ứng tu thiện duyên’, (Mong con người lúc sanh lúc chết nên cẩn thận, đừng giết hại, nên làm việc thiện) điều này rất quan trọng, đây tuyệt đối không phải là mê tín. Ðoạn thứ nhì trích dẫn kinh Ðại Tập : “Nếu là người tu tâm từ, lúc mạng chung, thấy mười phương Phật lấy tay xoa đảnh, nhờ tay xoa chạm vào, tâm người đó được yên ổn, vui vẻ, liền được vãng sanh về cõi Phật thanh tịnh [1]”. Ðây là việc niệm Phật lúc lâm chung. Người lúc còn sống có tâm từ bi, tâm từ bi tức là có thể xả, hoan hỷ bố thí cúng dường, phước huệ song tu, lâm chung sẽ thấy Phật.

Cuối cùng trích dẫn một đoạn khai thị của đại sư Liên Trì, lời nói tuy chỉ có hai câu, nhưng rất quan trọng: “Do vậy, Ngài Vân Thê có dạy khi cúng giỗ tổ tiên chớ nên sát sanh, để giúp thêm phước cho người đã khuất[2], câu này là của đại sư Liên Trì nói. Cúng tế người quá cố, tổ tiên không thể sát sanh, bạn cúng tế người quá cố, tế tổ tiên mà sát sanh, món nợ của nghiệp sát sanh này sẽ phải trút lên đầu của tổ tiên, tại sao vậy? Vì họ nên mới sát sanh, nếu không cúng tế thì chẳng phải sát sanh, sát sanh là vì họ mà sát, do đó việc này tăng thêm tội nghiệp của tổ tiên, đây là việc bất hiếu to lớn. Nhưng sát nghiệp này cũng giống như công đức nói ở phía trước, bạn đừng nghĩ là nghiệp sát này do tổ tiên gánh chịu, bạn không liên lụy gì cả, nghĩ vậy thì bạn sai rồi. Sát nghiệp này có bảy phần, người sát sanh phải chịu sáu phần, tổ tiên chỉ chịu một phần, cùng một đạo lý, bạn phải hiểu như vậy. Bạn đã gieo họa cho người ta, họ chẳng kêu bạn đi sát sanh, bạn vì họ mà sát sanh, cho nên trách nhiệm của sát nghiệp này, tự mình phải gánh sáu phần, tổ tiên chỉ gánh một phần, kẻ còn lẫn người mất đều chẳng được lợi. Đại sư Liên Trì cũng là người tái lai, Ngài biết rõ những chân tướng sự thật này. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh tiếp theo, trong Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú đặt tựa đề cho phần này là ‘Như Lai Phát Bổn’ (Như Lai nêu rõ Bổn Địa của Chủ Mạng Quỷ Vương [3]), nói rõ chân tướng sự thật này:


Nhĩ thời Phật cáo Ðịa Tạng Bồ Tát:

爾時佛告地藏菩薩。

Lúc đó đức Phật nói với Ðịa Tạng Bồ Tát rằng:

Nói với Ðịa Tạng Bồ Tát, trên thật tế là nói với mọi người chúng ta.


Thị đại quỷ vương Chủ Mạng giả.

是大鬼王主命者。

Vị Ðại Quỷ Vương chủ về sanh mạng.

Ðây là Chủ Mạng quỷ vương.


Dĩ tằng kinh bách thiên sanh tác đại quỷ vương, ư sanh tử trung ủng hộ chúng sanh.

已曾經百千生作大鬼王。於生死中擁護眾生。

Ðã từng trải qua trăm ngàn đời làm vị Ðại Quỷ Vương, ủng hộ chúng sanh trong lúc sanh và lúc tử.

Quỷ vương này từ bi đến cùng cực.


Thị đại sĩ từ bi nguyện cố, hiện đại quỷ thân, thật phi quỷ dã.

是大士慈悲願故。現大鬼身。實非鬼也。

Bậc Ðại Sĩ này vì lòng từ bi phát nguyện hiện thân đại quỷ, chớ thật ra không phải quỷ.

Ngài là Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ, Ngài chẳng phải là quỷ thật, quỷ thật đâu có tâm địa tốt như vậy! Bồ Tát thị hiện thân tướng quỷ, đến để chủ trì sự việc lúc sanh lúc tử của hết thảy chúng sanh, chúng ta phải hiểu những chân tướng sự thật này. Trong cuốn chú giải, đại sư Thanh Lương, nơi trang một trăm ba mươi mốt hàng thứ nhất, trong đó Ngài kể một câu chuyện, Ngài nói ‘Xưa kia Ngài Đạo Sanh thuyết pháp tại Hổ Khưu[4]’, đây là pháp sư Ðạo Sanh[5], tôi nghĩ quý vị cũng rất quen thuộc, rất nhiều người đến từ Tô Châu đều từng thấy Hổ Khưu. ‘Sanh Công thuyết pháp ngoan thạch điểm đầu’ (Ngài Ðạo Sanh thuyết pháp, đá cứng cũng gật đầu), mọi người đều thường xem những cổ tích này. Ngài nói: Có một lần Ngài Đạo Sanh thuyết pháp, thấy một con quỷ, quỷ này đều hiện thân mỗi ngày đến nghe pháp. Ngài Đạo Sanh nói với quỷ đó: ‘Ngươi hiện nay là quỷ, tại sao không đầu thai đến cõi người?’. Ngài Đạo Sanh khuyên quỷ này đầu thai đến làm người. Quỷ dùng thơ đáp:

Tác quỷ kinh kim ngũ bách thu, dã vô phiền não dã vô sầu.

Sanh Công khuyến ngã vi nhân khứ, chỉ khủng vi nhân bất đáo đầu.

(Tôi làm quỷ đã được năm trăm năm, không có phiền não cũng chẳng sầu.

Ngài Đạo Sanh khuyên tôi đi làm người, chỉ sợ làm người chẳng tới đâu!).

Con quỷ này nói làm quỷ tốt hơn, quỷ nghe giảng kinh cũng có thể khai ngộ. Cho nên Chủ Mạng quỷ vương, đây là đại quỷ vương của Diêm La thiên tử, cai quản việc lớn sanh tử của con người, đây là Bồ Tát hóa thân đến, chẳng phải quỷ thật. Phía sau đức Phật còn nói thêm một đoạn, chúng ta hãy đọc qua một lần:


Khước hậu quá nhất bách thất thập kiếp, đương đắc thành Phật, hiệu viết Vô Tướng Như Lai, kiếp danh An Lạc, thế giới danh Tịnh Trụ. Kỳ Phật thọ mạng bất khả kế kiếp.

卻後過一百七十劫。當得成佛。號曰無相如來。劫名安樂。世界名淨住。其佛壽命不可計劫。

Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông ấy sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp tên là An Lạc, thế giới tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của Ðức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được.

Ðây là Phật thọ ký, nói rõ Chủ Mạng đại quỷ vương tương lai thành Phật, hiện nay Ngài dùng thân phận quỷ vương để hành Bồ Tát đạo, tu pháp Lục Ðộ. Do đó hành Bồ Tát đạo dùng các thân phận khác nhau, các ngành nghề khác nhau, ngay trong sanh hoạt hằng ngày của bạn, trong công việc làm của bạn để tu học, ở đây Chủ Mạng quỷ vương thị hiện nêu gương cho chúng ta.

Hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi.



[1] ‘Nhược tu từ giả, đương xả thân mạng thời’ xả thân mạng tức là lúc lâm chung, ‘kiến thập phương Phật, thủ ma kỳ đảnh, mông thủ xúc cố, tâm an khoái lạc, tầm đắc vãng sanh thanh tịnh Phật độ’

[2] ‘Cố Vân Thê hữu tế tiên bất nghi sát sanh, dĩ tư minh phước’

[3] Bổn địa của ngài Chủ Mạng là Bồ Tát, thị hiện thân Quỷ Vương (đó là Tích).

[4] Hổ Khưu còn gọi là Hải Dũng Sơn, Hải Dũng Phong, Hổ Phụ, là một thắng cảnh phía tây bắc cổ thành Tô Châu, cách Xương Môn 3.5 km.

[5] Sư họ Ngụy, người rất dĩnh ngộ, không ưa sự ồn náo trần tục, cạo tóc xuất gia thọ giới. Ban đầu sư vào Lô Sơn, ở U Thê bảy năm. Sau dạo đến Quan Trung, theo Ngài La Thập thọ nghiệp. Tăng chúng khâm phục như thần. Lúc trước, sư thấy phần đầu kinh Niết Bàn nói “Trừ hạng Nhất xiển đề ra, tất cả đều có Phật tánh”. Sư bèn nói: “Xiển đề sao lại riêng không có Phật tánh được? Kinh này đến đây chưa đủ. Rồi xướng thuyết “Xiển đề đều sẽ thành Phật". Các vị sư khác đời ấy đều trách mắng sư, cho là tà thuyết, theo luật đáng bị tẩn xuất. Sư bèn thề:

- Nếu tôi nói không hợp với nghĩa kinh, thì xin cho hiện thân chịu ác báo. Nếu thật khế hợp tâm Phật, nguyện lúc xả thọ mạng, ngồi tòa sư tử.

Và sư rũ áo vào Hổ Khưu sống lặng lẽ. Khi tâm có chỗ hội, sư đến chùa Thanh Viên, ngồi dưới rặng tùng, xếp đá làm đồ chúng, giảng kinh Niết Bàn. Một hôm giảng đến chỗ Xiển đề, bèn nói có Phật tánh. Lại nói:

- Lời của ta có hợp với tâm Phật chăng?

Hàng đá đều gật đầu. Mùa hạ năm đó, sấm rền Phật điện Thanh Viên, người ta chợt thấy một con rồng bay lên múa lượn, ánh sáng trời phát ra, bóng hiện ở vách Tây. Chùa liền được đổi tên là Long Quang. Người đời đó than:

- Rồng đã bay, sư chắc cũng đi!

Mấy ngày sau, quả nhiên sư trở về Lô Sơn, để lại một di ảnh rơi trong hang núi. Tăng chúng đều đến chiêm lễ. Sau sư nghe Ðàm Vô Sấm dịch lại phẩm sau của kinh Niết Bàn, quả nhiên có nói: “Người Nhất xiển để tuy đoạn thiện căn, vẫn có Phật tánh”. Sư rất mừng rỡ.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ chín (432). Sư đến Kim Lăng, chưa bao lâu trở lại Lô Sơn. Trụ tịnh xá Lô Sơn, giảng kinh Niết Bàn. Tháng mười một, niên hiệu Nguyên Gia thứ mười một (434)*, sư thăng tòa luận nghĩa mấy phen, mọi người nghe đều vui vẻ. Chợt thấy phất trần rơi xuống đất, sư ngồi ngay ngắn, nghiêm trang tựa ghế mà tịch, thọ 80 tuổi. Sớ luận để lại là những tác phẩm rất quý báu. * Có thuyết nói sư tịch năm Nguyên Gia thứ chín (432).  (Trích Cao Tăng Dị Truyện, Hạnh Huệ biên soạn).

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51