/ 51
1.197

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 30 (Số 14-12-30)

  Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm mười, kinh văn phía trước có nêu một thí dụ, thí dụ rất cạn cợt, dễ hiểu, kinh văn phía sau là pháp hợp, hợp lại đoạn thí dụ này. Xin xem kinh văn, hàng thứ nhất:

 

Thị cố Địa Tạng Bồ Tát cụ đại từ bi cứu bạt  tội  khổ  chúng sanh, sanh nhân thiên trung lịnh thọ diệu lạc, thị chư tội chúng tri nghiệp đạo khổ, thoát đắc xuất ly vĩnh bất tái lịch.

是故地藏菩薩具大慈悲救拔罪苦眾生。生天人中令受妙樂。是諸罪眾知業道苦。脫得出離永不再歷。

Thế nên Bồ Tát Ðịa Tạng đầy đủ đức đại từ bi, cứu vớt những chúng sanh mắc tội khổ, khiến cho họ được sanh trong cõi trời, cõi người, hưởng sự vui sướng vi diệu.  Những kẻ có tội đó biết rõ sự khổ trong nghiệp đạo rồi, khi đã được ra khỏi, vĩnh viễn chẳng trở vào nữa.

Đọc đoạn văn này xong chúng ta phải nên cảnh tỉnh, phòng bị. Bồ Tát khuyên răn hết thảy chúng sanh trong ác đạo, làm cho họ giác ngộ, sám hối, quay đầu. Phàm là ai trong ác đạo có thể sanh lên một niệm sám hối chân thật thì có thể thoát ra khỏi ác đạo liền, chúng ta thấy những sự việc này [được ghi chép] trong kinh điển rất nhiều. Có rất nhiều đồng tu coi xong nhưng không thể tin tưởng, cứ cho rằng cả đời tạo rất nhiều tội nghiệp, đọa vào ác đạo thì rất khó thoát ra, trong kinh này cũng nói đọa vào ác đạo rất khó thoát khỏi. Tại sao một niệm chân thật sám hối thì họ thoát ra khỏi rất dễ dàng? Nói thật ra chính là chúng sanh tạo ác nghiệp thật rất khó khởi lên một niệm chân thành sám hối [cho dù] nhỏ bé, đạo lý là như vậy. Họ có thể dấy khởi một niệm, họ thật sám hối, chẳng phải giả, thật sự quay đầu. Ngạn ngữ đời xưa ở Trung Quốc có nói ‘lãng tử quay đầu, vàng cũng không đổi’, một khi họ quay về thì họ là người tốt nhất trong các người tốt, vô cùng hiếm hoi! Vấn đề là họ ở trong ác đạo.  Trong cõi người chúng ta có được bao nhiêu người sanh lên một niệm chân tâm [sám hối] quay về? Đầu óc của con người tỉnh táo hơn đầu óc của chúng sanh trong tam ác đạo rất nhiều. Chúng ta cũng có thể nói theo cách này, trong thập pháp giới càng lên cao thì đầu óc càng tỉnh táo, càng không mê; càng đi xuống thì càng mê hoặc, càng không tỉnh táo, ở cõi địa ngục thì mê đến cùng cực. Trong hoàn cảnh ấy, họ muốn sanh một tâm niệm thanh tịnh, một tâm niệm sám hối thì bạn phải biết đó là hy hữu, khó được biết mấy. Bởi vậy Phật mới nói rất khó thoát ra khỏi ác đạo, đạo lý là như vậy. Cùng một đạo lý, tại sao chúng ta đọa lạc trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều chẳng thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, nguyên nhân là gì? [Từ đây] bạn mới biết một niệm chân tâm sám hối ấy khó phát khởi vô cùng, đạo lý là như vậy.

Phàm thánh thật sự chỉ cách nhau ở một niệm, một niệm giác thì siêu phàm nhập thánh, một niệm mê thì vĩnh viễn đọa trong luân hồi, chỉ ở trong vòng một niệm mà thôi. Phật, Bồ Tát cứu độ chúng sanh chẳng có gì khác ngoài việc khuyên chúng sanh khởi một niệm giác, khởi một niệm giác này họ liền siêu sanh. Siêu sanh đến cảnh giới gì? Vậy thì phải coi mức độ giác ngộ của họ. Nếu là triệt để giác ngộ, từ địa ngục liền có thể thành Phật, bạn tin không? Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ thì sẽ tin, bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ có thể làm cho chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật, đây là điểm thù thắng của pháp môn này, công đức lợi ích của pháp môn này không thể nghĩ bàn. Nếu Phật không thể dạy cho chúng sanh trong địa ngục lập tức thành Phật thì trí huệ, khả năng của Phật đáng để cho chúng ta hoài nghi, Phật còn chuyện gì không thể làm được nữa chăng? Đức Phật thật sự có thể làm được, vấn đề là chúng sanh trong địa ngục có chịu hợp tác hay không? Nếu không chịu hợp tác, không chịu tin tưởng, không chịu y giáo phụng hành thì Phật cũng chẳng có cách chi. Đây không phải là năng lực của Phật không đủ, mà là đối phương có chướng ngại, có nghiệp chướng. Mọi người hiểu rõ đạo lý này xong thì mới biết chân tâm rất đáng quý. Ngày nay chúng ta trong xã hội, bạn đã học Phật rồi, như thế nào gọi là học Phật? Bạn thật sự học Phật hay học giả. Thật sự học Phật thì chẳng có gì khác, phải dùng chân tâm, chẳng lừa gạt mình, chẳng lừa gạt chúng sanh, bạn dùng chân tâm. Nếu còn tự gạt mình và gạt người, một ngày bạn niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng không dùng được, đúng như cổ đức có nói ‘Hét bể cổ họng cũng luống công’. Chúng ta bước vào Niệm Phật Đường có bao nhiêu người đạt được nhất tâm, bao nhiêu người có thể vãng sanh phẩm với vị cao, phải coi người ấy dùng tâm gì. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, bạn sanh vào phẩm nào cũng xem bạn dùng tâm gì. Nếu bạn dùng tâm chân thành rốt ráo viên mãn thì bạn nhất định sẽ sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thượng phẩm thượng sanh. Chư vị phải biết, Thật Báo Độ thượng phẩm thượng sanh, đến đó bèn làm Phật, bèn thành Phật. Do đó phải coi mức độ trong chân tâm của bạn.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51