Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Sớ Sao Tinh Hoa
Tập 2
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: Tháng 12 năm 1993
Địa điểm: Hiệp Tiến Đoàn - Đài Nam
Xin mở kinh bổn ra trang thứ 7, bắt đầu xem từ đoạn thứ 22!
“Chư dư pháp môn, thiển tắc thượng căn bất bị, thiển tắc hạ căn tuyệt phần, duy thử nhất pháp lợi độn kiêm thu, nhu thủy thanh châu đáo xứ tiền ích, cố đương tín thọ phụng trì”.
Đây là đại sư đem giáo huấn mà đức Thế Tôn giảng trong 49 năm, giới thiệu sơ lược qua. Phật thuyết tất cả kinh, có cạn sâu rộng hẹp khác nhau, giống như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa kinh nghĩa rất sâu, người sơ học không biết hạ thủ từ đâu. Đây tức là nói sâu thì hạ căn không có phần. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy tiêu chuẩn của nó là 41 vị pháp thân đại sĩ, Viên giáo sơ trụ trở lên, Biệt giáo sơ địa trở lên thì mới có phần. Vậy hướng xuống thì không có phần rồi. Giống như kinh điển A hàm đây là kinh Tiểu thừa. Bồ Tát cho dù là tại giải hạnh cũng vượt qua họ rất nhiều rồi. Đây là cạn thì thượng căn phổ bị. Tình hình tương tự như vậy trong kinh điển rất nhiều, rất nhiều. Duy chỉ có pháp môn niệm Phật này, thượng trung hạ ba bậc căn tánh đều có thể được lợi ích. Cho nên thượng thượng căn, chúng ta trong Kinh Hoa Nghiêm thấy Văn Thù, Phổ Hiền đều cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc. Hạ hạ căn giống như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói: chúng sanh trong ác đạo địa ngục có thể nghe được pháp môn này tín nguyện trì danh cũng có thể vãng sanh, cho thấy pháp môn này đích thực là sâu rộng vô tận.
Câu dưới đây là ví dụ, giống như thủy thanh châu vậy, đến đâu cũng tiện ích. Bất luận là nước trong hay nước đục, viên châu này rơi xuống rồi nước đều trở thành thanh tịnh. Pháp môn này cũng giống như thủy thanh châu vậy, thượng trung hạ ba căn đều phổ bị. Vì vậy khuyên nhủ chúng ta nên tín thọ phụng hành, chúng ta nhất định phải y theo pháp môn này để tu học.
“Thập giới nhân quả, giai duy tâm hiện”. Thập giới là thập pháp giới. Lục đạo hướng lên thì sao? Có pháp giới Thanh Văn, pháp giới Duyên Giác, pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật, hợp với lục đạo gọi là thập pháp giới, thập pháp giới là quả báo, nó nhất định có nhân hành, mới có quả báo này. Ở đây đoạn này chúng ta nên lưu ý để nghe, phải ghi nhớ cho đàng hoàng. Bởi vì thập pháp giới đến như thế nào? Đều là từ trong ý niệm phân biệt mà biến hiện ra. “Nhược nhất niệm tâm sân nhuế tà dâm, tức địa ngục giới”. Mỗi một giới, mỗi một cõi nhân duyên của nó cũng là vô lượng vô biên. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, vô lượng nhân duyên biến hiện pháp giới. Trong vô lượng nhân duyên này nhân duyên nào quan trọng nhất, ở đây nói chính là nhân duyên quan trọng nhất. Địa ngục sân nhuế, chúng ta nói ba độc phiền não tham sân si. Ba độc phiền não này chúng ta bình tĩnh mà suy nghĩ, chính bản thân chúng ta đều đầy đủ, tức là tất cả đều có. Nhưng không đọc kinh Phật, không hiểu được sự đáng sợ của hậu quả ba độc phiền não, không biết được. Trong cuộc sống hằng ngày vẫn để nó tùy ý phát tác. Đọc kinh Phật rồi hiểu rõ đạo lý nhân quả, thì chúng ta khởi tâm động niệm tự nhiên sẽ để ý cẩn thận, cho nên sân nhuế tà dâm là quả báo địa ngục. Chúng ta có thể tránh khỏi thì sẽ không đọa địa ngục.
“Xan tham bất thí, tức ác quỷ giới”. Nghiệp nhân của cõi ngạ quỷ là gì? Là xan tham, chúng ta thường nói keo kiệt không dám bỏ ra, mọi thứ đều tham tiếc, mọi thứ đều tham ái, đây là nghiệp nhân của cõi ngạ quỷ.
“Ngu si ám tế tức súc sanh giới”. Ám tế cũng là ý nghĩa ngu si. Đối với tất cả sự lý không phân rõ ràng, trắng đen điên đảo gọi là ngu si; thiện ác không phân, đây là nghiệp nhân đọa cõi súc sanh.
“Ngã mạn cống cao, tức Tu la giới”. A tu la này, A tu la ngoài thiên thượng ra, nhân gian, súc sanh đều có. Trong Kinh Lăng Nghiêm giảng rất tường tận. A tu la cũng tu một số thiện nghiệp, chúng ta thường nói họ cũng làm việc tốt, tuy làm việc tốt, họ hiếu thắng, hiếu cường, cống cao ngã mạn, cứ như vậy tu tất cả thiện, đương nhiên quả báo là tu la nhân thiên.
“Kiên trì ngũ giới, tức nhân pháp giới”, vậy nên chúng ta được thân người là trong đời quá khứ ngũ giới thanh tịnh. Ngũ giới nếu không thanh tịnh không có được thân người, ngũ giới nhất định thanh tịnh mới có thể được thân người, cho thấy, được thân người tương đối không dễ dàng. Chúng ta trong đời này đều được thân người, là trong đời quá khứ ngũ giới thanh tịnh. Vậy trong đời này giả sử chúng ta ngũ giới không thanh tịnh, đời sau thân người sẽ không chắc chắn nữa rồi. Phật trong kinh thường nói: con người mất thân người tức là sau khi chết rồi được lại thân người, đời sau vẫn là nhân thiên thì số lượng đó rất ít; không đạt được thân người, nói cách khác, đời sau vào ba đường ác, trở thành súc sanh, thành ngạ quỷ, đọa địa ngục, là chiếm tuyệt đại đa số. Chúng ta nghĩ xem có lý hay không? Không cần nghĩ đến người khác, nghĩ đến bản thân chúng ta cảm thấy rất có lý. Vì sao vậy? Chúng ta xử sự, đối người, tiếp vật khởi tâm động niệm, đích thực ý niệm tham sân si này nhiều, niệm ngũ giới thập thiện ít. Ý niệm nhiều thì sức mạnh sẽ mạnh mẽ, người mạnh kéo trước, kéo quí vị đọa ba đường ác. Đức Phật nói những lời này đích thực là rất có lý.