/ 3
1.187

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Sớ Sao Tinh Hoa

Tập 3

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: Tháng 12 năm 1993

Địa điểm: Hiệp Tiến Đoàn - Đài Nam

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng tu! Xin mở kinh bổn ra trang thứ 17, bắt đầu xem từ đoạn thứ 60!

“Niệm hóa Phật, thiện căn phát tướng giả, ư niệm Phật tam muội trung, hốt nhiên ức Phật tu lục độ vạn hạnh, thành tam thập nhị tướng, thân hữu hảo quang, tâm hữu trí tuệ, thuyết pháp lợi sanh hàng phục ma oán. Tác thị niệm thời, sanh tâm kính ái, khai phát tam muội, tăng tiến hạnh Phật, hoặc ư định trung, kiến Phật thân tướng, tâm tịnh tín giải, hoặc ư mộng trung văn Phật thuyết pháp, giác ngộ Phật tâm”.

 Trong đoạn này, nói rõ chúng ta niệm ứng hóa thân của Phật, giống như Phật Thích Ca Mâu Ni, ba ngàn năm trước tại thế gian chúng ta thị hiện thành Phật, thân tướng này thuộc về ứng thân, thông thường trong Phật Pháp nói trượng lục kim thân, 32 tướng 80 vẻ đẹp đều là chỉ cho ứng hóa thân của Phật. Báo thân của Phật vô cùng trang nghiêm, vô cùng cao lớn, chúng ta không thể nào quán tưởng được, cho nên tượng Phật trong quan niệm của chúng ta, dường như đều là tượng Phật của ứng hóa thân. Niệm Phật tượng này niệm đến lúc công phu sâu, thiện căn của bản thân tự nhiên sẽ phát khởi, thiện căn phát hiện có những điều gì vậy? Trong đoạn văn này đã nói cho chúng ta rồi, có ba hiện tượng thiện căn, tức là ba loại hiện tượng thiện căn phát khởi.

Loại thứ nhất, trong lúc chúng ta đang niệm Phật hoàn toàn không cố ý để nghĩ, vô ý, bỗng nhiên dường như trong lúc đang niệm Phật, Phật tu hành chứng quả hóa độ chúng sanh, các loại tướng tốt trang nghiêm, trong tâm rõ ràng sáng suốt, đây là tướng tốt niệm Phật thiện căn hiện tiền. Ngoài ra một loại khác là ở trong định, lúc chúng ta niệm Phật tĩnh tọa. Chúng ta không nhập định giống như Thiền tông, như lúc chúng ta tu Phật thất chỉ tĩnh vậy, lúc này danh hiệu Phật dừng lại, thân tâm thanh tịnh, bỗng nhiên thấy Phật tượng hiện tiền. Đây cũng là một loại hiện tượng thiện căn niệm Phật. Loại thứ ba là trong mộng, trong mộng mộng thấy Phật, hoặc là mộng thấy Phật giảng kinh thuyết pháp, hoặc là mộng thấy Phật xoa đảnh thọ ký, đây đều là tướng tốt. Giống như những hiện tượng này, chư vị nên nhớ, thời gian cũng không phải rất dài, đều rất ngắn ngủi. Giả sử như thời gian rất dài, đó không phải là tướng tốt, e là ma biến hiện ra để mê hoặc quí vị. Điều này chúng ta nên phải biết. Cho dù là những tướng thù thắng này hiện tiền, không nên sanh tâm hoan hỷ. Vì sao vậy? Đây là điều rất bình thường chẳng có gì ghê gớm cả. Hơn nữa công phu hoàn toàn không phải rất sâu, cho nên nói thấy như không thấy, đây chính là tướng tốt. Từ đây chúng ta sanh tín tâm, đã được chứng minh, làm cho công phu niệm Phật không ngừng được nâng cao. Vậy là đúng rồi, là chính xác rồi.

Lật tiếp xem đến trang 18, điều thứ 61.

“Nghiệp chướng phát tướng, diệc khai tứ chủng”, chúng ta niệm Phật tu hành luôn luôn có nghiệp chướng hiện tiền, nghiệp chướng này rất nhiều, rất nhiều loại. Đại sư ở đây đem nó quy nạp thành bốn loại lớn.

Thứ nhất là “hôn trầm mê muội, nghiệp chướng phát tướng, vị niệm Phật thời, tức tiện hôn thụy, trầm ám trừng mông, vô sở ký biệt, linh chư thiền quán, bất đắc khai phát”. Hiện tượng này chúng ta thường nhìn thấy, đặc biệt lúc cùng nhau tu học. Đài Loan có rất nhiều đạo tràng, phong trào tu Phật thất rất thịnh. Phật thất sau khi nhiễu Phật trở về chỗ ngồi xong, mọi người ngồi xuống chỉ tĩnh, vừa chỉ tĩnh như vậy, chúng ta thường nghe có người ngủ, ngáy rồi. Ngủ ngon ngáy rồi chính là hiện tượng thứ nhất này vậy, nghiệp chướng phát hiện rồi. Thậm chí còn có người lúc đang nhiễu Phật, cứ đi cứ đi như vậy trên thực tế họ đã ngủ rồi, chẳng qua họ cũng rất khá, họ ngủ mà họ vẫn có thể đi theo, những hiện tượng này tôi đều đã nhìn thấy, cho nên tôi hiểu được. Đây là hiện tượng của nghiệp chướng, vậy nên phải đặc biệt lưu ý, coi bản thân có hay không. Bản thân nếu như có, nhất định phải nghĩ cách để khắc phục vậy mới được, không thể để cho hiện tượng này trong thời gian dài trở ngại bản thân niệm Phật. Chúng ta niệm Phật cũng là thiền quán, thiền quán bao gồm cả niệm Phật. Bởi vì chúng ta niệm rất rõ ràng, chữ chữ rành mạch, tâm địa thanh tịnh, chân thành cung kính. Đây là quán, rõ ràng là quán. Tất cả vọng niệm không sanh đó chính là định, chính là thiền định.

/ 3