/ 3
2.034

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Sớ Sao Tinh Hoa

Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: Tháng 12 năm 1993

Địa điểm: Đài Nam – Hiệp Tiến Đoàn


Chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đồng tu!

Hôm nay Tịnh Không có được nhân duyên thù thắng, đến Đài Nam tham học, quý hóa hơn nữa là Đài Nam Tịnh Tông Học Hội và bên trường học, cùng nhau hỗ trợ thành tựu pháp hội thù thắng lần này. Đây là điều chúng tôi cảm kích tự đáy lòng.

Lần này tôi muốn báo cáo với quí vị một chương trong Kinh Lăng Nghiêm: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương. Chư vị đều có được tập sách nhỏ này rồi. Nội dung trong tập sách nhỏ này, là Sớ Sao của pháp sư Quán Đảnh thời đại Tiền Thanh Càn Long, chính là Sớ Sao của Niệm Phật Viên Thông Chương. Nội dung của Sớ Sao này rất phong phú. Nếu như y theo Sớ Sao mà giới thiệu, ít nhất phải giảng một tháng. Hiện nay bất luận tại trong nước hay hải ngoại đặc biệt mọi người đều vô cùng bận rộn, nói là tranh thủ từng phút từng giây, rất khó có được thời gian dài để cùng nhau thảo luận Phật Pháp. Khóa giảng thông thường ba ngày đến năm ngày là được hoan nghênh nhất. Ở nước ngoài đặc biệt là khóa giảng ba ngày, là được hoan nghênh nhất. Một tuần lễ trở lên, người có thể đến tham gia sẽ vô cùng ít ỏi. Từ xu thế này mà quan sát, thế kỷ sau, chúng ta nếu như muốn hoằng dương Phật pháp trên toàn thế giới, nhất định phải biết rõ hoàn cảnh. Đó chính là phải đơn giản tóm tắt, cũng phải giảng rõ ràng mới có thể được quảng đại quần chúng tiếp thu. Vì vậy chúng tôi liền nghĩ đến phương thức trích lục tinh hoa. Tuy là thời gian ngắn, vẫn có thể đem phần tinh hoa của bộ Sớ Sao này đều giới thiệu ra hết. Quyển sách nhỏ này là năm nay tôi ở Gia Châu đọc Sớ Sao mà trích lục ra, tổng cộng trích lục ra có 80 điều. Thực sự mà nói, nội dung của mỗi điều đều vô cùng đặc sắc, thời gian báo cáo thật sự e là không đủ, có một số điều đặc biệt quan trọng chúng tôi giảng giải thêm. Có một số điểm rất dễ dàng đọc hiểu được, chúng tôi đọc qua là được rồi. Mọi người muốn thâm nhập thì có Sớ Sao đó, quyển sách Sớ Sao này chúng tôi in ra rất nhiều, trong Tịnh Tông Học Hội đều có. Băng ghi âm Sớ Sao có đĩa hoàn chỉnh. Ngày xưa Sớ Sao chúng tôi cũng từng hoàn chỉnh giảng qua mấy lần. Như vậy cũng phải thời gian tương đối dài, cũng có thể cung cấp cho chư vị đồng tu làm tham khảo.

Bây giờ chúng tôi mời mở phần tinh hoa này ra trang thứ nhất. Đoạn mở đầu của trang thứ nhất là giới thiệu kinh đề.

“Lăng nghiêm giả nhất thiết sự cứu cánh kiên cố dã”. Lăng Nghiêm gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Người Trung Quốc thích đơn giản, thường tỉnh lược bớt phần đầu và phần cuối, nên chúng ta gọi là Lăng Nghiêm, trên thực tế là Thủ Lăng Nghiêm. Danh từ này là Phạn ngữ Ấn Độ, âm dịch của Phạn văn. Ý nghĩa của nó là tất cả sự rốt ráo kiên cố. Câu này rất khó hiểu. Bởi vì tất cả sự vật trong kinh nghiệm của chúng ta, trong cảm nhận của chúng ta đều không phải là kiên cố, đều là vô thường. Động vật có sanh lão bệnh tử, thực vật có sanh trụ dị diệt, khoáng vật có thành trụ hoại không, làm gì có kiên cố. Vì thế sự kiên cố này sẽ rất khó hiểu. Mà Phật nói cho chúng ta nhất thiết pháp cứu cánh kiên cố là thật tướng, là chân thật. Chúng ta ngày nay nhìn thấy vạn pháp vô thường là huyễn tướng, không phải là chân tướng, thuộc về giả tướng. Thực sự ở trong kinh luận Phật đem những nguyên lý này nói cho chúng ta rồi. Vì sao chúng ta nhìn tất cả vạn pháp là vô thường, là sanh diệt. Sanh diệt chính là vô thường. Bởi vì tâm chúng ta quán sát sự vật là tâm sanh diệt. Tâm chúng ta, ý niệm này, một niệm khởi một niệm diệt, tâm này gọi là tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt là vọng tâm, không phải là chân tâm. Chân tâm không có sanh diệt. Nói cách khác, chân tâm không có niệm. Có niệm đều gọi là vọng niệm. Không có niệm đó gọi là chánh niệm. Chánh niệm là vô niệm. Vô niệm nếu như chúng ta niệm gì cũng không có, vậy phải chăng chân tâm đã hiển lộ rồi. Phật nói không phải. Bộ kinh này trong Phật Giáo là thuộc về một bộ đại kinh khai trí tuệ. Cổ nhân thường nói, trong tất cả các kinh, Lăng Nghiêm khai trí tuệ, Pháp Hoa thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa nói lý sự thành Phật thấu triệt nhất. Trong Kinh Lăng Nghiêm chuyên giảng về khai trí tuệ, chính là nói cho chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sinh là không sanh không diệt. Không sanh không diệt này chính là cứu cánh kiên cố, đây chính là điều trong bộ kinh này chủ yếu muốn bàn đến.

/ 3