/ 57
429

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 21

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1503


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài kệ tụng thứ ba.


(Kinh) Thê tử tập hội, đương nguyện chúng sanh, oán thân bình đẳng, vĩnh ly tham trước.

(經)妻子集會。當願眾生。怨親平等。永離貪著。

(Kinh: Vợ con nhóm họp, nguyện cho chúng sanh, oán thân bình đẳng, mãi lìa tham chấp).


Bồ Tát tại gia có tất cả mười một nguyện, cũng là mười một bài kệ trong kinh văn. Nguyện thứ nhất mong chúng ta “tri gia tánh Không” (biết tánh của nhà là Không), tức là liễu giải chân tướng sự thật, chẳng đến nỗi mê đắm gia đình. Chuyện này hết sức trọng yếu! Có cần “gia” (gia đình) hay không? Cần thiết, nhưng chớ nên mê! Đối với chuyện hôn nhân, thuở tôi còn trẻ, bốn mươi mấy tuổi, giảng kinh ở Đài Bắc, tại Đài Trung có một vị đồng học đã lâu nghe tôi giảng kinh cũng đã mấy năm. Có một hôm, viết thư cho tôi, [cho biết] ông ta quen biết một cô gái tại Đài Trung, tính kết hôn, hỏi tôi có nên hay không? Ông ta cũng là một Phật giáo đồ rất kiền thành. Tôi nhận được phong thư ấy, gởi bưu thiếp cho ông ta, chỉ viết một chữ, [tức là chữ] Hôn (婚), gởi cho ông ta. Sau khi nhận được, ông ta chẳng kết hôn. Ông ta chỉ hiểu ý tôi một nửa, chẳng hoàn chỉnh. Chữ Hôn (婚) ấy là gì? Do nó gồm chữ Nữ (女) và chữ Hôn (昏) [ghép lại], [ông ta bèn nghĩ tôi có ý nói] “trông thấy nữ nhân, đầu óc tối tăm”, chẳng phải là ý nghĩa ấy hay sao? Ông ta hiểu ý nghĩa theo kiểu ấy; vì thế, chẳng kết hôn, suốt đời cũng chẳng kết hôn. Hiện thời, ông ta chắc cũng đã bảy mươi mấy tuổi, nhỏ hơn tôi mấy tuổi.

Văn tự chữ Hán là phù hiệu trí huệ, khiến cho quý vị trông thấy những chữ ấy liền lãnh hội ý nghĩa. Đấy có phải là bảo quý vị đừng kết hôn hay không? Chẳng phải vậy, mà chính là bảo quý vị cứ lấy vợ gả chồng, nhưng đừng hôn ám! Đó là đúng. Nam nữ có thể kết hôn, nhưng quý vị chẳng mê, đầu óc vĩnh viễn sáng suốt, tỉnh táo; đó là lý trí, chẳng phải là cảm tình. Đấy là đúng, đấy mới là lãnh hội hoàn chỉnh ý nghĩa. Vị cư sĩ ấy chỉ lãnh hội một nửa, nhưng vẫn là khá lắm, vẫn có thể hiểu ý nghĩa của chữ này. Biết “tánh của nhà là Không”, quan trọng lắm!

Thứ hai, trong gia đình, điều quan trọng nhất là hiếu đạo. Trong phần trước, tôi đã thưa bày cùng chư vị: Phật pháp là sư đạo, sư đạo nhất định lấy hiếu đạo làm cơ sở. Ở trong nhà bất hiếu với cha mẹ, làm sao có thể tôn trọng thầy cho được? Quý vị thấy “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, Tịnh Nghiệp Tam Phước không chỉ là nguyên tắc chỉ đạo tu học cao nhất cho các đồng học Tịnh Tông, mà là toàn thể Phật pháp. Bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển giáo, Mật giáo, nó (Tịnh Nghiệp Tam Phước) đều là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói ba câu, câu đầu tiên là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Đó là điều đầu tiên. Điều này là gì? Điều này chính là “thế gian thiện”, [hay còn gọi tắt] là “thế thiện”, làm người tốt, làm thiện nhân trong thế gian. Hiếu đứng đầu trăm điều thiện!

Vào thời cổ, quốc gia tuyển chọn, đề bạt nhân tài, nay chúng ta nói là “bồi huấn cán bộ” (bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ). Quốc gia cần rất nhiều người quản lý, [vì thế phải] bồi dưỡng những cán bộ quốc gia thuộc các tầng lớp. Tiêu chuẩn để tuyển chọn, đề bạt là gì? Chính là hai chữ “hiếu liêm”. Ai tuyển lựa, đề bạt? Người lãnh đạo thuộc chánh phủ trung ương, trước kia là hoàng thượng. Hoàng thượng ủy thác chuyện này cho quan viên địa phương; hiện thời nói là huyện thị trưởng, trước kia là huyện lệnh (縣令, quan huyện). Vì thế, họ thường cải trang, ngấm ngầm nghe ngóng, [tức là] chẳng mặc quan phục, mà mặc y phục thông thường để đi ra ngoài nghe ngóng. Nghe ngóng xem trẻ con nhà nào hiếu thuận cha mẹ. Biết hiếu thuận với cha mẹ, nó sẽ trung thành với quốc gia; hễ liêm khiết, nó sẽ chẳng tham ô. Quý vị thấy từ trước tới nay, từ đời Hán, Trung Hoa đã thành lập chế độ này, mãi cho đến đời Thanh đều chẳng thay đổi. Tuy có những kẻ [làm quan] tham ô, hủ bại, nhưng chẳng nhiều cho lắm, rốt cuộc vẫn là thiểu số. Từ lịch sử, chúng ta thấy những người thật sự vì nước, vì dân rất nhiều. Vì thế, hai điều Hiếu và Liêm chính là căn cội.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57