504

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 20

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1501

 

  Chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống, xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một. Xem từ bài kệ tụng thứ nhất.

 

   (Kinh) Phật tử! Bồ Tát tại gia, đương nguyện chúng sanh, tri gia tánh Không, miễn kỳ bức bách.

  (經)子。菩薩在家。當願眾生。知家性空。免其逼迫。

  (Kinh: Này Phật tử! Bồ Tát ở nhà, nguyện cho chúng sanh, biết nhà tánh Không, khỏi bị bức bách).

 

  Trong một trăm bốn mươi mốt bài kệ ấy, mỗi bài là một đại nguyện. Mười một bài đầu nói về người học Phật tại gia. Các đồng học tại gia học Phật chiếm tuyệt đối đại đa số. Phật, Bồ Tát ứng hóa trên thế gian, đối tượng giáo hóa chủ yếu là tại gia Bồ Tát. Số lượng xuất gia Bồ Tát ít ỏi. Đó là “tục Phật huệ mạng” (nối tiếp huệ mạng của Phật), truyền thừa Phật pháp trải các đời phải cậy vào họ. Vì thế, họ là khuôn mẫu cho trời, người; đúng là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hành vi làm khuôn mẫu cho cõi đời). Họ có thân phận là thầy, hàng tại gia Bồ Tát đều là học trò. Chúng ta có thể nhìn theo kiểu này: Xuất gia là người chuyên môn đảm nhiệm, họ có chức trách dạy học, suốt đời tiến hành công tác giáo dục. Tại gia Bồ Tát học tập tốt đẹp, có đức hạnh, có học vấn, cũng có thể kiêm nhiệm công tác hoằng pháp lợi sanh.

  Thuở đức Phật tại thế, đã có một khuôn mẫu rất tốt về chuyện này: Cư sĩ Duy Ma là tại gia Bồ Tát, Ngài cũng là cổ Phật tái lai. Trên thực tế, hoằng truyền Phật pháp thì tại gia hay xuất gia chẳng khác gì nhau. Vì thế, hai vị Phật đồng thời xuất hiện trên thế gian. Thích Ca Thế Tôn là xuất gia Phật, cư sĩ Duy Ma là tại gia Phật. Phàm nhân trong thế gian chẳng hiểu rõ cho lắm, nhưng những người học Phật đều hiểu rất rõ ràng, đều hiểu rất minh bạch. Cư sĩ Duy Ma giảng kinh, thuyết pháp, giáo học, các đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni Phật như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, tôn giả Ca Diếp, A Nan v.v… mọi người rất quen thuộc những vị ấy. Các Ngài nghe cư sĩ Duy Ma giảng kinh, giữ lễ tiết hoàn toàn giống như thấy Phật. Cũng là đảnh lễ tam bái, nhiễu theo chiều bên phải ba vòng, cung kính nghe thầy dạy học. Phật pháp là sư đạo; trong giáo học, thầy có địa vị cao nhất. Tuy Ngài (cư sĩ Duy Ma) mang thân phận tại gia cư sĩ, khi Ngài thăng tòa, chính là thay Phật thuyết pháp, chẳng khác đức Phật. Vì thế, những vị đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn, thân phận đều là đại A La Hán, thấy cư sĩ Duy Ma chẳng khác gì thấy đức Phật.

  Phật pháp phải cầu từ cung kính. Căn bản của Phật pháp được kiến lập trên cơ sở hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy. Chúng ta chớ nên không biết điều này. Nhìn từ kệ tụng, bài thứ nhất là tổng thuyết: Tại gia phải nên dùng tâm thái như thế nào để học tập. Câu thứ hai là “hiếu sự phụ mẫu” (phụng sự cha mẹ với lòng hiếu thảo). Hiếu đạo được xếp hàng đầu. Hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy, chẳng khác gì nền giáo học truyền thống, giáo học luân lý đạo đức năm ngàn năm của Trung Hoa. Từ đoạn này, chúng ta đều có thể nhìn thấy [những điều ấy]. Trong Ngũ Luân, quan trọng nhất là “phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt” (cha con có tình thân, vợ chồng có trách nhiệm khác biệt). Vì thế, bài kệ thứ ba là “thê tử tập hội” (vợ con tụ hội). Nền giáo dục Ngũ Luân truyền thống của Trung Hoa hoàn toàn được bao gồm trong ấy.

  Kinh này từ Ấn Độ truyền sang. Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ một ngàn năm, Phật giáo truyền đến Trung Hoa. Vào thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật và cổ thánh tiên hiền chưa hề gặp gỡ, cũng chẳng hề trao đổi tin tức, nhưng những gì các Ngài thấy, nghe, học tập, dạy bảo, nghiễm nhiên hoàn toàn tương đồng. Đấy chính là như ngạn ngữ Trung Hoa thường nói: “Anh hùng sở kiến đại lược tương đồng” (Nói chung, anh hùng có cách nhìn giống nhau), các Ngài hoàn toàn [có cách nhìn] giống nhau. “Anh hùng”, người nào là anh hùng? Có trí huệ và kiến thức vượt trỗi người bình phàm. Chuyện người bình phàm chẳng làm được, người ấy có thể làm được, người ấy được gọi là “anh hùng”. Thích Ca Mâu Ni Phật là anh hùng; vì thế, người đời sau dựng chùa miếu thờ phụng Thích Ca Mâu Ni Phật, chỗ [thờ phụng] tạc tượng Ngài được gọi là “Đại Hùng bảo điện” (大雄寶殿). Chư vị phải biết Đại Hùng chính là đại anh hùng. Gọi [chỗ thờ Phật] là “điện báu của bậc đại anh hùng” nhằm ca ngợi Thích Ca Mâu Ni Phật. Quý vị thấy đại điện thờ phụng Khổng Tử ở Trung Hoa được gọi là Đại Thành Điện (大成殿), tức là điện đường cư trụ của bậc có thành tựu to tát, [Đại Thành nghĩa là] đại thành tựu. “Đại thành tựu” có cùng ý nghĩa với “đại anh hùng”. Chúng ta phải hiểu, phải có thể lý giải những danh từ, thuật ngữ này.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net