/ 57
389

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 18

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1497


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ ba trong phần chú giải của Thanh Lương đại sư, “nguyện sở vi cảnh thành lợi ích” (願所為境成利益, các lợi ích được tạo thành từ các cảnh để thực hiện nguyện). [Xin xem] câu thứ tám trong phần Biệt Hiển. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt.


(Sớ) Nguyện ư tha xả chúng tụ pháp, thành Nhất Thiết Trí, tắc tự thành tựu Như Lai thập chủng trí lực.

(疏)願於他捨眾聚法成一切智,則自成就如來十種智力。

(Sớ: Nguyện cho người khác bỏ các tụ pháp, thành Nhất Thiết Trí, nên chính mình thành tựu mười thứ trí lực của Như Lai).


Ba chữ “nguyện ư tha” (nguyện cho người khác) ở đằng trước [câu Sớ trên đây] chính là câu “đương nguyện chúng sanh” (nguyện cho chúng sanh) trong một trăm bốn mươi mốt nguyện. Câu thứ hai trong mỗi nguyện hoàn toàn giống nhau, [tức là câu] “đương nguyện chúng sanh”. Cảnh giới [của mỗi nguyện đều] là hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới. Đấy là “nguyện ư tha”. Bỏ các tụ pháp thì mới có thể thành Nhất Thiết Trí, Nhất Thiết Trí là nói đến điều gì? Đây là kiến thức thông thường trong Phật học, chúng ta nhất định phải hiểu minh bạch, hiểu rõ ràng. Trong chữ Phật, bao hàm ba loại trí và ba loại giác. Vì thế, chữ Phật chẳng dễ phiên dịch, chỉ đành dùng cách phiên âm. Đây là [từ ngữ thuộc loại] “do chứa đựng nhiều nghĩa, nên không dịch”. Nếu chúng ta dịch thành Trí, hoặc dịch thành Giác, cố nhiên là không sai, nhưng chữ Trí trong tiếng Hán chẳng có ý nghĩa ấy, chẳng có ba loại ý nghĩa ấy. Chữ Giác trong tiếng Hán cũng chẳng có ba loại ý nghĩa ấy. Vì thế, chẳng thể không dùng cách phiên âm. Ba thứ trí là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. Trong chữ Phật Đà có ba loại trí ấy. Ba thứ giác là tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn. Trí và Giác trong tiếng Hán đều chẳng có ba ý nghĩa ấy!

Nhất Thiết Trí là biết bản thể của các pháp. Phật pháp nói đến Tổng Tướng, Tổng Tướng là gì? Tổng Tướng là Không. Vì vậy, “thành Nhất Thiết Trí” là biết hết thảy các pháp rốt ráo đều là Không. Trong Phật môn thường nói “vạn pháp giai Không” (muôn pháp đều là Không), chữ Vạn này chẳng phải là một con số, mà Vạn là “hết thảy các pháp”. Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian “Tướng có, Thể không, Sự có, Lý không”. Kinh Bát Nhã đã giảng đạo lý này hết sức thấu triệt! Tổng kết của kinh Bát Nhã là như trong kinh Kim Cang đã nói rất hay. Người Hoa rất quen thuộc kinh này, bất luận học Phật hay không học Phật, người đọc sách xưa kia, chẳng có ai nói “tôi chưa từng đọc kinh Kim Cang”. [Nếu có], những người như vậy rất ít! Người đọc sách tối thiểu là trong đời này cũng đã đọc mấy thiên! Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, đấy là Nhất Thiết Trí. Sau đấy, [trong phần sau của kinh Kim Cang] có bốn câu kệ hết sức nổi tiếng; đấy cũng là tổng kết của kinh Bát Nhã: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như vậy). Đấy là những điều đức Phật dạy bảo hàng Bồ Tát. Pháp hữu vi là pháp có sanh, có diệt. Chư vị hãy ngẫm xem, có pháp nào chẳng sanh diệt? Nay chúng ta nói đến động vật, động vật có sanh, lão, bệnh, tử. [Nói đến] thực vật thì thực vật có sanh, trụ, dị, diệt. Núi, sông, đại địa cũng có thành, trụ, hoại, không. Hiện thời, tri thức của chúng ta về vấn đề này càng phong phú. Từ viễn vọng kính của thiên văn, ta thấy các tinh cầu trong vũ trụ xác thực là có sanh diệt. Diệt thì quá nửa là bùng nổ. Trông thấy một luồng chớp sáng lòa; sau đấy, chẳng còn nữa! Ngôi sao ấy chẳng còn nữa. Sao sanh ra, tức tinh cầu mới [xuất hiện], vốn nơi ấy chẳng có, đột nhiên phát hiện. Có một luồng ánh sáng, quan sát cẩn thận, sẽ thấy có ngôi sao mới xuất hiện, chứng tỏ thế giới “thành, trụ, hoại, không” như đức Phật đã dạy trong kinh. Những thứ ấy thảy đều là vô thường, đều là pháp hữu vi! Tất cả các hiện tượng tự nhiên đều chẳng vĩnh hằng, đều biến hóa trong từng sát-na. Đấy là pháp hữu vi.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57