279

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 17

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1495

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một. Chúng ta xem tiếp lời Sớ của Thanh Lương đại sư từ phần trước, tức phần Biệt Khai Nghĩa Loại (別開義類, phân loại theo từng nghĩa lý riêng biệt). Phần này có “tam sự” (ba sự), thứ nhất là “nguyện sở y sự” (sự để nguyện nương vào [mà phát khởi]), thứ hai là “nguyện sở vi cảnh” (cảnh để thực hiện nguyện). Trong phần trước, tôi đã nói về “nguyện sở vi cảnh”, hôm nay, chúng ta xem tiếp đoạn văn ấy.

 

  (Sớ) Nhị, nguyện sở vi cảnh, kỳ nhất nhất nguyện, tận cai pháp giới nhất thiết hữu tình, bất đồng Quyền Tiểu, đàm hữu tàng vô cố. Hựu nguyện tức hạnh, thành hồi hướng cố, nhất nhất giai thành sở hành thanh tịnh thiện nghiệp hạnh cố, như vân “tri gia tánh Không”, tắc Bồ Tát chi tâm, tất nghệ Không hỹ.

  (疏)二願所為境,其一一願,盡該法界一切有情,不同權小,談有藏無故,又願即行,成迴向故,一一皆成所行清淨善業行故,如云知家性空,則菩薩之心,必詣空矣。

  (Sớ: Hai là “cảnh để thực hiện nguyện”. Mỗi một nguyện đều bao trùm trọn vẹn hết thảy hữu tình trong pháp giới, chẳng giống như Quyền Giáo, Tiểu Thừa, tuy nói là có, vẫn ẩn chứa cái không. Lại nữa, nguyện chính là hạnh, vì thành tựu hồi hướng, nên mỗi một [nguyện] đều thành tựu thiện nghiệp hạnh thanh tịnh đã hành. Như nói “biết nhà tánh Không” chính là tâm của Bồ Tát ắt hướng đến Không vậy).

 

  Đoạn khai thị này do Thanh Lương đại sư nói ra. “Nguyện sở vi cảnh” (cảnh để thực hiện nguyện) có nghĩa phẩm kinh này có tất cả một trăm bốn mươi mốt nguyện, cảnh giới của mỗi nguyện đều là trọn khắp pháp giới hư không giới. Từ chỗ này, chúng ta mới biết: Vì sao đức Phật phải nói “Bồ Tát chẳng tu hạnh Phổ Hiền, không thể viên thành Phật đạo”? Từ chỗ này, chúng ta bèn hiểu rõ. Phổ Hiền Hạnh và Đại Thừa Bồ Tát hạnh khác nhau ở chỗ nào? Ở chỗ tâm lượng khác nhau! Đại Thừa Bồ Tát vẫn chẳng có tâm lượng to ngần ấy, tâm lượng của Phổ Hiền Bồ Tát là trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, hết thảy cảnh duyên, khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sanh khắp pháp giới hư không giới, đấy là cảnh giới để Ngài duyên vào. Tâm lượng ấy bằng với hư không pháp giới, do tự tánh viên mãn lưu lộ. Chỗ này hết sức đáng cho chúng ta học tập theo. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng, thật sự có thể lìa hết thảy khổ, được hết thảy vui. Hết thảy nỗi khổ thế gian và xuất thế gian đều là do tâm lượng quá nhỏ, phải mở rộng tâm lượng. Vì thế, chẳng giống với Quyền Giáo và Tiểu Thừa, “đàm hữu tàng vô” (tuy nói là có, vẫn ẩn chứa cái không)[1], nói chung là chẳng thể trọn khắp pháp giới hư không giới!

  Tiếp đó, [đại sư] lại nói: Nguyện chính là hạnh, hạnh chính là nguyện, nên thành tựu hồi hướng. Đối với hồi hướng, trong phần trước đã có nói hồi hướng ba chỗ. [Thứ nhất là] mỗi nguyện, mỗi hạnh đều thành tựu “hồi hướng Thật Tế”. Thật Tế (實際) là tự tánh, là Pháp Tánh. Nói cách khác, tương ứng viên mãn với Pháp Tánh. Pháp Tánh là gì? Chớ nên không biết điều này. Hễ biết, quý vị sẽ kiến tánh, sẽ thành Phật. Chớ nên không biết, nhưng chúng ta cũng rất khó hiểu rõ. Bậc Bồ Tát kiến tánh có thể liễu giải, chứ chúng ta chưa kiến tánh, chỉ có một khái niệm mơ hồ. Nhưng nó có một nguyên tắc mà chúng ta có thể lãnh hội, đó là “thuần tịnh, thuần thiện, lìa hết thảy tướng”. Lìa hết thảy tướng, chúng ta nắm giữ một cương lãnh, “lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước” là được rồi. Trong ấy, chắc chắn chẳng có chấp trước, chẳng có phân biệt, chẳng có khởi tâm động niệm. Đấy là tương ứng với tự tánh.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net