/ 128
612

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 123


Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Ở đây có ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất, người hỏi vấn đề này không viết tên, người này hỏi về pháp môn Bổn Nguyện. Tôi xin đọc: “Trước mắt ở khu Triều Dương của Bắc Kinh, đa số mọi người đều đang tu pháp môn Bổn Nguyện, đồng thời nói niệm Phật nhất định phải niệm sáu chữ thì mới có thể vãng sanh, niệm bốn chữ không được. Hơn nữa pháp môn Bổn Nguyện là dựa vào tha lực, không phải dựa vào tự lực. Cách tu như vậy có phải là như pháp hay không?”. Pháp môn Bổn Nguyện là do người Nhật Bản đề xướng, ở Đài Loan cũng rất thịnh hành. Pháp môn này không phải do người cận đại phát minh, cổ Đại đức cũng dựa vào nguyện thứ 18 là đại nguyện căn bản chuyên tu chuyên hoằng của Kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta đã đọc Kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều lần. Tôi cũng đã giảng 11 lần rồi. Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều bao gồm 47 nguyện còn lại, nguyện nguyện đều như vậy, quyết không phải là mỗi nguyện đều độc lập nhau. Điểm này các vị đồng tu nhất định phải nên biết. Trong mỗi một nguyện đều hàm nhiếp viên mãn 47 nguyện kia, cho nên mới gọi là bổn nguyện. Nhất định không phải là chỉ có nguyện thứ 18, còn những nguyện khác thì không cần. Nếu chỉ có nguyện thứ 18 những nguyện khác đều không cần thì e rằng không thể vãng sanh. Nguyên nhân là gì? Nguyện thứ 18 là chuyên niệm, không có nói phát Bồ-đề tâm. Nguyện thứ 19 là phát Bồ-đề tâm. Bạn hãy xem trong tam bối vãng sanh nói với chúng ta: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” thì mới có thể vãng sanh. Nếu không phát Bồ-đề tâm mà nhất tâm chuyên niệm thì không thể vãng sanh. Nếu nói nhất định phải niệm sáu chữ, niệm bốn chữ không được thì những lời này không đáng tin. Vì sao vậy? Tổ sư đời thứ tám của Tịnh Độ tông Trung Quốc là Liên Trì Đại sư. Không những là Tịnh Tông chúng ta mà Tông Môn hay Giáo Hạ khi nhắc đến Đại sư Liên Trì thì ai mà không tôn kính. Đại sư Liên Trì niệm Phật là niệm bốn chữ. Có người thỉnh giáo với Đại sư, hỏi khi Ngài dạy người ta niệm Phật thì dùng cách niệm như thế nào? Ngài nói: “Tôi dạy người ta niệm Phật là niệm sáu chữ.” Vậy Đại sư tự mình niệm thì niệm như thế nào? Ngài nói “Tôi tự mình niệm thì chỉ niệm bốn chữ”. Vì sao vậy? Ngài nói: “Tôi đời này phải quyết cầu sanh Tịnh Độ”. Bởi vì trong kinh điển nói chấp trì danh hiệu, mà danh hiệu này chỉ có bốn chữ. “A Di Đà Phật” là danh hiệu. “Nam mô” nghĩa là quy y, nghĩa là cung kính, là lời nói khách sáo. Tôi quyết định phải cầu vãng sanh nên những lời khách sáo xin được miễn hết. Vậy vì sao Ngài dạy người ta niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc có tâm muốn cầu vãng sanh, nên thêm một sự quy y, thêm một sự cung kính, tốt, kết pháp duyên với A Di Đà Phật, là ý như vậy. Việc này chứng tỏ, nếu bạn chân thật hạ quyết tâm, cuộc đời này nhất định phải đi thì những lời khách sáo đều không cần phải nói nữa. Bốn chữ này là chấp trì danh hiệu, trên danh hiệu không có thêm hai chữ “Nam mô”. Cái ý nghĩa này nhất định phải hiểu. Cho nên nói sáu chữ mới có thể vãng sanh còn bốn chữ thì không được, vậy câu nói này là hoàn toàn sai rồi. Trên thực tế sáu chữ có thể vãng sanh vậy thì bốn chữ càng có thể vãng sanh hơn. Nếu bạn hỏi nguyên nhân vì sao thì Liên Trì Đại sư nói đến lúc lâm chung càng đơn giản sẽ càng hiệu quả. Niệm bốn chữ thì đơn giản hơn là niệm sáu chữ. Mấu chốt của việc vãng sanh là ở một hơi thở cuối cùng, niệm sau cùng là A Di Đà Phật thì người này nhất định được vãng sanh. Một niệm sau cùng nếu để luống qua thì cuộc đời này uổng phí rồi, đành phải đợi cơ hội lần sau. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Kinh không thể không đọc, không thể không giải (hiểu), không những phải giải, bạn xem Phật trong kinh Đại Thừa thường nói với chúng ta phải “thâm giải nghĩa thú”, phải giải được sâu, phải giải được thấu triệt thì nghi hoặc của bạn liền đoạn ngay, đoạn nghi sanh tín, như vậy mới có thể vãng sanh. Tịnh Tông dựa vào tha lực nhưng cũng phải dựa vào tự lực, không phải là hoàn toàn dựa vào tha lực. Nếu hoàn toàn dựa vào tha lực thì câu Phật hiệu cũng đâu cần phải niệm. Chúng ta niệm câu Phật hiệu này là tự lực. Tự mình phát nguyện tu học như lý như Pháp, đây là dựa vào tự lực. Tự lực của chúng ta không có năng lực đoạn phiền não, đây là thật, nhưng tự lực thì nhất định phải điều phục phiền não. Cái gì là phiền não? Nghi hoặc chính là phiền não. Chúng ta thường nói tự tư tự lợi, tham sân si mạn, danh văn lợi dưỡng, đây đều là phiền não. Chúng ta dùng câu Phật hiệu này để chế phục phiền não. Phiền não đích thực là chưa đoạn, nhưng công phu này có thể chế phục được, nó không khởi tác dụng, không khởi hiện hành. Như vậy thì lúc lâm chung mới có thể khởi được tác dụng cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật, để Phật đến tiếp dẫn. Đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Cho nên kinh luận không thể không học tập. Ý nghĩa của bổn nguyện phải hiểu cho rõ ràng.

/ 128