/ 128
1.158

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 87


Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mời các bạn xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 79:

Vấn loạn quy mô, dĩ bại nhân công. Tổn nhân khí vật, dĩ cùng nhân dụng.” (Làm loạn phép tắc khiến công sức của người khác bị thất bại. Phá hoại vật dụng của người khác khiến họ chẳng sử dụng được).

Chúng ta xem bốn câu này. Đây là việc rất thất đức, thế nhưng chúng ta vô tri vô giác rất dễ phạm phải. Chữ “quy mô” có nghĩa là quy chế và quy định mà ngày nay thường nói. Có câu “gia có gia quy, quốc có quốc pháp”, con người là loài động vật sống tụ tập cùng nhau, mọi người cùng chung sống thì nhất định phải có quy củ, nếu không có quy củ, khuôn phép thì sẽ loạn. Đoàn thể càng lớn thì đương nhiên phép tắc quy củ sẽ càng nhiều và cần nghiêm khắc. Chúng ta là một phần tử trong đoàn thể thì nhất định phải biết thân phận của mình. Người phá hoại quy định hiện nay gọi là tầng lớp đặc quyền, tự cho mình có đặc quyền nên có thể không cần tuân thủ quy định làm việc. Điều này sai rồi. Sự hưng vượng của đoàn thể và an nguy của xã hội đều là nhờ vào sự bảo vệ của những pháp lệnh, điều lệ này.

Một người có đức hạnh, có học vấn, có lương tâm nhất định sẽ vô cùng tôn trọng pháp luật, tuân thủ quy củ, nhất định không dám làm loạn. Khi làm loạn bạn không chỉ phá hoại đoàn thể này mà trong chú giải nói: thật sự là đang làm nghịch thiên lý, trái lương tâm. Chúng ta nghe đến câu này cảm thấy đâu có nghiêm trọng gì, nhưng nếu tư duy kỹ lưỡng thì quả thật là như vậy. Bạn làm ra một tấm gương không tốt, bạn có thể dùng đặc quyền thì người khác cũng có thể dùng, thế là tuy quốc gia có pháp lệnh, có quy định nhưng không được chấp hành. Đoàn thể tuy có đặt ra quy định, ví dụ như trong chùa chiền chúng ta thường có “quy định thường trú”, nếu mọi người không tuân thủ thì quy định, quy ước này giống như một tờ giấy bỏ đi, vậy thì đoàn thể này làm sao không loạn được chứ? Chúng ta cần suy nghĩ đến đạo lý này, biết được những chân tướng sự thật này, đặc biệt là trong nhà Phật, chúng ta tuân thủ giới luật, tuân thủ quy định thì chính là tôn trọng Phật pháp, chính là tôn trọng xã hội và tôn trọng hết thảy chúng sanh. Lý và sự đều phải thông đạt rõ ràng, tuyệt đối không dám làm trái, không dám phá hoại.

Những việc này thật ra từ xưa đến nay trong và ngoài nước đều có. Điều này là một dạng tâm lý không bình thường của loài người, dạng tâm lý này sanh khởi từ đâu? Là sanh từ kiêu mạn, kiêu ngạo, ta mạnh hơn người khác, người khác không bằng ta, việc này ta có thể làm được người khác không thể làm được, người khác phải tuân thủ quy định nhưng ta có thể không cần tuân thủ quy định. Đó là sanh khởi từ tâm kiêu mạn, phiền não rất nặng. Người không có trí huệ, người chưa được nhận qua giáo dưỡng tốt thì tham sân si mạn không những không hàng phục được mà thật ra là ngày ngày đang tăng trưởng và thành thói quen rồi, không biết sửa đổi. Tuy rằng ngày ngày đọc sách Thánh Hiền, thậm chí ngày ngày có cơ duyên nghe Phật pháp, nghe được giáo huấn của Thánh nhân nhưng người này đã dưỡng thành thói quen, đã hình thành tập khí rồi. Ngạn ngữ có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”, tuy không phải là bản tánh nhưng bạn đã dưỡng thành tập tánh, thời gian lâu dần tập tánh cũng không dễ gì thay đổi được. Cũng vì sự thật này nên người xưa khuyên việc dạy học phải bắt đầu từ khi còn là trẻ nhỏ, như vậy sẽ dễ dạy hơn.

Thánh nhân xưa rất tài giỏi, khuyên chúng ta nên bắt đầu từ thai giáo. Khi người mẹ mang thai liền bắt đầu giáo dục trẻ nhỏ từ trong bụng. Trong cuộc sống hằng ngày khởi tâm động niệm cần phải trong sáng, cảm xúc phải ôn hòa, cử chỉ phải khoan thai, những điều này đều ảnh hưởng tốt đến thai nhi. Cho nên giáo dục bắt đầu từ thai giáo. Người hiện nay không hiểu đạo lý này cho rằng làm như vậy hơi quá đà. Người làm cha mẹ chỉ quan tâm đến bản thân không quan tâm đến thế hệ sau, đây là không có trách nhiệm đối với xã hội, không có trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, không có trách nhiệm đối với phúc lợi của hết thảy chúng sanh, không chịu trách nhiệm thì tạo tội nghiệp rồi. Cho nên thế giới ngày nay có rất nhiều tai nạn, thiên tai nhân họa, truy tìm nguyên nhân thì chính là do không chịu trách nhiệm mà tạo tội nghiệp nên cảm lấy quả báo.

Kinh Vô Lượng Thọ có câu: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”, chữ “tiên nhân” tức là thế hệ trước, là tiền bối, họ không dạy chúng ta nên chúng ta làm sao mà hiểu được. Như độ tuổi của tôi ít ra vẫn còn nhận được vài năm giáo dục, không nhiều, chỉ là hai năm ba năm mà thôi. Sau đó gặp phải cảnh người Nhật xâm lược Trung Quốc, tám năm kháng chiến, thời gian này phải lưu lạc không nhà không cửa. Chúng tôi rời xa gia đình từ rất nhỏ, đi theo trường học, lão sư của nhà trường rất tốt. Lão sư thời đó và lão sư hiện nay không giống nhau, cho nên chúng tôi vĩnh viễn không quên ân huệ của lão sư dành cho chúng tôi. Lão sư thay thế cho cha mẹ, cho nên chúng tôi thường được nghe lão sư dạy bảo nên hiểu được một chút đạo lý, cái rễ này là được cắm xuống từ đây. Những vị thầy tốt thế này đối xử với học trò như con trai con gái của mình, nghiêm túc giáo dưỡng, có trách nhiệm, hiện nay không còn thấy nữa rồi, thật thà mà nói lão sư nhiệt tình và từ bi như thế học trò tìm không ra, thời thế suy vi rồi.

/ 128