THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 86
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hôm trước có một bạn đồng học hỏi khi lâm chung nếu như Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì có thể đi theo Ngài được không? Việc như vậy có quan hệ trọng đại, một người niệm Phật nếu như nhất tâm cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh, khi lâm chung A Di Đà Phật chưa đến nhưng Quán Thế Âm Bồ-tát lại đến rồi. Vậy thì lúc này nên làm thế nào? Nếu như lúc bình thường chúng ta có lòng tin sâu sắc đối với A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ-tát vậy thì không có vấn đề gì. Nếu như chúng ta bình thời nhất tâm niệm A Di Đà Phật, còn niệm Quán Thế Âm Bồ-tát ít hơn, khi lâm chung Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì chưa chắc đáng tin. Nếu trong cả đời đều là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, hồi hướng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khi lâm chung Quán Thế Âm Bồ-tát đến tiếp dẫn thì nhất định là đúng rồi. Cho nên đối với vấn đề này cần xem bản nguyện tu hành của chính mình. Chúng ta lấy bộ kinh nào, lấy vị Phật Bồ-tát nào làm căn cứ dựa vào. Cho nên thông thường vãng sanh phẩm vị cao thì khi lâm chung đều nhìn thấy Tây Phương Tam Thánh, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát. Giống như trong kinh nói còn có chư Phật Bồ-tát và chúng Thanh Văn. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì nghi vấn này liền có thể đoạn trừ. Cho nên khi lâm chung nhất định phải thấy A Di Đà Phật, điều này là chắc chắn nhất. Chúng ta bình thường niệm Phật đều là niệm A Di Đà Phật, khẩn cầu sự gia trì của A Di Đà Phật.
Ngoài câu hỏi này ra, lần này tôi giảng Kinh tại Hồng Kông có gặp một bạn đồng tu, anh đã viết cho tôi một tin nhắn, tuy rằng đã học Phật nhiều năm nhưng hoàn cảnh gặp phải lại vô cùng ác liệt, khổ không kể xiết. Khi tôi trở về Singapore cũng gặp bạn đồng tu khác kể với tôi những hoàn cảnh tương tự như vậy. Tôi nghĩ người gặp phải hoàn cảnh như vậy không chỉ có một hai người, trong xã hội có rất nhiều, do vậy đối với sự tu học Phật pháp, tiêu tai miễn nạn, chuyển biến nghiệp lực anh sanh khởi nghi hoặc. Đối với việc này năm xưa khi tôi giảng kinh vì sao trước tiên khuyên các bạn đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần. Đạo lý chính ở chỗ này, rất nhiều người thật ra không hiểu thấu triệt đạo lý, cho rằng mình học Phật rất khá, cho rằng mình rất lương thiện, có thể trì giới, mỗi ngày tụng kinh niệm Phật nhưng tại sao không chuyển được nghiệp báo. Thời gian lâu rồi thì suy tư ngổn ngang, mất lòng tin đối với Phật pháp, đối với kinh điển. Tình trạng thế này từ xưa đến nay rất nhiều, ở xã hội hiện tại lại càng nhiều hơn, không chỉ là người học Phật tại gia, người xuất gia học Phật cũng có không ít. Cho nên chúng ta nghĩ đến việc này liền nghĩ đến truyện Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân, nghĩ đến nội dung mà câu chuyện này đã kể. Hết thảy những hoàn cảnh mà họ gặp phải không khác gì so với hoàn cảnh của tiên sinh Du Tịnh Ý. Cho nên đoạn văn chương này rất đáng để mọi người tham khảo, cũng rất đáng để bản thân chúng ta phản tỉnh kiểm điểm. Nghiệp chướng của chúng ta đã được tiêu trừ hay chưa? Bản thân chúng ta hiện nay trên thế gian này đã có thể tâm tưởng sự thành, mọi sự như ý hay chưa? Nếu vẫn chưa được như vậy thì rốt cuộc nguyên nhân nằm ở đâu? Cần tìm ra nguyên nhân đó. Câu chuyện Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân là chỉ dẫn tốt nhất cho chúng ta. Ông cũng tự cho mình là người thật thà, tự cho rằng mình là một người thiện, thế nhưng hoàn cảnh của ông thì năm sau lại kém hơn năm trước, vô cùng khó khăn. Ông cầu Táo Quân, viết sớ văn cầu Táo Quân chuyển trình lên, chúng ta thường gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, thuật lại cuộc đời đọc sách, tích đức hành thiện của mình, hay còn gọi là tích công luỹ đức. Tại sao công danh không thể thành tựu, vợ con không vẹn toàn, cái ăn cái mặc không đủ, vì sao gặp phải quả báo thê thảm đến vậy? Ông năm nào cũng viết sớ văn như vậy. Ngày hôm đó quả thật Táo Quân hóa thân thị hiện, ngày ba mươi tháng Chạp gõ cửa nhà ông, sau khi vào nhà thì thấy đó là một lão tiên sinh, vị tiên sinh này nói: “Sự việc gia đình ông tôi đã biết từ rất lâu rồi.” Vị tiên sinh này chính là hoá thân của Táo Quân. Ngài nói ý niệm ác của ông rất nặng, chuyên theo đuổi hư danh, những việc ông làm đều không phải là thật tâm mà là giả tạo. Người đọc sách xưa kia rất quý tiếc giấy có chữ, đây là một sự tôn kính đối với Thánh Hiền nhân. Chữ viết là công cụ để truyền đạt trí huệ, học vấn và kinh nghiệm, thời xưa có câu “Văn dĩ tải đạo”. Vì vậy đối với giấy có chữ không được tùy tiện chà đạp, trên đường đi gặp phải giấy có chữ đều cần phải nhặt lên mang đi đốt. Du Tịnh Ý là người đọc sách nên đương nhiên ông đề xướng, trên đường đi gặp phải giấy có chữ ông cũng nhặt lên rồi mang đi đốt, thế nhưng trong gia đình ông thì vẫn lấy giấy có chữ để dán cửa sổ và đem đi lau bàn. Miệng ông thì nói không được làm bẩn giấy có chữ nhưng trên thực tế ông vẫn chưa thực sự làm được, chỉ là biểu hiện dáng vẻ ở bên ngoài cho người khác xem mà thôi. Khi không có ai nhìn thấy thì ông hoàn toàn không quan tâm đến nữa. Như vậy thì có tác dụng gì chứ? Đây chỉ là công phu làm ra dáng vẻ bên ngoài, không phải thật tâm muốn làm. Táo Quân lại nói với ông: Ví dụ như việc phóng sanh, ông là hùa theo người khác mà làm, khi có người khởi xướng đi phóng sanh ông cùng đi theo sau, nếu không có người khởi xướng thì ông không phát tâm làm, ông không biết chủ động đi làm. Cho nên ý niệm từ bi của ông chưa thật sự phát ra. Tiếp đến, lỗi khẩu nghiệp của ông vô cùng nghiêm trọng, ông là người đọc sách, rất thông minh, rất biết nói chuyện, hơn nữa nói chuyện vô cùng cay nghiệt, thường xuyên châm chọc người khác, tuy rằng sau đó ông biết đó là độc ác, nói cách khác ông còn một chút lương tâm nên Táo Quân đến khuyên ông. Thói xấu tập khí ông không sửa được, thích nói lỗi người khác còn tự cho rằng mình rất dày dạn kinh nghiệm, rất phúc hậu nữa. Táo Quân nói đây là ông tự lừa mình dối người. Ngài nói ra những lỗi lầm của ông, ông hoàn toàn là giả, không có việc nào là thật tâm, cho nên khi không có ai nhìn thấy thì ông khởi niệm tham, niệm dâm, niệm đố kỵ, niệm cực đoan, niệm cống cao ngã mạn, niệm hy vọng về tương lai, niệm báo ơn báo oán, vọng niệm của ông quá nhiều, quá nhiều. Tất cả những niệm này đều thuộc về ác ý. Trong tâm của ông là những thứ này. Táo Quân nói với ông nếu ý niệm này không sửa lại thì ông trốn nạn còn không kịp, ông còn định đến đâu để cầu phước đây? Tổng kết lại, thiện ngôn thiện hạnh của cuộc đời ông hoàn toàn là giả, toàn là qua quýt cho xong, không có một sự việc nào là chân thật, ông còn muốn cầu ông Trời báo ứng tốt cho ông hay sao? Làm gì có đạo lý đó.