/ 128
725

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 84


Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mấy hôm nay, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều đồng tu đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Tôi thấy mọi người đều đang rất chăm chỉ tinh tấn tu hành khiến chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Khi tu học thì vấn đề và chướng ngại thường rất khó tránh khỏi, nguyên nhân là do sự hiểu biết của chúng ta chưa đủ thấu triệt đối với lý luận, phương pháp và cảnh giới. Cho nên sự ngờ vực đương nhiên là khó tránh khỏi.

Hôm qua có một bạn đồng tu đến nói với tôi: anh cảm nhận rất sâu sắc tai nạn của thế gian rất nhiều và cũng cảm thấy sống trên thế gian này không có ý nghĩa gì. Tinh thần anh ấy rất sa sút và nói với tôi là: “Con cái gì cũng buông xuống hết rồi, con hiện tại nhất tâm niệm Phật, chỉ mong sớm một ngày được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới”. Thế nhưng lại nói với tôi là: “Con hiện nay chỉ còn lại mấy vạn đồng, nếu như chi phí cho nhu cầu sinh hoạt dùng hết rồi thì cuộc sống của con sẽ thế nào?”. Tôi nghĩ những người giống anh, giống cách nghĩ, cách làm của anh không chỉ có một mình anh mà thôi. Sự phát tâm như vậy rất tốt, nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ không thể nói là không khẩn thiết, thế nhưng có thể vãng sanh được không thì lại là vấn đề lớn. Tại sao không thể vãng sanh? Là vì anh làm sai rồi. Việc vãng sanh làm sao có thể vội vàng được chứ? Sốt ruột muốn vãng sanh, trên nguyên lý có thể nói như vậy nhưng cách làm lại không như pháp. Bạn vẫn lo sợ phí sinh hoạt của bạn dùng hết rồi, không còn tiền nữa, điều này có phải là tự gây phiền não cho mình hay không? Cho nên tôi nói với anh là Phật trong kinh luận thường khai thị cho chúng ta, hết thảy đều phải tuỳ thuận tự nhiên. Công việc chúng ta cần làm hằng ngày thì vẫn làm như cũ, không chỉ nói người tại gia mà người xuất gia cũng không ngoại lệ. Đại đức xưa có nói: “Làm Hoà Thượng một ngày thì đánh chuông một ngày”. Chúng ta hằng ngày cần làm bổn phận công việc của mình cho thật tốt. Điều này gọi là học Phật. Thế nào là buông xuống? Điều cần thiết buông xuống thì anh ấy không buông xuống, điều không nên buông xuống thì anh ấy lại buông xuống. Anh ấy đã thôi không làm công việc của mình nữa. Đây là điều không nên. Điều cần buông xuống chính là sự lo lắng trong lòng, sự bận tâm trong lòng. Đây là điều nên buông xuống, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngoài điều này ra đều phải buông xuống tất cả những lo lắng và bận tâm trong lòng. Như vậy mới gọi là thật sự buông xuống. Anh thực hiện sai rồi, chứ không phải học Phật rồi thì không quan tâm đến gia đình nữa, công việc cũng không làm. Nếu mọi người đều học Phật như vậy thì Phật pháp sẽ không thể trụ tại thế gian này rồi. Vì sao vậy? Là vì phá hoại thế gian pháp. Thế Tôn trong kinh luận thường khai thị cho chúng ta: “Phật pháp tại thế gian, không hoại thế gian pháp”. Bạn phá hoại thế gian pháp thì làm sao chấp nhận được chứ. Phật pháp không những không phá hoại thế gian pháp mà Phật pháp có thể tuỳ thuận thế gian pháp. Cho nên Phật pháp nhận được sự hoan nghênh của quần chúng rộng lớn. Đạo lý chính là chỗ này.

Các bạn nhất định phải hiểu được buông xuống là buông xuống ở trong tâm chứ không phải buông xuống trên mặt sự. Nếu trong tâm quả nhiên buông xuống rồi thì trên mặt sự nhất định không có chướng ngại. Đó gọi là: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Nếu trên mặt sự nhất định phải buông xuống vậy thì Thích-ca Mâu-ni Phật cũng phải buông xuống rồi, đâu cần thiết phải giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm chứ? Bạn nghĩ xem chư Phật Bồ-tát vì chúng ta mà thị hiện. Tổ Sư Đại đức vì chúng ta mà diễn thuyết, chúng ta từ chỗ này mà thể hội để không hiểu sai đi dụng ý của Phật.

Vậy thì niệm Phật như thế nào? Cả ngày từ sớm đến tối nắm chắc câu A Di Đà Phật, có thể vãng sanh không? Tại sao người xưa lại nói: “Đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”? Chúng ta cần suy nghĩ xem, điều kiện để vãng sanh là: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Niệm Phật phương thức, mục đích là gì? Là để niệm đến tâm thanh tịnh, dùng câu Phật hiệu này để tiêu trừ tất cả vọng tưởng, phiền não, tạp niệm, phân biệt, chấp trước của chúng ta. Đó gọi là niệm Phật. Người niệm Phật nhất định phải tin sâu nhân quả. Đạo lý của nhân quả gọi là: “Miếng ăn, ngụm nước đều được định sẵn”. Cho nên không cần phải đi tranh giành, không cần phải đi phan duyên mà nên an phận thủ thường. Cuộc sống hằng ngày chỉ cần có thể mặc ấm, có thể ăn no, có một căn nhà nhỏ có thể che mưa che nắng là đủ rồi. Nếu còn dư thừa thì nên giúp đỡ người khác, biết phát tâm tu bố thí nhiều để tích luỹ nhiều công đức, phước huệ song tu.

/ 128