/ 289
489

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 281

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm chín mươi hai:

 

  (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bất khả thấu bạc, thị nan tín pháp nghĩa.

(Sao) Đương tri tự tánh, bất khả dĩ hữu tâm cầu, bất khả dĩ vô tâm đắc, bất khả dĩ ngữ ngôn tạo, bất khả dĩ tịch mặc thông.

(Diễn) Bất khả dĩ hữu tâm cầu đẳng giả, tự tánh phi hữu, hữu tâm tắc đọa tăng ích chấp. Tự tánh phi vô, vô tâm tắc đọa tổn giảm chấp. Tự tánh ly ngôn thuyết tướng, ngữ ngôn tắc đọa vọng tưởng. Tự tánh ly tâm duyên tướng, tịch mặc tắc đọa vô ký.  

(疏)稱理,則自性不可湊泊,是難信法義。

(鈔)當知自性,不可以有心求,不可以無心得,不可以語言造,不可以寂默通。

(演)不可以有心求等者。自性非有。有心則墮增益執。自性非無。無心則墮損減執。自性離言說相。語言則墮妄想。自性離心緣相。寂默則墮無記。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh chẳng thể dò lường là ý nghĩa “pháp khó tin”.

  Sao: Hãy nên biết: Tự tánh chẳng thể dùng hữu tâm để cầu, chẳng thể dùng vô tâm để đắc, chẳng thể dùng ngôn ngữ để tạo, chẳng thể dùng lặng lẽ để thông.

Diễn: “Chẳng thể dùng hữu tâm để cầu” v.v…: Tự tánh chẳng phải là có, hữu tâm bèn đọa vào chấp trước Tăng Ích. Vô tâm bèn đọa vào chấp trước Tổn Giảm. Tự tánh lìa tướng ngôn thuyết, nói năng bèn đọa vào vọng tưởng. Tự tánh lìa tướng tâm duyên, lặng thinh bèn đọa vào vô ký).

 

  Bốn câu này nhằm giải thích ý nghĩa của chữ “thấu bạc” (湊泊). Đối với “tự tánh”, trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường dùng chữ “pháp nhĩ tự nhiên” (pháp vốn tự nhiên là như vậy) để hình dung nó. Trên thực tế, về căn bản, chẳng có cách nào hình dung được. Đối với chuyện chẳng có cách nào để hình dung được, đức Phật đã dùng pháp phương tiện khá gần với chân tướng sự thật để chỉ dẫn cho chúng ta. Đó là chỗ khó tin trong Phật pháp, đặc biệt là trong pháp Đại Thừa. Vì tự tánh không chỉ là chẳng thể biểu đạt bằng ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ có phạm vi, có giới hạn; tư duy và tưởng tượng cũng là có phạm vi, có giới hạn. Giới hạn ấy, dựa theo cách nói của tông Duy Thức thì cũng sẽ biện định rất dễ dàng, rất rõ rệt: [Ngôn ngữ và tư tưởng] thuộc vào A Lại Da Thức. Đó chính là giới hạn của nó. Trong A Lại Da Thức, [tông Duy Thức] nói có ba tế tướng và sáu thô tướng. Nếu vượt ra ngoài giới hạn ấy, sẽ chẳng có cách nào [để diễn đạt, hình dung bằng ngôn ngữ, văn tự, hoặc tư duy, suy tưởng được], chuyện này được gọi là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”.

Hết thảy Đại Thừa liễu nghĩa đều nói về Chân Như bản tánh, đều vượt ngoài giới hạn của A Lại Da. Kinh Di Đà là kinh Đại Thừa của các kinh Đại Thừa, là liễu nghĩa của liễu nghĩa, đương nhiên là khó tin. Tuy kinh toàn nói về sự tướng, nhưng Sự nương theo Lý để nói, Lý quá sâu, khó lường; do vậy, những Sự ấy đều vượt ngoài tầm hiểu biết của kẻ bình phàm! Không chỉ là lục đạo phàm phu chẳng có phương pháp nào để dò lường, mà Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng dễ gì tin tưởng được! Vì sao? Họ chẳng kiến tánh. Pháp môn này, Phổ Hiền Bồ Tát tuyên dương trong thế giới Hoa Tạng sẽ dễ dàng. Vì sao? Vì các vị Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng đều là bậc minh tâm kiến tánh, Ngài dùng mười đại nguyện vương dẫn họ về Cực Lạc chẳng khó! Chư Phật, Bồ Tát ở trong lục đạo của mười phương thế giới vì chúng sanh thuyết pháp này, thật sự là “pháp khó tin”.

  Bốn câu giải thích này hết sức hay. “Bất khả dĩ hữu tâm cầu” (Chẳng thể dùng hữu tâm để cầu). Hữu tâm thì tâm ấy là vọng niệm, là vọng tưởng; mà cũng chẳng thể dùng “vô tâm”. Vô tâm chẳng đạt được, [bởi lẽ], vô tâm là vô minh. Quý vị khởi tâm động niệm là vọng tưởng, không khởi tâm động niệm là vô minh. Khi ấy, xin hỏi quý vị làm như thế nào? Xác thực là chúng ta chẳng có cách nào hết!

Phải biết: Phương pháp Niệm Phật của Tịnh Tông là pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời. Chúng ta chí thành cung kính niệm câu A Di Đà Phật, quý vị nói là hữu tâm hay vô tâm? Hiện thời, người niệm Phật rất đông, các đồng tu đang hiện diện ai nấy đều niệm Phật, đại khái là niệm đã lâu; vì sao chẳng có ai đắc Niệm Phật tam-muội? Nếu nói nông cạn hơn một chút, vì sao chẳng được thọ dụng? Đó là vì quý vị niệm Phật chẳng đúng pháp, chẳng biết dụng tâm. Quý vị dùng hữu tâm để niệm, sẽ chẳng đắc Niệm Phật tam-muội. Quý vị dùng vô tâm để niệm, cũng chẳng đắc Niệm Phật tam-muội. Then chốt ở ngay chỗ này! Hữu tâm là vọng tưởng, vô tâm là vô minh. Dùng vọng tưởng, hoặc dùng vô minh để cầu Niệm Phật tam-muội, chắc chắn là chẳng cầu được! Cầu nhất tâm bất loạn cũng chẳng cầu được! Nhưng chư vị phải hiểu: Cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà dùng hữu tâm để cầu thì có thể cầu được; đấy là chỗ thuận tiện của pháp môn này.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289