/ 289
514

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 279


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm tám mươi sáu.


(Sao) Ngôn bất dị giả, tiền nhất thuyết, tâm vô sơ tướng, tắc siêu Kiếp Trược, nãi chí vô Nghiệp Hệ Khổ, tắc siêu Mạng Trược, thị đoạn vô minh đẳng, danh Ngũ Trược đắc Bồ Đề dã. Hậu nhất thuyết, Sắc Ấm phá, tắc siêu Kiếp Trược, nãi chí Thức Ấm phá, tắc siêu Mạng Trược, thị phá Ngũ Ấm đẳng, danh Ngũ Trược đắc Bồ Đề dã. Vị thuyết thiểu thù, nhi nghĩa tắc đại đồng dã.

(Diễn) Vị thuyết sảo thù, nhi nghĩa tắc đại đồng giả, ly cửu tướng vô Ngũ Ấm, ly Ngũ Ấm vô cửu tướng, danh thù nhi thể nhất dã.

(鈔)言不異者,前一說,心無初相,則超劫濁,乃至無業繫苦,則超命濁,是斷無明等,名五濁得菩提也。後一說,色陰破,則超劫濁,乃至識陰破,則超命濁,是破五陰等,名五濁得菩提也。為說少殊,而義則大同也。

(演)為說稍殊。而義則大同者。離九相無五陰。離五陰無九相。名殊而體一也。

(Sao: Nói là “chẳng khác”: Thuyết trước (tức thuyết phối hợp ba tế tướng và sáu thô tướng với Ngũ Trược), tâm không có tướng ban đầu bèn vượt thoát Kiếp Trược, cho đến chẳng có Nghiệp Hệ Khổ Tướng bèn vượt thoát Mạng Trược, đấy là đoạn những thứ như vô minh v.v… gọi là “từ trong Ngũ Trược đắc Bồ Đề”. Đối với thuyết sau, phá Sắc Ấm bèn vượt thoát Kiếp Trược, cho đến phá Thức Ấm bèn vượt thoát Mạng Trược, đó là do phá Ngũ Ấm bèn nói là “từ trong Ngũ Trược đắc Bồ Đề”. [Hai cách] nói sai khác đôi chút, nhưng ý nghĩa hầu như tương đồng.

Diễn: “Nói sai khác đôi chút, nhưng ý nghĩa hầu như tương đồng”: Lìa chín tướng (ba tế tướng và sáu thô tướng) chẳng có Ngũ Ấm, lìa Ngũ Ấm chẳng có chín tướng, danh tướng tuy sai khác, nhưng Thể là một).


Đoạn này nhằm giải thích câu “hoặc phối tam tế, lục thô, hoặc phối Ngũ Ấm, nghĩa diệc bất dị” (hoặc là phối ứng với ba tế tướng và sáu thô tướng, hoặc là phối ứng với Ngũ Ấm, ý nghĩa cũng chẳng khác) trong lời Sớ. “Tiền nhất thuyết” (thuyết trước) chính là [giải thích Ngũ Trược theo] ba tế tướng như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói, “hậu nhất thuyết” là phối ứng [Ngũ Trược] với Ngũ Ấm. Ba tế tướng và sáu thô tướng là huyễn giác, trong Chân Như bản tánh và cái tâm thanh tịnh, quyết định chẳng có những thứ ấy! Khoa học hiện thời đã khá tiến bộ, theo như các nhà khoa học quan sát, họ nhận thấy: Về căn bản, vật chất chẳng tồn tại. Các hiện tượng được sanh ra như thế nào? Đó là một loại dao động, [vật chất] là một hiện tượng dao động. Pháp Tướng Duy Thức nói: “Một niệm bất giác”, một niệm bất giác là dao động. Hễ bất giác bèn động, giác thì bất động. Do từ một niệm bất giác, mới có các hiện tượng ba tế tướng và sáu thô tướng phát sanh.

“Tâm vô sơ tướng” (Tâm không có tướng ban đầu): “Tâm” [ở đây] là chân tâm. Chân tâm chẳng có đầu hay cuối, cũng có nghĩa là “chẳng có quá khứ, hiện tại, vị lai”, chẳng có các hiện tượng ấy. Kinh Kim Cang có nói: “Mịch tam tâm bất khả đắc” (Tìm ba tâm chẳng thể được). Nó chẳng có trước sau; chẳng có trước sau bèn vượt thoát thời gian, “tắc siêu Kiếp Trược” (bèn vượt thoát Kiếp Trược). “Kiếp” là thời gian và không gian, [“siêu Kiếp Trược”] là đã vượt thoát [thời gian lẫn không gian]. “Nãi chí vô Nghiệp Hệ Khổ” (Cho đến chẳng có Nghiệp Hệ Khổ), Nghiệp Hệ Khổ (nỗi khổ gắn chặt với nghiệp) là quả báo, tức là điều cuối cùng trong sáu thô tướng. Hễ nói đến một mình Nghiệp Tướng, hoặc nói đến một mình Nghiệp Hệ Khổ, chính là đã bao gồm ba tế tướng và sáu thô tướng. “Nãi chí” (乃至) là từ ngữ diễn tả sự tỉnh lược, “tắc siêu Mạng Trược” (bèn vượt thoát Mạng Trược). Phải thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, nhà Thiền nói là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đã thấy chân tướng sự thật này. Kẻ chẳng có công phu như chúng ta vẫn sống trong thế gian huyễn hóa, dẫu cho các nhà khoa học hiện thời đã nói: “Không gian là vô hạn chiều”. Con người sống trong không gian ba chiều hoặc bốn chiều, cho đến năm chiều, sáu chiều, cho đến vô hạn chiều, toàn là huyễn hóa, đều chẳng chân thật. Chỉ cần không gian có số chiều hạn lượng, sẽ chẳng phải là thật, đều thuộc trong phạm vi của ba tế tướng và sáu thô tướng. Vượt thoát phạm vi ấy, sẽ gọi là Nhất Chân pháp giới. Các nhà khoa học hiện thời vẫn chưa phát hiện, cách nhìn và cách nói của họ vẫn chưa có ý vị của Nhất Chân pháp giới, nhưng đã khá khả quan.

“Đoạn vô minh”“Ngũ Trược đắc Bồ Đề” (Từ trong Ngũ Trược mà đắc Bồ Đề), có thể thấy Ngũ Trược và Bồ Đề chỉ là do một niệm giác hay mê mà sanh ra hai thứ cảnh giới bất đồng. Giác là Bồ Đề, mê là Ngũ Trược. Thuyết sau và thuyết trước có ý nghĩa tương đồng, [chỉ là] cách nói khác nhau. Thuyết trước nói theo ba tế tướng và sáu thô tướng, thuyết sau nói theo Ngũ Ấm. Ba tế tướng và sáu thô tướng là nói rõ: Sau khi chúng ta đã mê chân tánh, bèn biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới; những lý luận, sự thật và quá trình ấy được nói rất cặn kẽ! [Luận định theo] Ngũ Ấm thì chỉ là nói về hiện tượng, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chẳng nói sâu sắc, rõ ràng như ba tế tướng và sáu thô tướng. Nếu phá Ngũ Ấm thì cũng gọi là Bồ Đề. Phá Ngũ Ấm bằng cách nào? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy rất cặn kẽ!

/ 289