/ 289
436

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 278


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm tám mươi ba:


(Sớ) Thử chi Ngũ Trược, thả cứ quả ngôn, nhược Lăng Nghiêm sở vân: Hoặc phối tam tế, lục thô, hoặc phối Ngũ Ấm, nghĩa diệc bất dị.

(Diễn) Thử chi Ngũ Trược, thả cứ quả ngôn giả, vị thượng văn sở giải Ngũ Trược, thả nhất vãng tựu quả biên thuyết, phi nhược Lăng Nghiêm sở thuyết, thông hồ nhân quả dã. Hoặc phối tam tế giả, thị chư sư dĩ tam tế, lục thô thích Ngũ Trược dã, hoặc phối Ngũ Ấm, thị Cô Sơn ước Ngũ Ấm vọng tưởng vi Ngũ Trược dã. Nghĩa diệc bất dị giả, vị pháp tướng tuy bất đồng, nhi nghĩa lý tắc vô biệt dã.

(疏)此之五濁,且據果言,若楞嚴所云:或配三細六粗,或配五陰,義亦不異。

(演)此之五濁。且據果言者。謂上文所解五濁。且一往就果邊說。非若楞嚴所說。通乎因果也。或配三細者。是諸師以三細六粗釋五濁也。或配五陰。是孤山。約五陰妄想為五濁也。義亦不異者。謂法相雖不同。而義理則無別也。

(Sớ: Năm món Trược ấy là nói theo quả. Nếu theo như kinh Lăng Nghiêm đã nói, thì hoặc là phối ứng với ba tế tướng, sáu thô tướng, hoặc phối ứng với Ngũ Ấm, nhưng ý nghĩa cũng chẳng khác.

Diễn: “Năm món trược ấy là nói theo quả”, nghĩa là Ngũ Trược như đã giải thích trong đoạn văn trên đây chính là một mực dựa theo phía quả để nói, chẳng dung thông cả nhân lẫn quả như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói. “Hoặc phối ứng với ba tế tướng” là các Sư dùng ba tế tướng và sáu thô tướng để giải thích Ngũ Trược. “Hoặc phối ứng với Ngũ Ấm” là như ngài Cô Sơn coi vọng tưởng thuộc Ngũ Ấm là Ngũ Trược. “Nghĩa cũng chẳng khác” ý nói: Pháp tướng tuy khác nhau, nghĩa lý chẳng sai khác).


Câu này nhằm tổng kết “Ngũ Trược ác thế” đã nói trong phần trước. “Trược ác” là nói theo quả; hễ có quả, nhất định là có nguyên nhân. Đức Phật thuyết kinh, có khi thiên trọng nơi tạo nhân, có lúc chú trọng nói đến quả báo. Như trong đoạn này là nói về quả báo, cũng có khi là nhân và quả đều nói. Do tình hình ấy, chúng ta có thể thấu hiểu rõ ràng: Đức Phật thuyết pháp là ứng theo căn cơ để nói, Ngài xem xét [căn cơ] của đại chúng tham dự pháp hội khi ấy. Nói đến nhân, chúng ta sẽ nghĩ đến quả báo; nói đến quả, cũng giống như vậy, chúng ta cũng biết nhân duyên nào tạo thành quả báo ấy. Nhất là trong thời đại hiện tại, đối với quả báo trược ác, chẳng cần phải nêu cặn kẽ như đức Phật đã nói trong kinh, gần như mỗi người chúng ta đều có cảm xúc rất sâu đậm. Hiện thời, y báo của chúng ta chẳng tốt đẹp, hoàn cảnh sống chẳng tốt đẹp. Chẳng cần nói là so với thời cổ, chỉ so với ba mươi năm trước. Ba mươi năm trước, hoàn cảnh sống của chúng ta xác thực là vẫn rất đẹp đẽ, đại chúng trong xã hội cũng rất tốt lành. Tuy chưa thể nói là “chân thiện mỹ đạt đến tiêu chuẩn rất cao”, nhưng vẫn còn có một chút ý nghĩa. Trong hoàn cảnh sống hiện tại, có thể nói là đã chẳng tìm được mảy may nào. Tuy điều kiện vật chất ưu việt hơn trước kia, của cải gia tăng, nhưng hoàn cảnh sống của chúng ta thua kém quá khứ rất xa. Tục ngữ Trung Hoa thường nói: “Giàu mà chẳng vui”. Đâm ra, thời thời khắc khắc bận tâm, lo lắng, chẳng có cảm giác an toàn. Điều này thuộc về quả báo, tức là cõi đời trược ác.

Nhân duyên của sự trược ác là do thiên tai ư? Là do tai nạn tự nhiên ư? Hiện thời, xác thực là có lắm kẻ tưởng là do thiên tai, là tự nhiên, sức người chẳng có cách nào chống chọi. Các nhà khoa học và triết gia đều nói theo kiểu này, mọi người tin theo, cho là thật, nghĩ cách nói ấy là chánh xác. Trọn chẳng biết trong kinh, đức Phật đã dạy: Hoàn cảnh sống của chúng ta tốt hay xấu tùy thuộc lòng người thiện hay ác mà chuyển biến. Lòng người thiện hay ác chính là nguyên do khiến cho hoàn cảnh xã hội tốt hay xấu. Kinh cũng thường dạy: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Chánh báo ở đây chính là lòng người thiện hay ác, còn y báo là hoàn cảnh tốt hay xấu. Chỉ có đức Phật nói rõ ràng, minh bạch chuyện này. Chúng ta thấy người hiện thời tạo cái nhân gì? Cũng có nghĩa là thông thường họ nghĩ tưởng những gì, nói những gì, làm những gì, chúng ta sẽ biết quả báo trong tương lai như thế nào. Đức Phật bảo: Hết thảy ác nhân và ác duyên đều phát sanh từ Tam Độc. Kiến Trược, Phiền Não Trược là nhân, Kiếp Trược, Chúng Sanh Trược, và Mạng Trược thuộc về quả báo. Chúng ta thấy người hiện thời kiến giải sai lầm mỗi ngày một sâu hơn, phiền não ngày một tăng trưởng, một mực như vậy, quả báo trong tương lai sẽ càng đáng sợ hơn hiện thời!

Người trên thế gian hiện thời truy cầu của cải, truy cầu quyền lực, địa vị, truy cầu hưởng thụ. Truy cầu mù quáng là tạo tội nghiệp. Những thứ ấy có thể cầu hay không? Có thể chứ! Đức Phật đã nói rất minh bạch: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng). Cầu của cải, được của cải; chẳng có gì không cầu được! Cầu thì phải đúng lý, đúng pháp, phải biết mối quan hệ giữa nhân, duyên và quả. Cầu như vậy là cầu chánh đáng, sẽ cầu được quả báo tốt đẹp, cũng là như chúng ta thường nói: “Cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn”. Đó là do đúng lý, đúng pháp mà cầu được. Nếu cứ cầu mù quáng, chắc chắn chẳng đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc còn chẳng có, thì mỹ mãn càng chẳng cần phải bàn đến nữa! Kẻ chẳng học Phật không biết, chứ đối với người học Phật, hãy nên hiểu rành mạch, rõ ràng.

/ 289