/ 289
361

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 265


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm ba mươi chín:


(Kinh) Xá Lợi Phất! Bắc phương thế giới, hữu Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhật Sanh Phật, Võng Minh Phật, như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật.

(Sớ) Diệm Kiên giả, giải kiến tiền văn.

(Sao) Tiền hữu Đại tự, nghĩa vô ưu liệt.

(經)舍利弗。北方世界。有燄肩佛。最勝音佛。難沮佛。日生佛。網明佛。如是等恆河沙數諸佛。

(疏)燄肩者。解見前文。

(鈔)前有大字。義無優劣。

(Kinh: Xá Lợi Phất! Thế giới phương Bắc có Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhật Sanh Phật, Võng Minh Phật, Hằng hà sa số chư Phật như thế.

Sớ: “Diệm Kiên” xem lời giải thích trong phần trước.

Sao: [Danh hiệu của vị Phật] trong phần trước có chữ Đại, [trong đoạn này không có], nhưng ý nghĩa chẳng hơn kém).


Đây là phương Bắc trong sáu phương Phật. Đối với phương Bắc, nêu ra đức hiệu của năm vị Phật nhằm biểu thị Hóa Tha (hóa độ người khác). Sau khi đã trọn đủ phước huệ thì mới có thể thật sự thực hiện viên mãn hoằng nguyện do đức Phật đã phát trong khi còn tu nhân. Như chúng ta học Phật, cũng như chư Phật trong khi tu nhân đã phát nguyện, đó là [phát nguyện bằng] chân tâm hay giả tâm, chúng ta tạm thời chẳng bàn đến. Như trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nói thật ra, bốn nguyện đó quy kết thành một nguyện này, ba nguyện sau đều nhằm viên mãn một nguyện [đầu tiên] này mà phát. Do đó, trong bốn nguyện, nguyện thứ nhất là chủ chốt, là trọng yếu nhất. Nguyện thứ nhất, nói thật ra, cũng là một sức mạnh thúc đẩy chư Phật viên thành Phật đạo. Chúng ta biết người thế gian hằng ngày siêng năng nỗ lực làm việc, sức mạnh nào thúc đẩy họ? Quy nạp lại, chẳng ngoài sức mạnh “danh lợi”. Chẳng phải vì danh thì là vì lợi. Nếu danh lẫn lợi đều chẳng có, tôi nghĩ tuyệt đối là họ sẽ chẳng muốn làm việc! Chư Phật, Bồ Tát danh lẫn lợi đều chẳng cần, thảy đều bỏ hết, sức mạnh nào thúc đẩy khiến cho các Ngài tinh tấn, nỗ lực, hăng hái, chẳng biếng nhác? Do chính nguyện này! Do vậy có thể biết: Bồ Tát phát tâm tự hành (chính mình tu hành), phát tâm hóa độ kẻ khác, đều do nguyện thứ nhất này [thúc đẩy]. Cho đến phát tâm mong thành Phật đạo vẫn nhằm thỏa mãn nguyện thứ nhất. Vì nếu Bồ Tát chẳng thành Phật đạo, dẫu thuộc địa vị Đẳng Giác Bồ Tát, Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể hóa độ Đẳng Giác Bồ Tát, [bởi lẽ] địa vị và trình độ của các Ngài như nhau. Nhất định là phải thành Phật thì mới có thể độ Đẳng Giác Bồ Tát, mới có thể độ hết thảy chúng sanh tới mức rốt ráo viên mãn. Do vậy, nhất định là trí huệ và phước đức đều viên mãn; khi ấy, sẽ rộng độ chúng sanh.

Đối với Phật pháp, độ sanh là sự nghiệp. Nói theo cách hiện thời, “độ” (度) là giúp đỡ, hiệp trợ họ, giúp họ lìa khổ được vui. Trong các nỗi khổ của tam giới, có hai loại sanh tử: Một loại là Phần Đoạn sanh tử, loại kia là Biến Dịch sanh tử, hai nỗi khổ ấy! Thoát khỏi tam giới, từ Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán trở lên, chẳng còn có Phần Đoạn sanh tử trong tam giới. Tuy đã vượt ra ngoài tam giới, mãi cho đến địa vị Đẳng Giác Bồ Tát, vẫn còn có Biến Dịch sanh tử. Nói cách khác, các Ngài sung sướng hơn chúng ta nhiều lắm, nhưng chẳng phải là đã đạt đến rốt ráo, chẳng phải là viên mãn. Nhất định là phải giúp chúng sanh viên thành Phật đạo thì sự lìa khổ ấy mới là lìa đến rốt ráo, “được vui” mới đạt đến viên mãn. Chư vị ngẫm xem: Muốn giúp chúng sanh thành Phật, mà chính mình chẳng thành Phật, làm thế nào được? Chẳng có lẽ ấy! Chính mình nhất định phải thành Phật!

Cũng có lẽ mọi người từng nghe nói: “Chính mình chưa độ, đã độ chúng sanh trước; đấy là Bồ Tát phát tâm”. Giống như Địa Tạng Bồ Tát, chính mình chưa thành Phật, đã độ chúng sanh đều thành Phật, lão nhân gia vẫn là Bồ Tát. Chúng ta có thể học theo chuyện ấy hay chăng? Rất nhiều người hiểu ý nghĩa trong kinh điển theo kiểu cắt xén chương đoạn, hiểu lệch lạc ý nghĩa của Phật, cho rằng Địa Tạng Bồ Tát rất vĩ đại: Chính mình chưa thành Phật, mà đã độ chúng sanh trước, ta phải học theo Địa Tạng Bồ Tát. Quý vị có thể học nổi hay không? Địa Tạng Bồ Tát là hạng người nào? Đẳng Giác Bồ Tát! Nếu quý vị chứng đắc Đẳng Giác Bồ Tát bèn có thể học theo Địa Tạng Bồ Tát: “Ta chẳng thành Phật, độ chúng sanh thành Phật trước. Chúng sanh chưa độ hết, ta thề chẳng thành Phật”. Lời ấy do bậc Đẳng Giác Bồ Tát thốt ra. Chúng ta chẳng có tư cách! Nếu chúng ta chẳng thành Phật, sẽ phải đọa trong lục đạo luân hồi, sẽ đọa trong ba ác đạo. Đọa ba ác đạo, bản thân quý vị còn chưa giữ nổi, làm sao có thể độ người khác cho được? Vì thế, chớ nên hiểu cong vạy ý nghĩa trong kinh, chớ nên hiểu sai ý Phật.

/ 289