/ 289
400

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 221


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi lăm:


(Sớ) Thứ văn hữu tam: Vị Di Đà danh hiệu, thị tiêu niệm cảnh; chấp trì nhất tâm, thị minh niệm pháp; nhất nhật, thất nhật, thị khắc niệm kỳ.

(疏)次文有三:謂彌陀名號,是標念境;執持一心,是明念法;一日七日,是剋念期。

(Sớ: Đoạn kinh văn kế tiếp gồm có ba phần: Nói đến danh hiệu Di Đà nhằm nêu ra niệm cảnh. Chấp trì và nhất tâm là nêu rõ cách niệm. Một ngày [cho đến] bảy ngày là ấn định kỳ hạn niệm Phật).


“Cảnh” (境) là nói tới cảnh giới.


(Diễn) Niệm cảnh giả, tức sở quán chi lý; niệm pháp, tức năng quán chi trí.

(演)念境者,即所觀之理;念法,即能觀之智。

(Diễn: Niệm cảnh là cái lý được quán, niệm pháp là cái trí để quán [cái lý ấy]).


Đều dùng cách giải thích của tông Thiên Thai. Một câu A Di Đà Phật là đức hiệu của tự tánh lý thể. Từ kinh Đại Bổn và kinh này, đối với tầng ý nghĩa này, có thể nói là chúng ta đều có mức độ thấu hiểu kha khá. Ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu này xác thực là sâu rộng, chẳng có ngằn mé, xác thực là toàn thể của chân tâm trong tự tánh. Theo Đàn Kinh, khi khai ngộ, Lục Tổ đại sư đã nói ra năm câu, chẳng có câu nào ra ngoài những ý nghĩa được bao hàm trong một câu danh hiệu [A Di Đà Phật] này. Do vậy có thể biết, câu danh hiệu này chẳng có pháp thế gian hay xuất thế gian nào là chẳng bao trùm.

“Chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”, câu này là phương pháp. Ở đây, đại sư đã chỉ ra “năng quán chi trí”. Câu này hết sức hay. Vì có những người hiểu lầm “do niệm Phật thì nhiều nhất là có thể đắc Định, niệm đến mức tâm thanh tịnh, chứ người niệm Phật chẳng có trí huệ Bát Nhã”. Khá nhiều kẻ có sự nhận biết sai lầm ấy, trọn chẳng biết “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn” là trí huệ tối thượng thừa. Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền chọn lựa pháp môn này. Trong Đại Kinh, chúng ta thấy Di Lặc Bồ Tát cũng chọn lựa pháp môn này. Di Lặc Bồ Tát không chỉ chọn lựa trong kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Di Đà cũng nêu tên Ngài. A Dật Đa (Ajita)[1] chính là tên của Ngài. Có thể thấy là những vị Đẳng Giác Bồ Tát đều chọn lựa pháp môn này, chẳng thể nói các Ngài không có trí huệ.


(Sao) Phi cảnh, tắc pháp vô sở thi.

(鈔)非境,則法無所施。

(Sao: Chẳng có cảnh, sẽ chẳng có pháp nào để thực hiện).


Cảnh giới là phương hướng và mục tiêu, cũng là điều chúng ta mong cầu. Nếu chẳng có điều này, tất cả hết thảy các phương pháp rốt cuộc đều dẫu có mà như không. Dẫu phương pháp tốt đẹp đến mấy mà chẳng có mục tiêu thì cũng trở thành rỗng tuếch.


(Sao) Phi pháp, tắc cảnh vi hư lập.

(鈔)非法,則境為虛立。

(Sao: Chẳng có pháp thì cảnh chỉ được kiến lập suông).


Chẳng có phương pháp tốt đẹp, A Di Đà là Chân Như bản tánh của chúng ta, vĩnh viễn chẳng thể chứng đắc Chân Như bản tánh ấy.


(Sao) Phi kỳ, tắc tuy cảnh thắng, pháp cường, giải đãi, nhân tuần, công bất tốc kiến.

(鈔)非期,則雖境勝法強,懈怠因循,功不速建。

(Sao: Chẳng có kỳ hạn thì tuy cảnh thù thắng, pháp mạnh mẽ, nhưng vì biếng nhác, chần chừ, công phu chẳng được kiến lập nhanh chóng).


Nếu chẳng có kỳ hạn nhất định để đạt tới, sự tu hành sẽ xa vời vợi, khi nào thì mới có thể thành tựu? Hễ thời gian lâu dài, người ta sẽ giải đãi, lười nhác. Nói cách khác, tinh thần chẳng thể phấn chấn được! Nhất định là phải ấn định một kỳ hạn, định ra một thời khóa biểu hằng ngày, trong một thời gian bao lâu đó, chúng ta nhất định phải hoàn thành đại sự này. Do vậy, ba điều kiện “cảnh, pháp, kỳ hạn” thiếu một cũng không được!


(Sao) Tam sự cụ cố, năng linh tịnh nghiệp quyết định thành tựu.

(鈔) 三事具故,能令淨業決定成就。

(Sao: Do ba chuyện ấy đầy đủ, có thể khiến cho tịnh nghiệp quyết định thành tựu).


Ở đây, Liên Trì đại sư dùng lời lẽ hết sức khẳng định, khiến cho chúng ta xem xong, chẳng còn có mảy may hoài nghi nào nữa! Tiếp đó, Ngài giải thích tỉ mỉ ba điều kiện “cảnh, pháp, ấn định kỳ hạn”.

/ 289