/ 289
315

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 220

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi ba.

 

  (Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập sanh bỉ quốc độ. Dĩ thượng giai Bồ Tát quảng đại trí hạnh, phi khả dị thực, dị tu. Kim trì danh công đức, tựu sử thập tâm vị bị, thập nguyện vị tề, tịnh nghiệp nhất thành, tiện sanh bỉ quốc. Ký đắc vãng sanh, thử tâm, thử nguyện, tự nhiên thành tựu, khởi phi đa thiện căn phước đức hồ? Bất kinh vu khúc, thị vị trực tiệp; vô chư phiền tỏa, thị vị giản dị. Trực tiệp nhi thâm tạo, giản dị nhi quảng hoạch, chư dư pháp môn chi sở bất cập, thị vị thù thắng.

(鈔)華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。以上皆菩薩廣大智行,非可易植易修。今持名功德,就使十心未備,十願未齊,淨業一成,便生彼國。既得往生,此心此願,自然成就,豈非多善根福德乎。不經迂曲,是謂直捷;無諸煩瑣,是謂簡易。直捷而深造,簡易而廣獲,諸餘法門之所不及,是謂殊勝。

(Sao: “Mười nguyện Hoa Nghiêm”: Một là lễ kính chư Phật, cho đến mười là hồi hướng trọn khắp, cũng dùng mười nguyện này để sanh về cõi nước ấy. Những điều trên đây đều là trí hạnh rộng lớn của Bồ Tát, chẳng thể dễ gieo, dễ tu. Nay do công đức của trì danh bèn khiến cho [hành nhân tuy] mười tâm chưa đầy đủ, mười nguyện chưa bằng [với Phổ Hiền Bồ Tát], nhưng hễ tịnh nghiệp đã thành, liền sanh về cõi ấy. Đã được vãng sanh thì tâm ấy và nguyện ấy tự nhiên thành tựu, há chẳng phải là nhiều thiện căn, lắm phước đức hay chăng? Chẳng phải quanh co, nên nói là “thẳng chóng”. Không có các nỗi rắc rối, nên nói là “đơn giản, dễ dàng”. Thẳng chóng mà thành tựu sâu xa; đơn giản, dễ dàng mà thu hoạch rộng lớn, các pháp môn khác chẳng sánh bằng, nên nói là “thù thắng”).

 

  Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát chính là pháp được tu học bởi các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị trong hội Hoa Nghiêm, dùng công đức tu hành ấy để vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm, chẳng có vị nào không tu mười nguyện Phổ Hiền. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Kinh văn của ba bộ kinh ấy có giản lược [hay chi tiết] khác nhau, nhưng có thể nói là nghĩa lý và cảnh giới chẳng có mảy may sai biệt. Chúng ta có thể tin tưởng điều này, ông ta chẳng tùy tiện thốt ra lời ấy. Nhất là nay chúng ta xem đoạn khai thị này của Liên Trì đại sư, càng đáng cho chúng ta cảnh giác sâu xa!

  “Bồ Tát quảng đại trí hạnh, phi khả dị thực, dị tu” (Trí hạnh rộng lớn của Bồ Tát chẳng phải là dễ gieo, dễ tu): “Thực” (植) là gieo trồng, vun bồi, cũng là gặp gỡ, chẳng dễ gì gặp gỡ. Chẳng dễ gì gieo trồng, vun bồi, chẳng dễ gì tu học! Nay chúng ta có được phương pháp kỳ diệu nhất trong Đại Kinh là trì danh niệm Phật. Công đức trì danh “tựu sử thập tâm vị bị” (khiến cho mười tâm chưa đầy đủ), “thập tâm” chính là mười thứ tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong kinh Bảo Tích, đó là pháp tu của Bồ Tát, chúng ta chưa tu, chưa có đủ mười tâm ấy. “Thập nguyện vị tề” nghĩa là chúng ta cũng chẳng tu mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát giống như Ngài. Chẳng cần nói tới Phổ Hiền Bồ Tát, ngay cả địa vị Bồ Tát thấp nhất trong hội Hoa Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, chúng ta cũng chẳng bằng người ta, thế nhưng “tịnh nghiệp nhất thành, tiện sanh bỉ quốc” (tịnh nghiệp vừa thành, liền sanh về cõi ấy).

  Điều then chốt trong hiện thời chính là tịnh nghiệp. Nghiệp là gì? Trước hết, phải hiểu rõ ràng, minh bạch hai chữ ấy. Hiện thời gọi Nghiệp là “hoạt động”, cổ nhân nói là “tạo tác”. Động tác nơi thân chúng ta gọi là “thân nghiệp”, ngôn ngữ nơi miệng gọi là “khẩu nghiệp”. Trong tâm, khởi tâm động niệm được gọi là “ý nghiệp”. Ba nghiệp có thanh tịnh hay không? Nay chúng ta lại phải hỏi: Ba nghiệp thanh tịnh là gì? Chẳng thanh tịnh là gì? Thanh tịnh và không thanh tịnh có một tiêu chuẩn: Bị nhuốm bẩn thì chẳng thanh tịnh, chẳng bị nhuốm bẩn bèn là thanh tịnh. Nhuốm bẩn là gì? Trong là vọng tưởng, chấp trước; ngoài là sáu trần dụ dỗ, mê hoặc. Tướng cảnh giới bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, nội tâm quý vị có bị nhuốm bẩn hay không? Bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, thuận với ý nghĩ của quý vị bèn dấy lòng tham ái. Tham ái là nhuốm bẩn, nghiệp bất tịnh. Hễ trái ý [tâm bèn nẩy sanh ý niệm] chán ghét, ganh tỵ, oán hận, thì cũng là nhuốm bẩn. Nói cách khác, thất tình ngũ dục là nhuốm bẩn. Nếu ba nghiệp của quý vị còn có nhuốm bẩn, sẽ chẳng thành công, chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh thì ba nghiệp phải thanh tịnh. Nói thật ra, công phu ấy cũng chẳng khác với tiêu chuẩn đã nói trong kinh Kim Cang cho mấy: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều phải đạt tới “chẳng chấp tướng, như như bất động”. Đó là tu tịnh nghiệp; muốn vãng sanh trong một đời này thì nhất định phải ghi nhớ điều này.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289