/ 289
433

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 198

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ một, phần này nói về Thập Nhị Nhân Duyên, tức là sự tu chứng của bậc Duyên Giác.

 

  (Diễn) Thúc chi bất xuất Tứ Đế giả, nhược Lưu Chuyển Môn, Vô Minh, Ái, Thủ tam chi thị Phiền Não Đạo, Hành, Hữu nhị chi thị Nghiệp Đạo, thử ngũ chi vi Tập Đế, Thức, Danh Sắc đẳng thất chi vi Khổ Đế.

(演)束之不出四諦者,若流轉門,無明愛取三支是煩惱道,行有二支是業道,此五支為集諦,識名色等七支為苦諦。

(Diễn: “Tóm lại, chẳng ra ngoài Tứ Đế”: Nếu xét theo Lưu Chuyển Môn, ba chi Vô Minh, Ái, Thủ là Phiền Não Đạo, hai chi Hành và Hữu là Nghiệp Đạo. Năm chi này là Tập Đế, bảy chi Thức, Danh Sắc v.v… là Khổ Đế).

 

  Tuy Thập Nhị Nhân Duyên nói khá tỉ mỉ, nhưng quy nạp lại, vẫn chẳng ra ngoài Tứ Đế. Tứ Đế là nói tới Khổ, Tập, Diệt, Đạo, trong Tập Đế là khởi Hoặc, tạo nghiệp. Vô Minh là phiền não trong quá khứ, Ái và Thủ là phiền não trong hiện tại. Ba chi này đều thuộc về phiền não, nên quy nạp vào Hoặc, Nghiệp, Khổ thì [ba chi ấy] là mê hoặc. Do mê hoặc nên mới có [quả báo là Khổ]. Ở đây, chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ, Vô Minh là chuyện thuộc đời quá khứ, chẳng thể làm gì được! Hiện thời, nếu sanh lòng tham ái hết thảy các pháp, nếu mong tưởng chấp trước, giữ lấy, thì chấp trước, giữ lấy là chiếm hữu, phải giác ngộ! Những điều ấy đều là mê hoặc, điên đảo.

  Hành là tạo nghiệp trong đời quá khứ, Hữu là hiện tại, tức là tạo nghiệp trong một đời này. Đã có nghiệp, đương nhiên sẽ có quả báo. Hai chi Hành và Hữu là tạo nghiệp. Do vậy có thể biết, chúng ta có dục vọng chiếm hữu, Phật môn nói là tạo nghiệp. Thiện nghiệp có thiện báo, ác nghiệp có ác báo, ác báo là trong ba ác đạo, thiện nghiệp ở trong ba thiện đạo. Nói chung, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi; do đó, chớ nên tạo nghiệp. Không tạo nghiệp, câu này nói dễ dàng quá, thực hiện rất khó! Vì sao? Khởi tâm động niệm đều đang tạo nghiệp, làm thế nào được nữa!

  Hết thảy các pháp môn đều nhằm giúp chúng ta đoạn Hoặc, tiêu nghiệp, xuất ly lục đạo luân hồi. Trong hết thảy các pháp môn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, không gì hơn pháp môn Niệm Phật. Trong mười hai thời, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối, trong tâm tưởng Phật, niệm Phật, hết thảy thời, hết thảy chỗ đều chẳng quên mất câu Phật hiệu này, đấy cũng là đang tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Tạo tịnh nghiệp, tạo nghiệp niệm A Di Đà Phật, kể ra nghiệp ấy cũng khá lắm, vì sao? Trong tam giới lục đạo chẳng có, [tức là] trong ba thiện đạo chẳng có A Di Đà Phật, trong ba ác đạo cũng chẳng có A Di Đà Phật, đó là tịnh nghiệp. Tạo tịnh nghiệp, tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trừ con đường này ra, thưa thật cùng quý vị, chúng ta chẳng tìm thấy con đường thứ hai nào dễ đi! Chúng ta phải tạo tịnh nghiệp, nghiệp thiện và ác đều chớ nên tạo. Không chỉ là chớ nên tạo ác nghiệp, mà thiện nghiệp cũng chẳng làm; như vậy thì mới có thể xuất ly.

  Vô Minh, Ái, Thủ, Hành, Hữu, năm điều này là Tập Đế. Trừ năm điều ấy ra, bảy điều kia là Khổ Đế. Từ Thức đến Thọ đều là quả báo trong một đời này. Quá khứ tạo nhân, hiện tại lãnh chịu quả. Ái, Thủ, Hữu là tạo nhân hiện tại. Sanh, Lão, Tử là quả báo trong đời sau. Nếu quý vị hỏi lục đạo luân hồi do đâu mà có, thì Thập Nhị Nhân Duyên đã giảng rành mạch, rõ ràng. Điều này được gọi là Lưu Chuyển Môn. Lưu Chuyển là đi theo thứ tự thuận, đó là tạo tác lục đạo luân hồi. Nếu ngược lại thì…

 

  (Diễn) Nhược Hoàn Diệt Môn, diệt tiền Thập Nhị Nhân Duyên chi trí vi Đạo Đế, chứng tịch diệt lý vi Diệt Đế.

  (演)若還滅門,滅前十二因緣之智為道諦,證寂滅理為滅諦。

  (Diễn: Nếu là Hoàn Diệt Môn, cái trí diệt mười hai nhân duyên trên đây là Đạo Đế, chứng lý tịch diệt là Diệt Đế).

 

  Quý vị hãy giác ngộ trong chốc lát, vì sao con người có già, chết? Vì có sanh. Chẳng có sanh, sẽ chẳng có già, chết. Sanh có tốt đẹp gì? Hậu quả của sanh là già, chết. Vì sao có sanh? Vì có Thủ. Vì sao có Thủ? Vì có Ái! Quý vị truy ngược lại để tìm nguyên nhân của chúng, đó là trí huệ. Đối với Thập Nhị Nhân Duyên, chỉ cần đoạn một điều trong mười hai điều, lục đạo luân hồi chẳng còn nữa. Đoạn từ chỗ nào? Thưa cùng chư vị, phải đoạn từ nhân và duyên, chứ đoạn nơi quả chẳng được! Có những kẻ ngu si, cảm thấy cuộc sống rất đau khổ liền tự sát. Tự sát là đoạn nơi quả, chẳng đoạn được. Đã tự sát, chẳng đầy mấy ngày lại đầu thai, lại sanh ra, vẫn phải luân hồi trong lục đạo! Vì vậy, tự sát chẳng phải là hết chuyện, chẳng thể giải quyết vấn đề. Không chỉ chẳng thể giải quyết vấn đề, mà chỉ càng làm cho vấn đề tệ hại hơn, đời sau chẳng biết sẽ khổ hơn đời này bao nhiêu lần, đừng làm như thế! Phải đoạn từ nơi nhân, [đoạn] từ nơi nhân là đoạn nơi Tập Đế, chứ Khổ Đế chẳng có cách nào đoạn được, [bởi lẽ], Khổ là quả! Đối với Tập, chúng ta biết Vô Minh và Hành thuộc về đời quá khứ, đời quá khứ thì làm sao quý vị có thể đoạn được? Chỉ trong đời hiện tại thì xét trong Thập Nhị Nhân Duyên, đời hiện tại chỉ có ba chi là Ái, Thủ, Hữu. Trong ba chi Ái, Thủ, Hữu, có thể đoạn một chi. Hoặc là quý vị đoạn trừ Ái, đoạn trừ Thủ, đoạn trừ Hữu, đoạn một chi trong ba chi ấy là được, sẽ thoát lìa lục đạo luân hồi. Đó gọi là Hoàn Diệt Môn. Quý vị có trí huệ, biết chân tướng sự thật, biết thực hiện từ chỗ nào, đó là Đạo Đế. Đạo là phương pháp, cửa nẻo, quý vị đã tìm được. Thật sự vượt thoát luân hồi, liễu sanh tử, đó chính là Diệt Đế. Chứng lý tịch diệt là Diệt Đế. Đây là nói rõ Thập Nhị Nhân Duyên chẳng ra ngoài Tứ Đế.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289