/ 289
593

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 188


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm tám mươi tám:


(Sớ) Quang minh vô lượng, thị vô lượng chi nhất nghĩa, kim ngôn thọ mạng diệc vô lượng dã. Phật thọ hữu tam, Pháp Thọ, Báo Thọ, Ứng Thọ, như Pháp Hoa cập Quán Kinh Sớ trung thuyết. Nhiên Phật thọ vô lượng, tùy cơ sở kiến, kim chi vô lượng, diệc khả tức vô lượng chi vô lượng.

(疏)光明無量,是無量之一義,今言壽命亦無量也。佛壽有三,法壽,報壽,應壽,如法華及觀經疏中說。然 佛壽無量,隨機所見,今之無量,亦可即無量之無量。

(Sớ: Quang minh vô lượng là một nghĩa trong vô lượng nghĩa, nay nói thọ mạng cũng vô lượng. Phật thọ có ba loại là Pháp Thọ, Báo Thọ, và Ứng Thọ, như kinh Pháp Hoa và Quán Kinh Sớ đã nói. Nhưng Phật thọ vô lượng, tùy theo căn cơ mà thấy [sai khác], vô lượng ở đây cũng có thể chính là vô lượng của vô lượng).


Trong kinh Di Đà, danh hiệu của Phật hiển thị Vô Lượng Thọ là chủ thể, mà cũng là điều quan trọng nhất. Nếu chẳng có thọ mạng, hết thảy vô lượng đều như không, ai hưởng thụ? Vì thế, thọ mạng là Thể của hết thảy vô lượng. Có thọ mạng thì quý vị mới có thể thọ dụng hết thảy các thứ vô lượng. A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc được gọi là Vô Lượng Thọ, rốt cuộc là vô lượng thật sự hay vô lượng giả? Chắc là nhiều người suy nghĩ vấn đề này, và cũng đều đã từng hỏi. Vì trong kinh đã nói rõ ràng, trong tương lai A Di Đà Phật sẽ nhập diệt, Quán Âm Bồ Tát kế tiếp thành Phật. Sau khi Quán Âm Bồ Tát thành Phật, thọ mạng cũng là vô lượng. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, Đại Thế Chí lại nối tiếp thành Phật. Thoạt nhìn như vậy, thọ mạng của A Di Đà Phật vẫn là có hạn lượng. Do đó, có người nói “vô lượng” ở đây là “hữu lượng chi vô lượng”, [có nghĩa là do] số lượng quá lớn, nên chúng ta chẳng thể tính ra, [bèn gọi là “vô lượng”]. Cách nói của Liên Trì đại sư ở đây là chỉ rõ: “Tùy cơ sở kiến” (Tùy theo cái thấy của từng căn cơ). Thật ra, thọ mạng của A Di Đà Phật thật sự là “vô lượng chi vô lượng”[1], chẳng phải là một con số.

Phật Di Đà thọ mạng đã là thật sự vô lượng, phàm người nào sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, do thọ mạng giống như Phật, nên cũng biến thành vô lượng thật sự. Ngoại giáo thường nói thật sự vô lượng thọ là “sống đời đời”. Nói thật ra, chỉ trong Phật môn mới có “sống đời đời”, ngoài Phật môn mà mong sống đời đời sẽ là chuyện chẳng thể nào có được! Phàm phu muốn chứng đắc “sống đời đời” ngay trong một đời, chỉ có pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ này. Trừ pháp môn này ra, tu học những pháp môn khác, nói theo lý luận thì có thể thông suốt, nhưng trên sự thật chẳng dễ gì làm được. Chỉ riêng pháp môn này là Lý Sự viên dung, ai nấy đều có thể thành tựu.


(Sao) Thọ mạng giả, thọ chi sở lịch, hữu đoản, hữu trường. Kim đương giảm kiếp, thọ cẩn bách niên, bỉ tăng kiếp thời, diệc chỉ bát vạn. Túng Luân Vương, Thiên Đế, chư Phật trụ thế, diệc hữu hạn lượng.

(鈔)壽命者,壽之所歷,有短有長。今當減劫,壽僅百年,彼增劫時,亦止八萬。縱輪王天帝,諸佛住世,亦有限量。

(Sao: “Thọ mạng” là thời gian sống có dài, hay ngắn. Nay đang trong thời giảm kiếp, chỉ thọ một trăm năm. Trong thời tăng kiếp, cũng chỉ thọ tám vạn năm. Dẫu là Luân Vương, Thiên Đế, chư Phật trụ thế cũng có hạn lượng).


Hết thảy chúng sanh ở trong lục đạo, thọ mạng có dài hay ngắn. Thọ mạng là một trong các quả báo. Chư vị đọc kỹ Liễu Phàm Tứ Huấn, sẽ biết thọ mạng của mỗi người quả thật đều có nhất định. Phật pháp thừa nhận chúng sanh trong lục đạo quả thật có thọ mạng, nhưng trọn chẳng phải là “định mạng” (có thọ mạng nhất định, không hề thay đổi)! Nói thật ra, thọ mạng dài hay ngắn do chính mình nắm quyền thao túng. Người thọ mạng dài, nếu hằng ngày tạo nghiệp, mạng dài sẽ biến thành mạng ngắn. Người thọ mạng ngắn, hằng ngày làm việc thiện, do thiện nghiệp cảm vời, mạng ngắn ngủi sẽ biến thành mạng dài. Từ Liễu Phàm Tứ Huấn, quý vị có thể đạt được kết luận cụ thể. Thọ mạng có thể kéo dài, đây là chuyện khó khăn nhất, huống hồ những phước báo khác? Các phước báo khác, nếu trong mạng chẳng có mà muốn cầu đạt được [thì so ra] vẫn dễ dàng hơn; trong hết thảy các sở cầu, thọ mạng là khó khăn nhất. Mọi người đều hy vọng sống lâu, sống lâu thì phải khỏe mạnh mới tốt. Nếu sống lâu mà chẳng khỏe mạnh, thường ngã bệnh, sẽ rất đau khổ. Nếu thọ mạng dài, chẳng biết học Phật, tuổi cao sẽ hết sức cô quạnh. Nhất là trong hiện thời tại ngoại quốc, người già bên ngoại quốc tự sát hết sức nhiều, mỗi năm một tăng nhiều hơn, vì sao? Quá đỗi cô quạnh, lại còn bị bệnh khổ, bệnh cũ rề rề, rất đau khổ! Đức Phật nói tám khổ, trong đó còn có lão khổ, [bốn nỗi khổ thấy rõ nhất là] sanh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ!

/ 289