/ 289
707

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 178


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi bốn:


(Sao) Nhược cứ Bất Nhị môn trung, tham, sân, si tức Giới, Định, Huệ, tắc thiện đạo, ác đạo, tất giai như huyễn. Huyễn vô tự tánh, duy thị nhất tâm, nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.

(鈔) 若據不二門中,貪瞋痴即戒定慧,則善道惡道,悉皆如幻,幻無自性,唯是一心,一心不生,萬法俱息。

(Sao: Nếu xét theo môn Bất Nhị, tham, sân, si chính là Giới, Định, Huệ, vậy thì thiện đạo và ác đạo thảy đều như huyễn. Huyễn chẳng có tự tánh, chỉ là nhất tâm. Do nhất tâm không sanh, nên muôn pháp đều dứt bặt).


Đây là đoạn Xứng Lý thứ hai. Đoạn này còn sâu hơn đoạn “tự tánh bổn cụ Như Huyễn pháp môn” (tự tánh vốn trọn đủ pháp môn Như Huyễn) trong phần trước. Đoạn Xứng Lý trong phần trên là Lý Sự vô ngại, đoạn này đạt đến tột đỉnh, cũng chính là cảnh giới Sự Sự vô ngại được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Xin xem lời chú giải của sách Diễn Nghĩa.


(Diễn) Tham, sân, si tức Giới, Định, Huệ giả.

(演) 貪瞋痴即戒定慧者。

(Diễn: Tham, sân, si chính là Giới, Định, Huệ).


Tham, sân, si gọi là Tam Độc; Giới, Định, Huệ được gọi là Tam Học. Cớ sao Tam Độc là Tam Học? Vấn đề này cũng rất lớn, quyết định chớ nên hiểu lầm ý nghĩa!


(Diễn) Dĩ vô thỉ Pháp Tánh vi vô minh, cố kim vô minh tức Pháp Tánh. Pháp Tánh vi vô minh, cố thành tham, sân, si. Vô minh tức Pháp Tánh, cố tức Giới, Định, Huệ. Như thanh thủy, trược thủy thấp tánh vô thù, Tam Học, Tam Độc thể tánh bất nhị dã.

(演) 以無始法性為無明,故今無明即法性。法性為無明,故成貪瞋痴;無明即法性,故即戒定慧。如清水濁水濕性無殊,三學三毒體性不二也。

(Diễn: Do vô thỉ Pháp Tánh là vô minh, nên nay vô minh chính là Pháp Tánh. Do Pháp Tánh là vô minh, nên trở thành tham, sân, si. Do vô minh chính là Pháp Tánh, nên chính là Giới, Định, Huệ. Như tánh ướt của nước trong và nước đục chẳng khác nhau, thể tánh của Tam Học và Tam Độc chẳng hai).


Câu chú giải này giảng khá rõ ràng, nhưng người sơ học xem vẫn không hiểu. Chúng ta hãy nên hiểu: Tam Độc và Tam Học đều là nghiệp dụng. Nay chúng ta gọi Nghiệp là hoạt động. Hoạt động là tạo nghiệp, thuộc về Dụng. Dụng đương nhiên có Thể. Có Thể và có Tướng, đương nhiên có tác dụng. Tam Học và Tam Độc đều là tác dụng. Nếu truy cứu bản thể của chúng, bản thể là tự tánh, hiện tướng (tướng được biến hiện bởi bản thể) của nó là mười pháp giới. Lục đạo phàm phu khởi tác dụng là Tam Độc, tứ thánh pháp giới khởi tác dụng là Tam Học. Do vậy có thể biết, Tam Học có sự sai biệt sâu hay cạn khác nhau. Cạn một chút là Thanh Văn, Duyên Giác, sâu là Bồ Tát, Phật. Tam Độc cũng có cạn sâu khác nhau. Cạn một chút là thiên, nhân, nặng hơn là tam ác đạo. Do vậy có thể biết, tác dụng của tự tánh được quy nạp thành Tam Học và Tam Độc, nhưng thể tánh của chúng đều là tự tánh. Xét theo tự tánh, sẽ chẳng có sai biệt, toàn là do tự tánh biến hiện. Biết Tam Độc và Tam Học đều là tự tánh khởi dụng, nên chúng là một, không hai. Tam Độc là tác dụng của tự tánh, Tam Học cũng là tác dụng của tự tánh, đương nhiên nói theo tác dụng thì là một. Vì sao có tác dụng khác nhau? Điều này phải nói đến sự phân biệt giữa mê và ngộ. Tác dụng của giác ngộ là Tam Học, tác dụng của mê hoặc là Tam Độc. Chư vị phải hiểu mê và ngộ chẳng hai. Vì sao mê và ngộ chẳng hai? Mê là mê tự tánh, ngộ là ngộ tự tánh. Mê và ngộ đều chẳng lìa tự tánh. Xét theo tự tánh, chẳng có mê hay ngộ, mà do chính chúng ta mê tự tánh hoặc ngộ tự tánh.

Nói theo tự tánh, tự tánh chẳng có mê hay ngộ, vì thế, nói là “mê và ngộ bất nhị”. Phải tư duy cặn kẽ Lý này. Trong Phật pháp, nói thật ra, không quá coi trọng tư duy. Phật pháp yêu cầu tham cứu, cũng có thể nói như chúng ta trong hiện thời là phải nghiêm túc lãnh hội cặn kẽ. Vì quý vị thật sự lãnh hội chân tướng sự thật này, nếu quý vị thật sự thấu hiểu, sẽ có biến chuyển rất lớn trong cuộc sống hiện tiền. Nhà Phật nói là “lìa khổ, được vui”, quý vị mới có thể thật sự được an lạc. Để thật sự đạt được vui sướng thì phải thấu hiểu chỗ này. Nếu không, chúng ta nói đến lạc thì quá nửa là sự vui tương đối trong khổ lạc, chẳng phải là lạc chân thật. Hiểu rõ đạo lý ở chỗ này, lạc sẽ là thật, vì sao? Nó chẳng phải là lạc trong khổ lạc tương đối, mà là pháp hỷ lưu xuất từ tự tánh. Nếu quý vị hỏi: “Do nguyên nhân gì?” Chúng tôi nói đơn giản: Dẫu quý vị chẳng thể phá sạch phân biệt, chấp trước, thì chúng cũng phai nhạt. Phân biệt, chấp trước đã nhạt bớt, nỗi khổ liền giảm thiểu. Nói thật thà, vô lượng vô biên các nỗi khổ trong thế gian này do đâu mà có? Do phân biệt, chấp trước mà có. Nếu quý vị chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng dấy vọng tưởng đối với hết thảy các pháp, lấy đâu ra khổ? Nhưng chúng ta chẳng thể dẹp tan vọng tưởng, chấp trước, do nguyên nhân nào? Chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Đoạn kinh văn này dạy chúng ta chân tướng sự thật, chuyện này được đức Phật nói rất nhiều trong các kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Do kinh văn của kinh Hoa Nghiêm dài, nên có thể tận hết sức phát huy, nói cặn kẽ thâm nhập.

/ 289