/ 289
427

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 115

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bốn mươi sáu:

 

  Nhị, liệt danh.

  (Kinh) Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát.

  二、列名。

(經)文殊師利法王子。阿逸多菩薩。乾陀訶提菩薩。常精進菩薩。

  (Hai, nêu tên.

  Kinh: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát).

 

Kinh này nêu tên bốn vị Bồ Tát, vị thứ nhất là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử.

 

  (Sớ) Văn Thù Sư Lợi giả, thử vân Diệu Thủ, diệc vân Diệu Cát Tường, diệc vân Diệu Đức.

  (疏)文殊師利者,此云妙首,亦云妙吉祥,亦云妙德。

  (Sớ: Văn Thù Sư Lợi, cõi này dịch là Diệu Thủ, còn dịch là Diệu Cát Tường, hoặc còn dịch là Diệu Đức).

  Trước tiên giới thiệu ý nghĩa của danh hiệu Bồ Tát. Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī) là tiếng Phạn, [danh hiệu này chính] là dịch âm tiếng Ấn Độ, nghĩa tiếng Hán là Diệu Thủ. Thủ (首) là bậc nhất. Diệu Thủ có nghĩa là “vi diệu bậc nhất”. Cũng dịch là Diệu Cát Tường, hoặc dịch là Diệu Đức. Ba ý nghĩa này tương thông. Diệu Thủ, Diệu Cát Tường, Diệu Đức, ý nghĩa như nhau, chỉ là cách dịch khác nhau. Vị Bồ Tát này tượng trưng cho trí huệ bậc nhất.

 

  (Sớ) Pháp Vương Tử giả, Phật vi Pháp Vương, Bồ Tát nhập pháp chánh vị, danh Pháp Vương Tử.

  (疏)法王子者,佛為法王,菩薩入法正位,名法王子。

  (Sớ: “Pháp Vương Tử”: Phật là Pháp Vương, Bồ Tát nhập chánh pháp vị, gọi là Pháp Vương Tử).

 

  Vương có nghĩa là Tự Tại. Trong hết thảy các pháp, đức Phật đại tự tại; vì thế, gọi là Pháp Vương. Ở đây, phải chú ý Bồ Tát “nhập pháp chánh vị”. Nhập pháp chánh vị chỉ điều gì? Thế nào mới là pháp chánh vị? Đây là nói về bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát sẽ lập tức thuộc địa vị Hậu Bổ Phật. Chúng ta thường gọi Bồ Tát thuộc địa vị ấy là Pháp Vương Tử.

 

  (Sớ) Hựu thủ cử Văn Thù giả, lệ tiền Xá Lợi Phất nghĩa.

  (疏) 又首舉文殊者,例前舍利弗義。

  (Sớ: Lại nữa, nêu tên ngài Văn Thù đầu tiên, có ý nghĩa giống như Xá Lợi Phất trong phần trước).

 

  Xếp Văn Thù Bồ Tát đầu tiên, có ý nghĩa biểu thị pháp giống như mười sáu vị tôn giả trong phần trước. Vì trong phần Thanh Văn chúng ở trên, Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất được nêu tên đầu tiên. Trong hàng Bồ Tát cũng giống như vậy, trong hết thảy các Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi đại diện cho trí huệ đệ nhất. Điều này nói rõ: Nếu chẳng phải là người trí huệ bậc nhất sẽ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng bộ kinh này. Phàm ai có thể tin, nguyện, trì danh cầu vãng sanh, đều là trí huệ bậc nhất. Nếu không có trí huệ đệ nhất, nói thật ra, sẽ chẳng thể chọn lựa pháp môn này. Pháp môn này là pháp môn độc nhất thành Phật trong một đời, chỉ có người trí huệ bậc nhất mới có thể chọn lựa, mới có thể tin nhận, phụng hành.

 

  (Sao) Văn Thù Sư Lợi, diệc vân Mạn Thù Thất Lợi.

  (鈔) 文殊師利,亦云曼殊室利。

  (Sao: Văn Thù Sư Lợi, còn gọi là Mạn Thù Thất Lợi).

 

  Cũng là dịch âm tiếng Phạn.

 

  (Sao) Ngôn Diệu Thủ đẳng giả.

  (鈔) 言妙首等者。

  (Sao: Nói là Diệu Thủ v.v...)

 

  Đây là dịch ý, Diệu Thủ, Diệu Cát Tường, Diệu Đức, có nhiều cách dịch như thế.

 

  (Sao) Chuẩn Hoa Nghiêm tông, biểu tam pháp môn, viết Tín, Hạnh, Trí.

  (鈔) 準華嚴宗,表三法門,曰信行智。

  (Sao: Theo tông Hoa Nghiêm, [ba cách dịch ấy] biểu thị ba pháp môn là Tín, Hạnh, Trí).

 

  Văn Thù và Phổ Hiền đều là Đại Bồ Tát trong hội Hoa Nghiêm, [cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật] các Ngài được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Trong hội Hoa Nghiêm, các Ngài có địa vị giống như Quán Âm và Thế Chí trong thế giới Cực Lạc. Vì Ngài biểu thị ba pháp môn Tín, Hạnh, Trí, tức là đại diện cho Tín, Hạnh và Trí; còn Phổ Hiền Bồ Tát biểu thị Nguyện và Hạnh; ngài Văn Thù là Tín, Hạnh, Trí, biểu trưng ba môn ấy.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289