/ 600
613

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 594

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 14.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 781 hàng thứ năm. Bắt đầu xem từ Phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa.

Phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa nói: Ta và mười phương Chư Phật, mới có thể biết được việc này, pháp này không thể nói, ngôn từ là tướng tịch diệt. Tất cả các loại chúng sanh khác, không ai có thể được giải thoát. Ngoài chư vị Bồ Tát, tín lực kiên cố”. Đây đều là nói rõ về tự tánh, pháp tánh, chân tâm, thật tướng, những danh từ này đều nói về một vấn đề. Vấn đề này hiện nay triết học gọi là bản thể. Những hiện tượng giữa vũ trụ, hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hoặc là nói hiện tượng tâm lý, hiện tượng tự nhiên từ đâu đến? Đến như thế nào? Nguồn gốc này, căn nguyên này chính là bản thể. Nương vào điều gì để sanh ra? Quả thật là khó nói, vì sao khó nói? Nó có thật, không phải không có, nếu không có, đâu ra nhiều hiện tượng như vậy! Nhưng tự tánh không phải hiện tượng.

Trong kinh điển đại thừa thường nói thật tướng các pháp, thật tướng không có hiện tượng, không phải vật chất, không phải tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên, nên không có cách nào để nói. Đức Phật đã dùng mười mấy danh xưng, người ngộ nhập biết rõ ràng, người chưa ngộ nhập rất khó lãnh hội, nói sao cũng cách một tầng. Tầng này là gì? Là mê hoặc. Không cách tầng này ta sẽ chứng đắc, sẽ ngộ nhập. Tầng này như trong đại thừa nói, khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, do điều này làm cách biệt. Nếu buông bỏ được điều này, thì vừa nghe là có thể hiểu ngay.

Vì sao Lục tổ Huệ Năng vừa nghe liền khai ngộ, liền kiến tánh? Thật sự thấy được. Thấy được tự tánh, tất cả pháp thế xuất thế gian đều thông đạt rõ ràng, không có gì không biết. Không cần học, tự nhiên mà biết được. Nhưng những thứ này, người chưa buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nói cũng không hiểu được, rất khó lãnh hội, đây là ba loại phiền não lớn.

Buông bỏ chấp trước, chứng được A la hán, thông minh hơn chúng ta. Đối với thật tướng, vẫn không cách nào lãnh hội được. Buông bỏ phân biệt là quyền giáo Bồ Tát, thông minh hơn A la hán. Thường thường nghe Phật pháp đại thừa, tri kiến chính xác, giải ngộ không phải chứng ngộ. Biết được có những điều này, bản thân như thế nào? Bản thân chưa buông bỏ vô thỉ vô minh, nên không thể chứng được. Vô thỉ vô minh nghĩa là khởi tâm động niệm.

Làm sao để chúng ta ở trong cảnh giới lục trần mà mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh không còn khởi tâm động niệm, đó là đã thấy được. Vừa nghe là lập tức hiểu được, không cần nói thêm. Quý vị xem Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói với đại sư Huệ Năng, chúng ta dự đoán nhiều nhất là hai tiếng, triệu kiến ngài lúc nửa đêm canh ba. Khi đã triệt ngộ không cần nói nữa, hoàn toàn thông suốt. Điều này chứng minh Đức Phật nói không sai: Tất cả chúng sanh vốn là Phật. Buông bỏ là thấu triệt tất cả.

Ngài Huệ Năng làm được, ta thử nghiên cứu xem vì sao ngài làm được. Bình thường ngài đối với tất cả mọi hiện tượng đều rất coi nhẹ. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, chúng ta thấy được hành nghi đời thường của ngài, cuộc sống rất đơn giản. Ngài không biết chữ, chưa tiếp xúc với bất kỳ loại văn hóa nào, người bây giờ gọi là người không có văn hóa. Cuộc sống dựa vào nghề đốn củi, bây giờ nghề này không còn. Khoảng tuổi của tôi, trong thời kỳ kháng chiến có bán củi, có bán nước, đi gánh nước về bán, vì lúc đó không có nước máy. Không có gas, không có điện, điện lực rất yếu ớt, không thể nấu bằng lò điện, điện lực không có nhiều. Nên phải nấu bằng củi, nấu bằng lò. Nhân dân trong thành mỗi ngày phải mua củi, mua nước, nên mới có nghề này, người ở nông thôn thường làm nghề này. Sáng sớm thức dậy, ra bờ sông gánh nước đem vào thành bán, lên núi đốn củi đem vào thành bán. Ngài Huệ Năng làm nghề này, ngài đối với tất cả người sự vật rất xem nhẹ. Không có phân biệt, không có chấp trước, người khác nói sao cũng tốt. Nhưng con người thời đó đều thật thà, không biết gạt người. Đại sư Huệ Năng là người vô cùng thật thà, thành thật. Không có chút giả dối nào, cũng không có chút mưu toan nào, ngài là một người như vậy. Bởi thế vừa nghe giáo lý đại thừa ngài liền hiểu ngay, hiểu là lập tức buông bỏ, không còn chấp trước, nên đã nhập vào cảnh giới Phật, ngài hiểu hết những gì Phật nói trong kinh. Vì sao vậy? Vì đó là cảnh giới của ngài.

/ 600