Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 575
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 03.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 762, chúng ta bắt đầu xem từ câu cuối cùng, hàng thứ 7 từ dưới đếm lên. Đoạn này ở trước đã học, nó rất quan trọng, nên chúng ta nói thêm một chút.
Lại An Lạc Tập trích dẫn trong Kinh Pháp Cú nói: “Đức Phật dạy: Thiện tri thức, có thể nói pháp thâm sâu, gọi là không, vô tướng, vô nguyện. Các pháp bình đẳng, không có nghiệp báo, không có nhân quả, cứu cánh như như, trú trong thật tế. Tuy ở trong tất cánh không, nhưng kiến lập tất cả pháp, gọi là thiện tri thức”.
Trong đoạn kinh văn này, “gặp thiện tri thức là khó, nghe pháp có thể hành trì, đây cũng gọi là khó”. Cầu học, cầu đạo, học Phật, thiện tri thức chúng là bậc thầy. Người thầy là nhân vật then chốt trong suốt cuộc đời học tập của chúng ta, họ ảnh hưởng chúng ta suốt cả đời. Cho nên ngày xưa cầu thầy là do cha mẹ, ông bà, ông bà cố, là một việc lớn nhất trong đời mình. Gia đình trong thời cổ đại là đại gia đình, con cháu rất nhiều, có mấy mươi người, cho nên gia học đặc biệt rất quan trọng. Ai chủ trì việc giáo dục đời sau? Đại khái đều là ông bà hoặc ông bà cố, họ đi khắp nơi tìm cầu thiện tri thức, tìm thầy giáo.
Thầy giáo thứ nhất phải có đức hạnh, thứ hai là có học vấn, thứ ba là biết cách dạy học, đây là thầy giáo giỏi. Lễ tiết mời thầy rất long trọng, thầy giáo vì cảm tạ ân tri ngộ đối với phụ huynh học sinh, nên họ dạy rất tận tâm tận lực.
Trong kinh điển nói về thầy giáo, đó thật sự là thầy giáo cao cấp nhất. Ở đây nói: “vì vị thiện tri thức này có thể nói pháp thâm sâu, đối với không, vô tướng, vô nguyện”, đây là trong đại thừa tiểu thừa nói đại tam không tam muội. Người có thể chứng được đại tam không tam muội, không phải là người bình thường, mà là thánh nhân! Có thể mời được người như vậy làm thầy, đây là hy vọng duy nhất trong mắt phụ huynh ngày xưa. Có thể cầu được một vị thầy như vậy, tâm lượng của người thầy này là các pháp bình đẳng. Các pháp bình đẳng là Bồ Tát, phàm phu không làm được! Nói cách khác đã đoạn kiến tư phiền não, và trần sa phiền não cũng đã đoạn, mới đến được cảnh giới này. Công phu của người này trên A la hán và Bích Chi Phật, đúng là không phải người bình thường.
“Không có nghiệp báo, không có nhân quả, cứu cánh như như, trú trong thật tế”, cảnh giới này càng cao. Bốn câu này là người minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Hạng người này là ai? Đức Thế Tôn là người như vậy. Người minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, trong Phật giáo đại thừa là chân thiện tri thức. Người thầy như vậy đúng là có thể gặp không thể cầu, người xưa gọi là đại thánh nhân. Nghiêu Thuấn Ngu Thang có thể lãnh được danh hiệu này, tâm địa thanh tịnh bình đẳng, đại công vô tư. Thật sự có thể làm được tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư, họ thật sự có thể làm được. Tác chi quân là người lãnh đạo quốc gia, tác chi thân là cha mẹ của dân. Họ có thể lãnh đạo nhân dân một nước đi đến con đường hạnh phúc mỹ mãn. Tác chi thân, là họ khiến cho mức độ cuộc sống của nhân dân không ngừng nâng cao, giáo huấn của tổ tông ngày càng hưng thịnh. Dõng mãnh tinh tấn đối với lời dạy trong Phật pháp, cầu tiến bộ không ngừng. Còn phải tác chi sư, phải cố gắng hướng dẫn nhân dân, nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, và tố chất của nhân dân. Từ phàm phu nâng lên quân tử, từ quân tử nâng đến hiền nhân, từ hiền nhân nâng lên đến thánh nhân. Đây là giáo dục lý tưởng, thầy giáo lý tưởng của thời cổ đại.
Vì phụ huynh cha mẹ trẻ tuổi, chưa đủ kinh nghiệm, nên trách nhiệm này đều là do ông bà, và ông bà cố, họ tìm cầu thầy giáo đến dạy dỗ đời sau.
“Trú trong tất cánh không, nhưng kiến lập tất cả pháp”, tất cánh không là tự tánh, Tịnh độ tông gọi là thường tịch quang. Đây chính là cảnh giới họ thân chứng, chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn. Phật Bồ Tát đại từ đại bi, chúng sanh có cảm, ngài nhất định có ứng. Người lớn trong gia đình muốn cầu một vị thầy tốt, tâm chân thành đó vì gia đình, vì quốc gia, vì chủng tộc, vì nhân loại thiên hạ mưu cầu hạnh phúc, Phật Bồ Tát liền có cảm ứng. Trong lòng chúng ta thật sự đang cầu, Phật Bồ Tát liền ứng hóa xuất hiện tại thế gian, cần lấy thân gì để được độ thoát, ngài liền hiện thân đó.