/ 600
540

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 573

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 02.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 759, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ kinh văn.

“Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh, chỉ trú bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh, trực tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ”.

Đoạn kinh văn này nói đến hai vấn đề: Thứ nhất là vì từ bi nên lưu lại kinh này 100 năm, thứ hai là gặp được bộ kinh này. Đây là nói thời mạt pháp, gặp được bộ kinh này, tùy nguyện được độ.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Tương lai khi kinh diệt, đại sư Thiện Đạo nói: mười ngàn năm Tam bảo diệt, kinh này trú 100 năm”. Đại sư Thiện Đạo là người thời nhà Đường, tổ sư đời thứ hai của Tịnh độ. Sau đại sư Huệ Viễn, ngài là người có cống hiến lớn nhất cho Tịnh độ. Tổ sư của Tịnh độ tông khác với các Tông khác, chư vị tổ sư của các Tông khác đều là đời này truyền qua đời khác, cứ truyền như vậy. Tịnh độ tông là do dân chọn, không có tổ sư. Tổ sư do đâu mà có? Người này ở trong thời đại này có cống hiến vô cùng lớn lao cho Tịnh độ tông, bản thân tu hành như pháp, hậu nhân tiến cử họ, trở thành nhất đại tổ sư của Tịnh tông. Nên sự phát triển của họ không như các Tông phái khác. Ngài Huệ Viễn là đời thứ nhất, từ ngài Huệ Viễn đến ngài Thiện Đạo thời gian rất dài, ở giữa không có, đến thời nhà Đường mới có đời thứ hai.

Quý vị xem, tổ sư các Tông phái khác truyền đến nay phải gần mấy mươi đời, phải có bảy tám mươi đời. Quý vị xem truyền thừa Tịnh tông mới có 13 đời. Họ là do dân tuyển, không phải đương thời tuyển. Là sau khi vị pháp sư này viên tịch, người đời sau tiến cử lên, nên rất công bình. Thực tế mà nói các vị Tổ sư này đều không có ý niệm làm tổ sư, người đời sau đặt họ lên vị trí tổ sư, phải hiểu đạo lý này.

Trong truyền thuyết ngày xưa, đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái sanh. Chúng tôi giảng kinh ở Nhật bản, thăm dò những người xuất gia ở đó, họ nói có thuyết này, Nhật Bản vô cùng sùng bái Thiện Đạo đại sư. Khoảng vào thời nhà Đường, Nhật bản có rất nhiều người Xuất gia đến du học ở Trung quốc, người theo đại sư Thiện Đạo rất nhiều, và rất nhiều người theo đại sư Trí Giả tông Thiên thai, chiếm đa số. Nên tượng các tổ sư trong các ngôi chùa tại Nhật bản, đại sư Thiện Đạo và đại sư Trí Giả rất nhiều, hầu như khắp nơi đều có thể thấy. Người Nhật Bản cung kính tổ sư còn hơn cả Phật Bồ Tát, vì tổ sư là trực tiếp truyền thừa. Tức giống như người xưa hiếu thuận cha mẹ vậy, đương nhiên vượt qua ông bà, ông bà cố, chắc chắn vượt qua, vì cha mẹ là người gần gũi họ nhất. Đây là tôn sư trọng đạo, là hiện tượng tốt, nên làm như vậy.

Mười ngàn năm là nói mạt pháp, chánh pháp 1000 năm, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp mười ngàn năm. Trong này chứa đựng ý nghĩa rất thâm sâu, đó chính là thời kiếp vô lượng. Quá khứ vô lượng kiếp, vị lai cũng vô lượng kiếp, mười ngàn năm không phải là thời gian quá dài. Thực tế mà nói thì thời gian rất ngắn, rất ngắn trong đại vũ trụ.

Con người nếu mất thân người, đời sau lại được thân người, e rằng không chỉ là mười ngàn năm, vì thân người khó được. Ý nghĩa chứa đựng trong này, chính là nói với chúng ta cơ hội khó gặp. Trong mười hai ngàn năm gặp được Phật pháp, mười hai ngàn năm này trong đại vũ trụ là vô cùng ngắn ngủi, hiển thị ra Phật pháp khó nghe. Nếu không nắm chắc thời tiết nhân duyên này, bỏ lỡ qua đúng là đáng tiếc. Lần sau gặp lại, không biết là đời kiếp nào. Không phải mười ngàn năm, mười ngàn năm không dài, không biết là vấn đề của đời nào kiếp nào.Ý nghĩa này rất thâm sâu, chúng ta nhất định phải lãnh hội được, nhất định phải nắm bắt thời tiết nhân duyên này, không được để qua đi một cách uổng phí.

Đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái sanh, câu này được nói ra từ kim khẩu của Phật Di Đà, chúng ta phải đặc biệt tôn trọng.

“Đại sư Tịnh Ảnh, Đạo Xước, Từ Ân”, Từ Ân chính là đại sư Khuy Cơ. “Nghĩa Tịch, Pháp Trú, Vọng Tây”, Vọng Tây là pháp sư người Nhật bản. “Các vị đại sư này đều giống nhau”, tư tưởng của họ đều đồng với đại sư Thiện Đạo. Tịnh Ảnh Sớ nói: “Đời tương lai khi kinh đạo diệt, tức là nói đến tương lai pháp này bị diệt tận”, là vấn đề pháp diệt tận. “Chánh pháp của Đức Thế Tôn có 500 năm, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp mười ngàn năm, tất cả đều qua, gọi là diệt tận”.

/ 600