/ 600
450

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 433

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 03.06.2011

Địa Điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 544, hàng thứ năm từ dưới đếm lên. Từ câu “đương tín Phật kinh ngữ thâm”, bắt đầu xem từ đây.

“Đương tín Phật kinh ngữ thâm, thử trung tín tự, chỉ xuất thế pháp. Vị ư chư pháp chi thật thể, tam bảo chi tịnh đức, dữ thế xuất thế chi thiện căn. Thâm vi tín lạc, sử tâm trừng tịnh, thị vi tín”.

Câu thứ nhất: nên tin vào lời dạy thâm diệu trong kinh Phật, vì sao vậy? Vì mỗi câu mỗi chữ trong kinh Phật là từ trong tự tánh hiển lộ ra. Tâm phàm phu chúng ta hoàn toàn trái với tướng tự tánh. Dùng cách đơn giản nhất mà nói, tâm Phật là chân tâm, tâm phàm phu là vọng tâm. Ở đây chúng ta nhất định phải hiểu, Phật và phàm phu, ai là Phật, ai là phàm phu? Tất cả đều là nói về chính mình. Dùng chân tâm chúng ta chính là Phật, còn dùng vọng tâm chúng ta là phàm phu. Phật là chúng ta, phàm phu cũng là chúng ta. Chân tướng sự thật này, chúng ta không thể không biết.

Phật và phàm phu không có giới hạn, chỉ có mê ngộ bất đồng mà thôi, quý vị nghĩ xem rất thâm sâu phải không? Chúng ta thử xem, lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông thời nhà Đường. Ngài không biết chữ, chưa từng đi học. Sau khi khai ngộ, khai ngộ nghĩa là ngài dùng chân tâm không dùng vọng tâm. Tất cả kinh điển đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, không có bộ nào đại sư không hiểu. Ngài không biết chữ, không biết xem kinh. Quý vị đem kinh đọc cho ngài nghe, ngài đều hiểu, đều thông suốt. Ngài giảng lại cho quý vị nghe một cách thấu triệt, rất viên mãn, làm cho quý vị được giác ngộ, đây chính là nói nó không thâm sâu! Thâm sâu là do chúng ta đánh mất tự tánh, thấy tự tánh rất thâm sâu.

Đức Thế Tôn trong ngày khai ngộ đầu tiên, ngài đem chân tướng sự thật này nói ra: thật không ngờ tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Khi ngài khai ngộ đã nói như thế. Đức Thế Tôn khai ngộ năm 30 tuổi, cho thấy điều này mỗi người đều có phần!

Phật giáo là gì? Phật giáo chính là nghiên cứu về chính mình, hiểu rõ ràng minh bạch về mình, dạy học như vậy gọi là Phật giáo. Trong Phật pháp đại thừa nói rất rõ: “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, tất cả pháp duy tâm sở hiện, duy tâm sở biến. Tâm là chính mình, thức cũng là chính mình. Tâm là chân tâm của mình, thức là vọng tâm của mình, rời chính mình thì không còn Phật pháp. Phật pháp là nói đến chính mình, nói về mình một cách thấu triệt, một cách tuyệt đối. Thật sự đã rõ ràng minh bạch, chúng ta gọi người này là thành Phật. Chưa rõ ràng minh bạch gọi quý vị là Bồ Tát.

“Phật kinh ngữ thâm”, câu này chúng ta phải lý giải ý nghĩa chân thật của nó, nếu quý vị dùng chân tâm nó sẽ không thâm sâu, dùng vọng tâm nó rất thâm sâu, căn bản nghe không hiểu.

Hiện nay Phật giáo suy yếu đến tận cùng, có thể phục hưng chăng? Rất khó, quả thật rất khó, vì sao? Vì tìm không thấy người dùng chân tâm, dùng chân tâm học Phật sẽ không khó. Hiện nay được mấy người dùng chân tâm? Mấy người hiểu được chân tâm? Chân tâm là gì? Trong kinh Phật có câu miêu tả chân tâm này, đó là “chân tâm ly niệm”, không có vọng niệm, đây chính là chân tâm. Chúng ta có thể tìm thấy người không có vọng niệm chăng? Tìm không thấy. Từ sáng đến tối vọng niệm này nối tiếp niệm kia, khi ngủ cũng không ngừng, điều này quả thật phiền phức!

Trong kinh điển đại thừa nói rất hay, vọng niệm có nguồn gốc, có ngọn ngành. Nguồn gốc của khởi tâm động niệm, trong kinh điển đại thừa gọi nó là vô thỉ vô minh. Từ vô thỉ vô minh diễn biến nặng hơn, chính là trần sa phiền não. Trần sa là miêu tả nhiều, rất nhiều, đếm không hết! Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là phân biệt, tâm phân biệt là vọng tâm, không phải chân tâm. Diễn biến tiếp đến mức nghiêm trọng nhất, chính là kiến tư phiền não. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là chấp trước. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói vọng tưởng phân biệt chấp trước, thông thường giáo lý đại thừa gọi là vô thỉ vô minh. Vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não. Danh xưng không giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.

/ 600