Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 393
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Trung Tấn
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 03.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 487, hàng thứ 7 từ dưới lên, bắt đầu xem ở giữa. “Thị cố Thiện Đạo sư viết”, bắt đầu xem từ đây.
Tam bối cửu phẩm luôn là vì những phàm phu ngũ trược sau khi Phật nhập diệt. Hai câu cuối: “Như Phật kim sắc thân, diệu tướng tất viên mãn, khả kiến ưu não phàm phu, nhất đăng bỉ độ, tất giai thân chân kim sắc, diệu tướng như Phật, viên mãn cụ túc”, bắt đầu xem từ đây.
Đoạn văn này, tuy ở trước đã đề cập đến, nó là một phân đoạn. Trong đoạn này, Niệm Lão dẫn chứng các tổ sư đại đức xưa, nhiều lần nói rõ tứ độ tam bối cửu phẩm của thế giới tây phương Cực Lạc. Thực sự là Phật A Di Đà vì tiếp dẫn biến pháp giới hư không giới, tất cả chúng sanh sáu nẻo trong hết thảy cõi nước chư Phật. Cho nên thế giới tây phương, tam bối cửu phẩm này mỗi người chúng ta đều có phần, đây khác với những gì cổ đại đức đã nói. Các bậc cổ đức cho rằng thượng bối là địa thượng Bồ Tát mới có thể chứng được, trung bối, thượng bối ngày càng hạ thấp.
Thiện Đạo đại sư dẫn chứng nhiều kinh luận, phê bình những thứ không thỏa đáng của người xưa nói, nó thực sự là vì phàm phu. Cho nên ngài nói gặp đại tâm phàm phu, đây là sanh thượng bối vãng sanh, như thế nào gọi là đại phàm phu? Tâm lượng lớn. Khởi tâm động niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh khổ nạn, đây là đại phàm phu. Còn tiểu phàm phu thì sao? Là nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến gia đình mình, nghĩ đến người thân của mình, đây là tiểu phàm phu.
Hạ bối vãng sanh là phàm phu tạo ác nghiệp, tạo ngũ nghịch thập ác. Lúc lâm chung gặp được thiện hữu khuyên bảo họ, họ có thể tiếp nhận, có thể tin, có thể hiểu, và có thể thực hành, đây là hạ bối vãng sanh, thế nên tam bối cửu phẩm chúng ta đều có phần. Quan niệm này vô cùng quan trọng, hiển thị sự thù thắng của tịnh độ, nguyện lực của Phật Di Đà chẳng thể nghĩ bàn.
Ở đây nói rất rõ ràng, đặt biệt là hai câu cuối: như thân kim sắc của Phật, diệu tướng đều viên mãn. Vãng sanh về thế giới tây phương Cực Lạc, đích thực là chứng được pháp thân bình đẳng, đây không phải dựa vào chính mình đoạn hoặc chứng chân, mà hoàn toàn là nương vào bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì. Phật nếu không gia trì thì nó không diệu, vừa gia trì thì đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát, vãng sanh không do mình.
Hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là A Duy Việt Trí Bồ Tát, vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thân thể của mình giống như Phật A Di Đà, tử ma chân kim sắc thân. Tướng mạo giống như Phật A Di Đà, diệu tướng như Phật, như trong Quán Kinh đã nói: Phật A Di Đà thân có tám vạn bốn nghìn tướng tốt, mỗi tướng đều có tám vạn bốn nghìn vẻ đẹp, chúng ta không cách gì tưởng tượng được, thật chẳng thể nghĩ bàn. Hiển thị ra sự thù thắng vô cùng của thế giới Cực Lạc, diệu tướng như Phật, viên mãn cụ túc.
Bên dưới nói: “Diệc dĩ đại bi tâm, lợi ích chư quần phẩm, li dục thâm chánh niệm, tịnh tuệ tu phạm hạnh (cũng lấy tâm đại bi, lợi ích chư quần sanh, rời dục vào chánh niệm, tịnh tuệ tu phạm hạnh). Đây là nói rõ vãng sanh về thế giới tây phương Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, thân tâm lập tức được thanh tịnh, trí tuệ hiện tiền, tâm từ bi cũng hiện tiền, tự giác giác tha, thành tựu viên mãn, cũng giống như Phật.
Phàm phu sáu nẻo của hết thảy chư Phật Như Lai trong mười pháp giới, có duyên với quý vị. Câu này nên ghi nhớ: “Phật không độ chúng sanh không có duyên”, có duyên với quý vị, cho dù là có thiện duyên, có ác duyên, miễn là có duyên với quý vị. Có duyên lúc họ gặp phải khổ nạn, họ ở nơi đó cầu cứu, hy vọng Phật Bồ Tát gia trì họ, bảo vệ họ. Ý niệm này quý vị lập tức biết được, nếu quý vị ở thế giới Cực Lạc lập tức biết được, liền có thể hiện thân để cứu độ họ. Nên lấy thân gì để độ được thì quý vị hiện thân đó, quý vị được tự tại. Đến thế giới tây phương Cực Lạc sẽ có năng lực này, cho nên tự độ độ tha. Những cái này đều là oai thần lực, đại lực của Phật A Di Đà
“Bổn nguyện lực cố”, là đại nguyện, “mãn túc nguyện cố” là đầy đủ nguyện lực, “minh liễu” là đại trí, “kiên cố” là đại đức, “cứu cánh” là đại hạnh. Phật lấy những trí tuệ oai đức này gia trì quý vị, quý vị mới có năng lực giống như Phật để phổ độ chúng sanh khổ nạn trong sáu nẻo. “cố năng linh trường dạ” trường dạ chính là luân hồi, người đọa lạc vào trong luân hồi, nếu như không gặp được pháp môn Tịnh độ, muốn thoát li luân hồi thì quả thật rất khó. Đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp đến nay cứ mãi sanh tử luân hồi, nay được oai lực bổn nguyện của Phật gia trì, quý vị có năng lực giúp những chúng sanh khổ nạn này. Giúp họ “trí tuệ thanh tịnh”, giúp họ “thân tâm như Phật”.