/ 600
671

 

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 317

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên Tập: Bình Minh

Thời gian: 05.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 372, bắt đầu xem từ trang thứ 6.

“Hựu A Di Đà Phật tức thị Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Như Di Đà Sớ Sao viết, trí giác vân, tổng trì giáo trung thuyết tam thập thất Phật, giai Tỳ Lô Giá Na nhất Phật sở hiện. Vị Giá Na nội tâm, chứng tự thọ dụng, thành ư ngũ trí. Tự đương trung ương pháp giới thanh tịnh trí. Thứ tùng tứ trí, lưu xuất tứ phương tứ Như Lai. Kỳ diệu quan sát trí, lưu xuất tây phương Cực Lạc thế giới, vô lượng thọ Như Lai. Tắc nhất Phật nhi song nhị độ dã. Nhân Di Đà tức Tỳ Lô, cố vân nhất Phật. Độ giả tịnh Phật quốc độ. Nhị độ giả, Hoa Tạng dữ Cực Lạc. Song giả kiêm dã, nghĩa vi kiêm lĩnh. Cái vị nhất Phật kiêm lĩnh lưỡng tịnh độ dã”.

Những điều này đều đứng về mặt hiện tượng mà nói. Tánh không sai biệt, nhưng tướng có sai biệt. Chư Phật Bồ tát, chư vị Tổ sư đều là pháp thân đại sĩ thân chứng pháp thân. Các ngài đều đã trở về tự tánh, cũng chính là tự tánh thanh tịnh viên minh thể mà Hiền Thủ quốc sư nói. Về mặt tánh mà nói là một không phải hai, từ về tướng nói thì hai không phải một. Một tức là nhiều, nhiều tức là một. Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tướng sẽ rõ ràng. Đây mới thật là tín tâm hiện tiền.

Hôm nay ngày 05 tháng 03, là ngày kỷ niệm tròn 40 năm của cư sĩ Hàn. Cô ấy vãng sanh ngày 05. 03.1997. Mười ba năm trước, mỗi năm vào ngày này. Các vị đồng học Tịnh độ trên toàn thế giới đều đến Đồ Văn Ba để dự lễ kỷ niệm này. Hôm nay vì học viện thành lập tròn mười năm, chúng ta đem ngày kỷ niệm này và ngày tròn 10 năm thành lập của học viện hợp lại tổ chức, nên kéo dài đến tháng mười. Hôm qua có nói với quý vị, ngày 04 tháng 03 là kỷ niệm 54 năm Chương Gia Đại Sư viên tịch. Ngài vãng sanh ngày 04.03.1957. Còn 13.07.1977 là ngày mất của thầy Phương Đông Mỹ, tròn 34 năm. Ngày 13.04.1986 Thầy Lý vãng sanh, tròn 25 năm. Bốn vị này là thành tựu cho sự truyền thừa Tịnh độ tông của chúng ta ngà nay. Trong bốn người này thiếu một cũng không được.

Nói cách khác, không có bốn vị này sẽ không có ngày hôm nay để chúng ta tụ hội tổ chức hoạt động này. Giáo thọ Phương Đông Mỹ dẫn dắt tôi vào cửa Phật, đây là điều ngoài dự định. Vì lúc đó tôi không tin Phật giáo, thầy Phương cũng không tin Phật giáo. Thầy Phương là giáo thọ triết học, một nhà đại triết học nổi tiếng. Tôi học triết học với thầy Phương. Thầy đặc biệt dạy tôi một môn “triết học khái luận”. Mỗi ngày chủ nhật đến nhà thầy, trên bàn tròn ở phòng khách. Một thầy giáo và một học trò, mỗi tuần hai tiếng đồng hồ. Khoảng hơn 9 giờ sáng lên lớp đến hơn 11 giờ. Thông thường trước 9h30 tôi nhất định đến nơi.

Bộ triết học khái luận này, không có sách cũng không có bài viết. Hoàn toàn là dạy và học bằng miệng, thầy giảng tôi nghe. Có gì thắc mắc thì có thể hỏi bất cứ lúc nào và thầy cũng tuỳ thời giải đáp. Tiết học cuối cùng gọi là “Phật kinh triết học”. Tôi nhận thức về Phật giáo là bắt đầu từ đây. Thầy đem triết học trong kinh Phật giới thiệu cho tôi. Câu đầu tiên thầy nói, Đức Thế Tôn là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới. Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao của triết học trên toàn thế giới. Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Điều này đã khiến những ngộ nhận trước đây của tôi, những hiểu biết sai lầm của tôi đối với Phật pháp hoàn toàn thay đổi.

Cũng trong năm đó, hình như là hai tháng sau, tôi quen với Chương Gia đại sư. Tôi học với đại sư ba năm, đại sư cũng rất từ bi, cũng một tuần dạy cho tôi hai tiếng đồng hồ. Cũng là một thầy dạy một trò như vậy suốt ba năm. Nền tảng Phật học của tôi là nhờ đại sư, phương pháp học Phật cũng đại sư truyền cho tôi. Nhìn thấu, buông bỏ. Nhìn thấu là trí tuệ, buông bỏ chính là thiền định. Nhìn thấu là đối với tất cả pháp trong thế và xuất thế gian thật sự đã hiểu rõ, cũng chính là chân tướng của tất cả pháp ta đã minh bạch gọi là nhìn thấu suốt. Sau khi nhìn thấu suốt tự nhiên sẽ buông bỏ, buông bỏ là công phu.

Trong giáo lý đại thừa nói, buông bỏ kiến tư phiền não thành A la hán. Buông bỏ trần sa phiền não chính là Bồ Tát. Buông bỏ căn bản vô minh tức là thành Phật. Dù học có nhiều đến đâu, nếu không buông bỏ, người xưa nói là từng bước khó đi! Trong Phật pháp nói là không thể nâng cao cảnh giới của chính mình. Từ sơ phát tâm đến Như Lai địa chỉ có một phương pháp này. Nhìn thấu suốt giúp ta buông bỏ, buông bỏ giúp ta nhìn thấu suốt. Nhìn thấu suốt lại giúp ta buông bỏ. Cho đến khi cả buông bỏ cũng buông bỏ, không còn nữa. Thì công đức của ta đã viên mãn.

/ 600