/ 600
725

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 301

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 24.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 353, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ hai chữ cuối cùng.

“Nhị giả, trang nghiêm nghĩa, dĩ trì giới đức, nhi tự trang nghiêm. Bất thất luật nghi, quỹ phạm nhân thiên, linh chúng khâm ngưỡng quy chỉ, lai thọ giáo hoá. Mộ ngã giới đức, học ngã giới hạnh, tiến tu định tuệ, nhi độ bỉ ngạn”.

Nghĩa thứ hai, ví giới luật như chiếc áo giáp. Nghĩa thứ hai là trang nghiêm. Nghĩa thứ nhất là hộ trì, hộ trì chính mình. Ở trong nhà lửa tam giới này, tự hành trì và hoá độ chúng sanh thì phải làm sao để bảo hộ chính mình.

Trang nghiêm, ý này có nghĩa là cảm hoá chúng sanh. Xã hội hiện nay cảm hoá thật là không dễ, vì khắp xã hội đã mất hết luân thường đạo đức. Chúng ta quan sát và cảm nhận kỹ càng, sẽ thấy tình thân cha con ở xã hội ngày nay không còn nữa. Chỉ thấy thoáng qua, thấy thoáng qua một chút thiên tánh. Đúng là hiện tượng tự nhiên. Trẻ em bây giờ, sáu bảy tuổi đã không nghe lời nữa. Cha mẹ cũng rất khó dạy chúng. Nguyên nhân gì? Quên lãng cội rễ giáo dục. Người xưa thường nói: dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Dạy con cái phải dạy từ lúc chúng còn nhỏ. Anh hài là mới chào đời, là phải bắt đầu dạy, vì nó chưa bị nhiễm ô, nó còn duy trì được thiên tánh của nó, thiên tánh vốn thiện.

Tất cả những thứ bất thiện đều là nhiễm ô, nhưng mới ra đời chưa bị nhiễm ô. Nếu lúc này sơ suất để nhiễm tánh bất thiện, muốn sửa đổi sẽ rất khó. Vì sao hiện nay nhiều bạn đồng tu đến thăm tôi đều nói với tôi rằng, con cái không dễ dạy. Có rất nhiều vị là thầy giáo đang dạy ở trường cũng nói, học sinh không dễ dạy. Hai câu này 50 năm trước chưa từng nghe qua, không ai than thở như vậy. Năm mươi năm sau, những câu than phiền như vậy ngày nay rất phổ biến. Mỗi gia đình đều có kinh nghiệm đau khổ này. Nguyên nhân là gì? Chính là điều chúng ta vừa nói, “phụ tử hữu thân”. Nhưng đến lúc đứa trẻ mười mấy tuổi thì không thấy nữa, đã không còn. “Phu phụ hữu biệt” cũng không còn. Bây giờ vợ chồng kết hôn rồi ly hôn cũng giống như trò đùa vậy, rất tuỳ tiện. “Quân thần hữu nghĩa” cũng không còn. Quan hệ cấp trên với cấp dưới thời nay là vì lợi, chứ không còn đạo nghĩa. “Trưởng ấu hữu tự” cũng không. “Bằng hữu hữu tín” cũng chẳng còn. Đây là xã hội gì?

Ngũ luân: nhân nghĩa lễ trí tín hoàn toàn không còn. Lễ nghĩa liêm sĩ không có. Hiếu đễ trung tín cũng không. Nhân ái hoà bình chẳng thấy. Đây là thế giới gì? Thế giới như vậy chỉ có các bậc đại thánh đại hiền, chư Phật Bồ Tát ứng hoá đến thế gian này để hoá độ chúng sanh. Không phải người thật sự tái sanh, đã chứng được A Duy Việt Trí Bồ Tát. Được! Họ ở trong nhà lửa tam giới, ba độc thiêu đốt mà không bị ô nhiễm. Không có công lực như vậy thì cho dù từ nhỏ đã tiếp thu được căn bản giáo dục, cha mẹ dạy tốt cũng vô dụng. Từ trong gia đình bước ra ngoài xã hội là đã học điều hư. Xã hội là một hồ nhuộm lớn. Nên ngày nay người ta bất nhân bất nghĩa, vô lễ vô liêm sỉ đều không thể trách cứ họ. Họ tạo ra tất cả những điều bất thiện mà không biết. Họ không biết đó là bất thiện, nên cho rằng như vậy là bình thường.

Ngày nay chúng ta học Phật, trì giới, phải giữ quy củ, thì họ lại coi chúng ta là dị loại, coi chúng ta là không bình thường. Quý vị xem giáo hoá những người như vậy khó biết bao. Trong hoàn cảnh này, nên y giáo phụng hành, lấy đức để cảm hoá người. Không thoái chuyển, vẫn kiên trì. Tôi nghĩ đây đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Những người chứng A la hán thì không được, trong hoàn cảnh ngày nay họ đều sẽ thoái chuyển.

Cổ nhân nói thấy lợi quên nghĩa, đó là một cách ví dụ. Bây giờ khắp nơi đều như vậy, đó là hiện tượng phổ biến của xã hội. Mưu đồ vị lợi không nghĩ đến hậu quả. Ở thế gian này giáo hoá chúng sanh, có thể không thoái tâm sao? Hầu như là việc không thể. Đó chính là thật sự hiểu được nhân quả. Biết rằng thiện có thiện quả, ác có ác báo. Nhân quả báo ứng không sai chút nào. Có thể bảo hộ chính mình không thoái tâm để tiếp tục siêng năng học tập.

/ 600