/ 600
840

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 114

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi bốn, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, đọc từ câu “Gia Tường Pháp Hoa Sớ”:

“Gia Tường Pháp Hoa Sớ ngũ viết: ‘Pháp Tánh tức thị Thật Tướng, Tam Thừa đắc đạo, mạc bất do chi’. Hựu Chỉ Quán nhất viết: Pháp Tánh danh vi Thật Tướng, thượng phi Nhị Thừa cảnh giới, hà huống phàm phu” (Bộ Pháp Hoa Sớ của ngài Gia Tường đã viết: “Pháp Tánh chính là Thật Tướng, Tam Thừa đắc đạo không ai chẳng do nó”. Lại nữa, sách Chỉ Quán giảng: “Pháp Tánh có tên là Thật Tướng, còn chẳng phải là cảnh giới của Nhị Thừa, huống gì phàm phu”). Đoạn này vẫn nhằm giải thích “thông chư pháp tánh, đạt chúng sanh tướng”, hai câu này là “thông đạt tánh - tướng”. Trong phần trước, chúng ta thấy lão cư sĩ Niệm Tổ trích dẫn sách Duy Thức Thuật Ký của Khuy Cơ đại sư và sách Đại Thừa Nghĩa Chương nói về Pháp Tánh và Pháp Tướng. Hôm nay, chúng ta xem tiếp, thấy trong Pháp Hoa Kinh Sớ cũng là ý nghĩa này. Pháp Tánh là Thật Tướng, chúng ta đã học trong phần trước. “Tam Thừa đắc đạo, mạc bất do chi” (Tam Thừa đắc đạo, không ai chẳng do nó). Tam Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, thông thường còn gọi là Đại Thừa, Trung Thừa, và Tiểu Thừa. Tu hành chứng quả đều là minh tâm kiến tánh; trên thực tế, chỉ có Bồ Tát tu hành mới là kiến tánh, kiến tánh bèn thành Phật. Trong Hoa Nghiêm, họ còn được gọi là Pháp Thân Bồ Tát. Kiến tánh là chứng đắc Pháp Thân; trong phần trước, các đồng học chúng ta đều học tập cả rồi. Bởi lẽ, chứng đắc Pháp Thân sẽ thật sự hiểu được, khẳng định “hết thảy vạn vật trong khắp pháp giới hư không giới và chính mình là một Thể”. Đó là kiến tánh, là chứng đắc Pháp Thân. Chuyện này quả thật chẳng dễ dàng, từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta đã dưỡng thành một thói quen, “ta là ta, quý vị là quý vị, người khác là người khác”, làm sao là một Thể cho được? Há có lẽ ấy? Dẫu thế nào cũng chẳng thể thừa nhận, chúng ta ngỡ đó là chân tướng sự thật, nhưng Phật, Bồ Tát bảo chúng ta đã hoàn toàn sai lầm mất rồi! Đúng là một Thể. Phải như thế nào thì mới có thể chứng đắc? Đức Phật dạy: Quý vị chẳng còn chấp trước nữa. Chẳng còn chấp trước thân này là ta, thân kia là quý vị, thân nọ là của người khác. Chẳng có sự chấp trước ấy, thật sự đoạn chấp trước sẽ là gì? Đó là phá Thân Kiến.

Chúng ta minh tâm kiến tánh, đạt tới giai đoạn thứ nhất, đã có thành quả, chẳng còn nhận biết cái thân này là chính mình, thân là gì? Thân là cái của ta có (ngã sở hữu), quyết định chẳng phải là chính mình. Giống như quần áo, quần áo là cái ta có, chẳng phải là chính mình, chúng ta khẳng định điều này. Tiến hơn bước nữa, Phật mong chúng ta hãy khẳng định, thân chẳng phải là chính mình, thân là cái ta có. Thân này là cái ta có, còn thân của người khác thì sao? Cũng là cái ta có. Cây cối, hoa, cỏ là cái ta có; núi, sông, đại địa cũng là cái ta có. Đó là cái ta có, chẳng phải là ta. Có thể khẳng định và nhận thức như vậy thì mới có thể chứng quả A La Hán, Phật pháp nói người ấy đã chứng đắc Chánh Giác. Tiểu Thừa trong Tam Thừa đắc đạo có cách nhìn đối với vũ trụ và nhân sinh khác chúng ta, Bồ Tát càng cao hơn họ. Bồ Tát không chỉ chẳng chấp trước, mà phân biệt cũng chẳng có. Do vậy, Tiểu Thừa A La Hán đắc tâm thanh tịnh. Chỉ cần chấp trước thân này là ta, thân kia là của quý vị, thân nọ là của người khác, tâm thanh tịnh của chúng ta chẳng thể khôi phục! Trong kinh đã dạy chúng ta tiêu chuẩn tu hành là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, chúng ta chẳng đạt được tâm thanh tịnh tức là tu hành chẳng có công phu, chẳng được thọ dụng. Tu hành chẳng có công phu, chẳng được thọ dụng, phiền phức ở chỗ nào? Phiền phức là đời đời kiếp kiếp vẫn phải tiếp tục luân hồi. Thật sự đạt đến cảnh giới A La Hán, biết thân chẳng phải là ta, đoạn hết Kiến Tư phiền não, vượt thoát lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi chẳng thấy nữa, giống như nằm mộng. Tỉnh mộng, chẳng thấy lục đạo luân hồi nữa! Sau khi chẳng thấy, cảnh giới đó là cảnh giới A La Hán, bốn thánh pháp giới xuất hiện. Bốn thánh pháp giới vẫn chưa phải là thật, vẫn là cảnh mộng, vì họ có Trần Sa phiền não, có Vô Minh phiền não, ắt phải đoạn Trần Sa phiền não. Trần Sa phiền não là gì? Phân biệt. Vô lượng vô biên phân biệt ví như bụi cát, vọng niệm phân biệt nhiều như bụi cát, [nên gọi là Trần Sa phiền não]. Buông phân biệt xuống, chẳng còn phân biệt nữa, phân biệt chẳng có gì tốt đẹp! Vì sao? Nó là hư vọng, chẳng thật! Kinh dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”, kinh Đại Bát Nhã dạy như thế. Như vậy thì mới có thể chứng đắc cảnh giới Chánh Đẳng Chánh Giác của Bồ Tát, tức là “bình đẳng” trong tựa đề kinh, tâm bình đẳng hiện tiền, trong hết thảy cảnh giới, quý vị chẳng còn phân biệt nữa! Phật và chúng sanh bình đẳng, kinh Đại Thừa thường nói “sanh, Phật bình đẳng”, [nghĩa là] chúng sanh và Phật bình đẳng. Tánh - tướng như nhau, Pháp Tánh và Pháp Tướng là một, chẳng hai. Pháp Tánh có thể sanh, có thể hiện, Pháp Tướng là cái được sanh, cái được hiện, chúng là một, chẳng hai! Lại cao hơn một bậc, không chỉ phân biệt, chấp trước chẳng còn, mà khởi tâm động niệm cũng chẳng có. Chẳng động tâm, không động niệm, trở về tự tánh, đó gọi là thành Phật, là giác, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đấy là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác, và Phật được gọi chung là Tam Thừa. Tam Thừa đắc đạo có quan hệ mật thiết với Pháp Tánh, với Thật Tướng. A La Hán chứng đắc ít phần, Bồ Tát chứng đắc nhiều phần, Phật chứng đắc viên mãn.

/ 600