/ 600
870

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 29

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang ba mươi, dòng thứ sáu đọc từ dưới lên.

  “Cánh hữu tấn giả, như Yếu Giải vân: Đương tri ngô nhân đại sự nhân duyên, Đồng Cư nhất quan tối nan thấu thoát” (tiến cao hơn nữa sẽ như sách Yếu Giải đã nói: “Phải nên biết, đối với đại sự nhân duyên của chúng ta, một cửa ải Đồng Cư khó vượt thoát nhất”). Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói như thế. Đoạn văn giảng về Tông Thú này rất dài, cũng nhằm thuyết minh một chủ đề vô cùng quan trọng trong tu học Tịnh Tông, giảng về phương hướng tu học và mục tiêu của chúng ta, ắt phải hiểu rất rõ ràng, rành rẽ thì chúng ta mới có thể thành tựu trong một đời này. Qua câu này, Ngẫu Ích đại sư đã nhắc nhở chúng ta: Cần phải biết rằng, đối với chúng ta, nói theo cách bây giờ là những kẻ phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đó là chuyện lớn, còn có chuyện nào khác lớn hơn được nữa? Liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật quả viên mãn rốt ráo, còn có chuyện gì lớn hơn chuyện này? Trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn nói: Ngài vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời; nói cách khác, những chuyện khác thì những bậc thánh hiền, hào kiệt thông minh, trí huệ trong thế gian này có thể giải quyết, chỉ riêng chuyện này là họ chẳng có cách nào, chẳng ai có thể giải quyết, nên chư Phật, Bồ Tát mới xuất hiện trong cõi đời. Nếu có ai khác có khả năng giải quyết, chư Phật, Bồ Tát chẳng cần phải chuốc lấy phiền phức! Khải thị này rất quan trọng, chúng ta phải học tập. Một ải Đồng Cư là khó nhất, [hễ vượt qua được cửa ải này thì] những cõi trên đó đều thuận tiện hơn. Đúng như ngạn ngữ thế gian đã nói: “Phàm sự khởi đầu nan” (凡事起頭難: Mọi việc khởi đầu đều khó khăn). Tu học Phật pháp là trở về tự tánh, cũng là một bước khởi đầu rất khó, khó “thấu thoát” nhất, “thấu” (透) là hiểu rõ, “thoát” (脫) là giải thoát, thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly tam giới.

  Tiếp theo đó, cụ Niệm Tổ viết: “Cái dĩ Đồng Cư độ chi phàm phu” (bởi lẽ, phàm phu trong cõi Đồng Cư), tức là lục đạo phàm phu, “tu đoạn tận Kiến Tư nhị Hoặc, phương đắc Lậu Tận Thông, thỉ tiệt sanh tử lưu, xuất Đồng Cư, nhi thăng Phương Tiện Hữu Dư độ, thử danh thụ xuất tam giới, kỳ sự thậm nan dã” (phải đoạn hai thứ Hoặc là Kiến Hoặc và Tư Hoặc, mới đắc Lậu Tận Thông, cắt đứt dòng chảy sanh tử, thoát khỏi Đồng Cư, vượt lên cõi Phương Tiện Hữu Dư. Đó gọi là “vượt khỏi tam giới theo chiều dọc”, chuyện này rất khó). Do đâu mà có phàm phu trong lục đạo? Nay chúng ta cũng hiểu rõ: Lục đạo là cảnh giới do Kiến Tư phiền não biến hiện. Cách nhìn sai lầm, cách nghĩ sai lầm; Kiến Hoặc là cách nhìn sai lầm, Tư Hoặc là cách nghĩ sai lầm, cũng có nghĩa là quý vị nhìn sai, nghĩ trật đối với chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Do vậy, biến hiện cảnh giới sai lầm; cảnh giới sai lầm là lục đạo luân hồi. Đấy là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trong đó có cả thánh lẫn phàm, đã được giới thiệu trong phần trước. Phải đoạn hai loại đại phiền não này, hai loại phiền não lớn này đều là vô lượng vô biên. Nhằm thuận tiện dạy bảo, đức Phật đã quy nạp lại, quy nạp Kiến Hoặc thành tám mươi tám phẩm, quy nạp Tư Hoặc thành tám mươi mốt phẩm, chia ra thành chín địa, mỗi địa gồm chín phẩm, chín lần chín thành tám mươi mốt phẩm, đều phải đoạn tận [tám mươi mốt phẩm ấy] thì mới có thể cắt đứt dòng sanh tử, tức là đoạn luân hồi sanh tử trong lục đạo, lục đạo chẳng còn nữa. Do vậy, lục đạo là giả, chẳng thật. Quý vị đã đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ chẳng có lục đạo. Kẻ chưa đoạn Kiến Tư phiền não, vẫn ở trong lục đạo. Cộng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau! Kiến Tư phiền não nhiều như thế, nên để thuận tiện dạy học, đức Phật đã quy nạp Kiến Tư phiền não thành năm loại lớn để nói cho tiện. Kiến giải sai lầm thì điều đầu tiên là hiểu lầm thân thể là chính mình. Đó là sai lầm đầu tiên; vì thế, thứ đầu tiên phải phá trong Kiến Hoặc là Thân Kiến, thật sự giác ngộ thân chẳng phải là chính mình. Thân là gì? Thân là cái ta có, chẳng phải là ta. Rốt cuộc trong Phật pháp có nói đến Ngã hay chăng? Có! Có Chân Ngã. Quý vị thấy trong Đại Bát Niết Bàn của Như Lai có bốn tịnh đức, tức là có bốn thứ chân thật, đó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, bốn tịnh đức này thật sự có. Thường là gì? Vĩnh hằng, bất sanh, bất diệt, chẳng có biến hóa; đó là Chân Thường. Chân Lạc là gì? Hai bên khổ và vui đều không có, đó là Chân Lạc. Khổ và Lạc là tương đối, tương đối sẽ chẳng vĩnh hằng. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta: Ngay cả sự vui trên thế gian này phải từ bỏ, trong ấy có đạo lý, nó là giả, chẳng thật. Nếu thật thì có bỏ cũng bỏ chẳng được! Hễ có sanh thì có diệt; phàm những gì có sanh và có diệt đều gọi là pháp sanh diệt, đều là chẳng thật.

/ 600