/ 600
1.034

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 24

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Trịnh Lộc, Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai mươi bốn, dòng thứ tư, chúng ta xem từ câu đầu tiên.

“Thuận Bồ Đề môn giả, Bồ Tát viễn ly như thị tam chủng Bồ Đề môn tương vi pháp, tức đắc tam chủng tùy thuận Bồ Đề môn pháp” (Thuận Bồ Đề môn: Bồ Tát xa lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề như thế, liền đắc ba pháp tùy thuận Bồ Đề môn). Phía trước câu này sót một chữ, tức chữ “nhị”, vì trong đoạn thứ nhất thuộc phần trước đã ghi: “Tiên tu ly tam chủng dữ Bồ Đề môn tương vi pháp” (trước hết, cần phải lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề môn) đã nói xong. Ở chỗ này sẽ giảng về “thuận Bồ Đề môn”; thuận Bồ Đề môn cũng có ba điều, tiếp đó, sách viết: “Hà đẳng vi tam: Nhất giả, vô nhiễm thanh tịnh tâm, bất vị tự thân cầu an lạc cố. Bồ Đề thị vô nhiễm thanh tịnh xứ, nhược vị tự thân cầu lạc, tức vi Bồ Đề môn, thị cố vô nhiễm thanh tịnh tâm thị thuận Bồ Đề môn” (Những gì là ba? Một là tâm vô nhiễm thanh tịnh, chẳng cầu an lạc cho chính mình. Bồ Đề là chỗ vô nhiễm thanh tịnh. Nếu cầu vui sướng cho bản thân chính là trái nghịch Bồ Đề môn. Vì thế, tâm vô nhiễm thanh tịnh là Bồ Đề môn). Đề mục của đoạn lớn này là Nhất Kinh Tông Thú, nếu nói theo cách bây giờ, sẽ là y theo nguyên tắc chỉ đạo tu học tối cao của bộ kinh này. Nguyên tắc chỉ đạo này đã được nêu chung trong phần trước: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đấy là nguyên tắc chỉ đạo tu học tối cao trong Tịnh Tông. Ở đây, vì chúng ta nói chi tiết: Đắc thanh tịnh tâm như thế nào? Đặc biệt là trong tựa đề của bộ kinh này, nửa sau nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, nêu ra cương lĩnh tu hành. Có Tông, đó là tông chỉ, tức tông chỉ tu học của bộ kinh này. “Thú” là quả, ta chiếu theo phương pháp này để tu, trong tương lai sẽ đắc quả báo ra sao. Cái quả nằm ngay trong nửa trước của tựa đề kinh. Quý vị đạt được điều gì? Đạt được “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, quý vị thấy quả báo này thù thắng lắm! Trong kinh Hoa Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng Như Lai”, ai nấy đều có, vốn sẵn có. Do vậy, giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật” .

Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này của đức Phật, chẳng phải là mê tín. Phật là tiếng Ấn Độ, người Ấn Độ gọi là Phật, người Trung Quốc gọi là thánh nhân. Do vậy, Phật và thánh nhân có cùng một ý nghĩa. Chữ “thánh nhân” của Trung Quốc nên giảng như thế nào? Thánh (聖) là thông đạt, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đó là “thánh”. Chữ Phật trong tiếng Ấn Độ nghĩa là Giác, cũng là hoàn toàn giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ; đúng là có cùng một ý nghĩa. Phật giáo truyền tới Trung Quốc, chữ này được dịch âm. Nói thật ra là có thể dùng chữ Thánh của tiếng Hán để dịch. Có những [đoạn kinh văn] trong Phật pháp, [gọi Phật] là Đại Thánh, điều này rất thích hợp với khẩu vị của người Hoa, Đại Thánh Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, quý vị hiểu rõ văn tự, sẽ chẳng nói Phật giáo là mê tín. Quý vị chẳng hiểu ý nghĩa, tưởng Phật là thần, Bồ Tát là thần, La Hán là thần, hoàn toàn sai lầm! Trong Phật giáo, Phật, Bồ Tát, A La Hán là những danh xưng học vị: Phật là tối cao, người Trung Quốc gọi là Thánh. Cấp thấp hơn thánh nhân là hiền nhân, cấp thấp nhất là quân tử. Trong Phật pháp cũng có ba đẳng cấp, tối cao là Phật Đà, thứ nhì là Bồ Tát, kém hơn nữa là A La Hán. Ba danh xưng học vị, chớ nên không hiểu rõ!

Sự giáo học của Phật nhằm mục tiêu cuối cùng, tột bậc là dạy chúng ta trở về tự tánh, vì sao? Tự tánh viên mãn. Tổ tiên dạy chúng ta: Bổn tánh vốn lành, Phật gọi là tự tánh, còn gọi là bổn tánh. Hai câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (tánh con người thoạt đầu vốn lành), quý vị làm thế nào để trở về bổn thiện thì sự giáo học này sẽ đạt được! Vì sao chẳng thấy bổn thiện? Vì quý vị có tập tánh bất thiện. Tam Tự Kinh nói rất rõ ràng: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Tánh thì gần giống nhau, do được giáo dục mà trở thành khác xa). Tánh của mọi người đều như nhau, đều là chí thiện. Thiện ấy chẳng phải là thiện trong thiện ác, phải hiểu rõ: Thiện ấy là danh từ nhằm ca ngợi nó quá hoàn mỹ, chẳng có một chút khiếm khuyết nào. Trong tự tánh có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, nay chúng ta nói tới tướng hảo là nói tới phước báo, vô lượng phước báo mà chính quý vị vốn có, vì sao mất đi? Nay ở trong thế gian này, chúng ta thấy trí huệ bất bình đẳng, đức hạnh cũng chẳng bình đẳng, phước báo cũng không bình đẳng, do duyên cớ nào? Do nghiệp chướng của chính quý vị có dầy hay mỏng khác nhau. Nghiệp chướng dầy, thông minh, trí huệ kém sút; nghiệp chướng mỏng, thông minh trí huệ hơn một chút. Do vậy, trí huệ và đức tướng đều như nhau, nhưng vì phiền não có dày, mỏng, cạn, sâu khác nhau, cho nên lộ ra chẳng giống nhau.

/ 600