/ 600
942

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 22

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Tôi vừa mới xem một tờ truyền đơn, nghe nói tờ truyền đơn này đã lưu hành trên Internet khá lâu! Tôi đọc một đoạn cho mọi người nghe nhé: “[Tờ truyền đơn này] đến từ lão pháp sư Tịnh Không. Sau khi tai nạn bộc phát tại Tứ Xuyên, Miến Điện, gần đây tai nạn lại bộc phát càng nghiêm trọng hơn. Cả thế giới bị ôn dịch, có thể hơn trăm vạn người bị chết, so với tai nạn tại Tứ Xuyên và Miến Điện trong thời gần đây càng đáng sợ hơn. Hiện thời đã có mấy quốc gia như Đại Hàn, Ấn Độ đã bắt đầu [xảy ra tai nạn]”. Tôi chẳng biết chuyện này, mà cũng chẳng biết ai đã viết [như vậy], chuyện này tôi không hiểu. Đoạn tiếp theo viết: “Pháp sư Tịnh Không kêu gọi các đồng tu trên thế giới bắt đầu từ tám giờ rưỡi mỗi tối, niệm tụng thánh hiệu Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát một ngàn câu suốt một tuần để hồi hướng cho chúng sanh trên cả thế giới tiêu tai miễn nạn, lìa khổ được vui, quốc thái dân an, mưa hòa, gió thuận. Xin quý vị sau khi nhận được tin tức này bèn báo cho càng nhiều nhân sĩ thiện tâm biết, công đức vô lượng”. Câu sau cùng là do người viết truyền đơn thêm vào. Tôi kêu gọi đồng học Tịnh Tông trên toàn cầu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hòng tiêu tai miễn nạn cho thế giới, tôi đã nói điều này, đoạn ấy tôi đã nói, nhưng câu trước và câu cuối cùng, tôi chẳng biết đến. Những gì tôi nói đã được đài truyền hình vệ tinh Hoa Tạng phát sóng. Mặt sau tờ truyền đơn có toa thuốc của Quán Thế Âm Bồ Tát, đối với toa thuốc ấy, tôi không biết Trung Y, có thể nhờ các thầy thuốc Bắc xét coi có hiệu quả hay không? Chuyện này thận trọng một chút sẽ tốt hơn. Tai nạn rất nhiều, nhất là trong thời gian gần đây nhất, hình như hôm nay tại Đài Loan lại bị động đất, còn có núi lở. Nhiều năm qua, tôi thường khuyên lơn các đồng tu phải nghiêm túc học mười sáu chữ: “Phóng hạ tự tư tự lợi, phóng hạ danh văn, lợi dưỡng, phóng hạ đối ngũ dục lục trần hưởng thụ, phóng hạ tham, sân, si, mạn” (Buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông hưởng thụ ngũ dục lục trần xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống). Tâm thái của chúng ta đoan chánh sẽ khiến cho thân tâm khỏe mạnh, mang lại hạnh phúc cho gia đình, mang lại thuận lợi trong sự nghiệp, mang lại an định hòa bình cho xã hội, đưa đến sự đối xử hòa thuận trên thế giới, tôi thường nói những điều này. Tai nạn chẳng đáng sợ, chúng ta đoan chánh tâm hạnh sẽ có thể hóa giải tai nạn, trong kinh, đức Phật thường dạy chúng ta: “Tướng do tâm sanh, cảnh chuyển theo tâm”. Trong giáo pháp Đại Thừa nói rất nhiều, đối với những lý luận ấy, chúng ta có mức độ khá hiểu biết. Do vậy, chúng ta công nhận hai câu nói ấy của đức Phật, chỉ cần sửa đổi tâm thái của chúng ta cho đúng, sẽ có thể hóa giải tai nạn. Vì thế, rất nhiều thứ được lưu truyền mượn danh nghĩa của tôi, tôi chẳng biết rõ lắm! Trong quá khứ, cục trưởng cục Tôn Giáo Quốc Gia là ông Diệp đã từng cho tôi biết. Ông ta đến Hương Cảng phỏng vấn. Trong thời gian phỏng vấn, có một hôm mời tôi dùng bữa sáng tại khách sạn, ông ta bảo: “Trong nước có những kẻ giả mạo danh nghĩa pháp sư để làm những chuyện bất thiện, pháp sư có biết những chuyện đó hay không?” Tôi nói tôi thật sự không biết. Ông ta bảo: “Chuyện này sẽ do quốc gia xử lý”. Tôi nói tôi rất cảm ơn. Do vậy, ở đây, tôi nói kèm thêm chuyện này cùng mọi người. Tờ truyền đơn này không có khuyết điểm gì to lớn, toàn là khuyến thiện, nhưng lời khuyến thiện và toa thuốc của Quán Âm Bồ Tát chúng tôi chẳng biết tới, toa thuốc Quán Âm Bồ Tát do đâu mà có? Tôi hoàn toàn không biết. Quý vị liễu giải là được rồi, cám ơn mọi người.

  Nay chúng ta bắt đầu xem kinh, xin coi Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang hai mươi, dòng thứ hai từ dưới đếm lên, coi từ giữa câu: “Tích Công Lũy Đức phẩm vân: Trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ” (Phẩm Tích Công Lũy Đức có nói: “Trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, một mực chuyên dốc chí trang nghiêm cõi nước mầu nhiệm”). Câu đầu tiên này hết sức trọng yếu! Quý vị thấy chư Phật Như Lai chỉ dạy chúng ta trí huệ chân thật, điều này quan trọng lắm! Trí huệ chân thật ở đâu? Trí huệ chân thật chẳng ở bên ngoài, mà sẵn có trong tự tánh của chúng ta, lại còn viên mãn, hết thảy chúng sanh đều có. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rõ ràng: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Trong quá khứ, đối với câu nói này, trình độ hiểu biết của chúng tôi như sau: Nói “hết thảy chúng sanh” thì đại khái là người, tối đa là động vật, chúng tôi hiểu như vậy. Hiện thời, chúng tôi hiểu sâu đậm hơn, vì “chúng sanh” được nói trong Phật giáo vốn có nghĩa là “các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi” thì gọi là “chúng sanh”. Định nghĩa này bao gồm tất cả các hiện tượng, có hiện tượng nào chẳng do các duyên hòa hợp? Kinh thường nói động vật là Tứ Đại, Ngũ Uẩn, đó là các duyên hòa hợp. Nay chúng ta đã biết: Thực vật cũng do các duyên hòa hợp, bộ phận vật chất của thực vật là Sắc pháp, hiện thời thực vật cũng có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

/ 600