/ 600
1.764

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 16

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang mười lăm, dòng số sáu từ dưới đếm lên, xem từ câu thứ hai.

“Phù chúng sanh chi sanh diệt tâm, xứ xứ năng duyên, độc bất năng duyên ư Bát Nhã” (Cái tâm sanh diệt của chúng sanh, chỗ nào cũng có thể duyên, chỉ chẳng thể duyên nơi Bát Nhã). Đây là nói về tâm phàm phu, chúng ta cũng gọi nó là “tâm luân hồi”, chưa ra khỏi lục đạo luân hồi, nhưng nó có tác dụng rất lớn, chỗ nào cũng có thể duyên, có thể duyên quá khứ, mà cũng có thể huyễn tưởng vị lai, cõi này hay phương khác nó đều có thể tưởng. Tuy có năng lực to dường ấy, kinh Phật bảo: Trong thì nó có thể duyên tới A Lại Da, bên ngoài có thể duyên hư không pháp giới, nhưng chẳng thể duyên tự tánh! Bát Nhã là đức năng của tự tánh; do nó (sanh diệt tâm) chẳng thể duyên tự tánh, đương nhiên chẳng thể duyên Bát Nhã. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, điều này tâm phàm phu chẳng duyên được, tâm sanh diệt của chúng sanh chẳng duyên được! Đến khi nào mới có thể duyên được? Kiến tánh sẽ duyên được. Minh tâm kiến tánh sẽ duyên được, đức năng và trí huệ trong tự tánh đều hiện tiền. “Tu vị đăng Biệt Giáo địa thượng chi Bồ Tát, phương năng khế nhập” (Địa vị cần phải đạt đến Sơ Địa trong Biệt Giáo trở lên mới hòng khế nhập). Sơ Địa trong Biệt Giáo là Sơ Trụ trong Viên Giáo, kinh Hoa Nghiêm nói là từ Sơ Trụ trở lên, còn Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên, Phật giáo Trung Quốc gọi người như vậy là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Khi ấy, người đó duyên tới [tự tánh], “mới có thể khế nhập”, khế nhập là nhập tự tánh, đấy cũng là bậc minh tâm kiến tánh như chúng ta thường nói.

“Ư vô trụ thời tức sanh tâm, ư sanh tâm thời tức vô trụ” (lúc vô trụ bèn sanh tâm, lúc sanh tâm bèn vô trụ). Đây là cảnh giới minh tâm kiến tánh, sanh tâm là hiện tướng, sanh tâm gì? Sanh tâm độ chúng sanh. Điều thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, Ngài sanh tâm như thế nào? Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Bậc Địa Thượng Bồ Tát trong Biệt Giáo, Thập Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đều là chân Phật, trong Lục Tức Phật của Thiên Thai đại sư, [những vị này] được gọi là Phần Chứng Tức Phật, trên họ là Cứu Cánh Tức Phật. Cứu Cánh Tức Phật chỉ có một [địa vị], kinh Hoa Nghiêm gọi địa vị ấy là Diệu Giác. Phần Chứng Tức Phật có bốn mươi mốt địa vị, [tức là] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt địa vị này đều là Phần Chứng Tức Phật, là chân Phật, chẳng phải giả Phật. Phật trong mười pháp giới chẳng phải là chân Phật, mà là Tương Tự Tức Phật, rất giống, vì sao? Họ dùng A Lại Da, chưa chuyển thức thành trí. Chuyển thức thành trí chính là các vị Địa Thượng Bồ Tát như đang nói ở đây, đã kiến tánh. Chưa chuyển thức thành trí là chưa kiến tánh. Đây là một kiến thức thông thường trong Phật giáo, chúng ta phải biết. Ngài ứng hóa, là do chúng sanh có cảm Ngài bèn ứng. Nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy. Thuở ấy, tại Ấn Độ, Thích Ca Như Lai “nên dùng thân Phật để độ”, Ngài bèn hiện Ứng Thân Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tùy hình hảo, hiện thân tướng này. Tại Trung Quốc, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư, xuất hiện vào thời Đường, cũng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, chẳng khác gì Thích Ca Phật. Hiện ra cùng một cảnh giới, chỗ khác biệt là Ngài hiện thân tỳ-kheo, Thích Ca Mâu Ni Phật hiện thân Phật thân, tức thân ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Huệ Năng đại sư tại Trung Quốc, nên dùng thân tỳ-kheo để độ người, nên Ngài hiện thân tỳ-kheo. Đúng vậy, cả đời Ngài độ hơn bốn mươi vị tỳ-kheo thành Phật, minh tâm kiến tánh, dùng thân tỳ-kheo. Khi Ngài hiện thân, thưa cùng quý vị, Ngài là vô trụ, vô trụ có nghĩa là gì? Hiện thân tướng chẳng khác gì chúng ta, thân tướng ấy cũng sáng dậy, tối ngủ, cũng mỗi ngày phải ăn cơm, mặc áo, chẳng khác gì hết. Chỗ thật sự không giống nhau là chúng ta có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, Ngài không có. Do Ngài không có, nên gọi là vô trụ. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm), bậc Pháp Thân đại sĩ ứng hóa trên thế gian, vô trụ và sanh tâm là một, không hai, là cùng một chuyện, ứng hóa trên thế gian. Nếu còn có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, chúng ta phải biết kẻ ấy là phàm phu, tức là phàm phu trong lục đạo. Kẻ khác nói quý vị là vị Phật nào đó hay Bồ Tát nào đó tái lai, chính mình phải tự hiểu: “Giả trất, chẳng thật!” Giả có thể tu thành thật hay chăng? Có thể!

/ 600